Lai Châu: Bắt giữ nhóm buôn lậu sâm từ Trung Quốc về Việt Nam

07/10/2023 - 02:05
(Bankviet.com) Nhận thấy sâm từ Trung Quốc có giá rẻ các đối tượng ở Lai Châu đã mua và vận chuyển trái phép về Việt Nam để bán kiếm lời
Ngăn chặn và xử lý sâm nhập lậu: Còn nhiều thách thức Lai Châu sắp diễn ra Hội chợ sâm năm 2022 Phát triển sâm Lai Châu để thay đổi cuộc sống bà con vùng cao Thành lập Hiệp hội Sản xuất sâm Việt Nam do ông Võ Kim Cự làm trưởng ban với mục đích gì?

Ngày 5/10, thông tin từ Công an tỉnh Lai Châu, Công an huyện Phong Thổ vừa phối hợp với Đồn Biên phòng Huổi Luông bắt quả tang 3 người về hành vi "Buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới".

Lai Châu: Bắt giữ nhóm buôn lậu sâm từ Trung Quốc về Việt Nam
Triệu Chính Đức, Châu Seo Xú và Phồng Chỉn Ton tại cơ quan Công an

Theo đó, nhóm đối tượng này gồm: Triệu Chính Đức (SN 1993), Châu Seo Xú (SN 2002) và Phồng Chỉn Ton (SN 1994, cùng trú ở thị trấn Sìn Hồ). Tang vật thu giữ gồm 122kg củ sâm tươi và 43kg lá sâm. Tại cơ quan điều tra, nhóm người này khai nhận số tang vật bị thu giữ là củ sâm và lá sâm.

Theo điều tra, do thấy sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh có giá trị cao trên thị trường và biết có một số nhà vườn ở Trung Quốc bán sâm giá rẻ nên nhóm này đã làm thủ tục xuất cảnh qua cửa khẩu Ma Lù Thàng sang Trung Quốc mua sâm. Tại đây, nhóm người trên mua sâm với giá khoảng 470.000 đồng/1kg củ, 130.000 đồng/1kg lá rồi lén lút vận chuyển trái phép về Việt Nam để bán giá cao hơn gấp 10 lần.

Theo quy định, sản phẩm sâm Lai Châu đặc hữu được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ bảo hộ nhãn hiệu, có giá trị rất cao từ 130 tới hơn 300 triệu đồng/1kg trên thị trường, được những người am hiểu về công dụng, giá trị của sâm săn tìm mua với mục đích bồi bổ sức khỏe.

Sâm Lai Châu hay còn gọi là tam thất hoang Mường Tè, tam thất đen (tên địa phương) là loài cây thuộc chi nhân sâm, họ ngũ gia bì có phân bố hẹp ở Lai Châu. Sâm Lai Châu là loại cây thuốc rất quý hiếm về giá trị nguồn gen cũng như về giá trị sử dụng; được xếp hạng ở mức độ nguy cấp, đối tượng ưu tiên bảo tồn và phát triển ở Việt Nam.

Sâm Lai Châu có vị ngọt, hơi đắng, tính ôn, có tác dụng gần giống với tác dụng của nhân sâm. Trong thân rễ sâm Lai Châu có saponin "MR2" chiếm tỷ lệ lớn, đặc trưng có trong sâm Ngọc Linh.

Đức Lâm

Theo: Báo Công Thương