Gần đây nhất (ngày 20/11), Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) điều chỉnh biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại quầy đối với kỳ hạn 24 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ từ 5,8%/năm lên 6%/năm, áp dụng cho khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên. Các kỳ hạn còn lại, biểu lãi suất huy động được giữ nguyên.
Đối với tiền gửi tiết kiệm trực tuyến, Nam A Bank thực hiện điều chỉnh tăng mạnh lãi suất tiết kiệm tại một số kỳ hạn với mức tăng cao nhất lên tới 0,7 điểm %. Sau khi điều chỉnh, biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm trực tuyến tại ngân hàng này ở mức: kỳ hạn 1-2 tháng là 4,5%/năm; 3 tháng là 4,75%/năm; 10 tháng là 5,3%/năm; 36 tháng là 5,9%/năm.
Trước đó, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng điều chỉnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm, với các khoản tiền từ tiết kiệm có kỳ hạn từ 3-5 tháng, cụ thể: kỳ hạn 3 tháng tăng thêm 0,2 điểm % lên 4,1%/năm; kỳ hạn 5 tháng tăng thêm 0,7 điểm % lên mức 4,3%/năm. Các kỳ hạn còn lại, lãi suất huy động được giữ nguyên.
Ngân hàng TMCP Việt Á (Viet A Bank) cũng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại tất cả các kỳ hạn, cụ thể: kỳ hạn 1 tháng tăng thêm 0,3% lên 3,7%/năm; kỳ hạn 2 tháng tăng 0,4% đạt 3,9%/năm; kỳ hạn 3 tháng tăng 0,3% chạm mức 4%/năm; kỳ hạn 6-8 tháng tăng thêm 0,4% lên 5,2%/năm; kỳ hạn 9-11 tháng tăng thêm 0,6% lên mức 5,4%/năm; kỳ hạn 12-13 tháng tăng 0,3% lên 5,7%/năm…; kỳ hạn 36 tháng tăng thêm 0,2% lên 6%/năm.
Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở một số kỳ hạn, như: kỳ hạn 6 tháng tăng thêm 0,2% lên 5,3%/năm; kỳ hạn 12-13 tháng tăng thêm 0,1% lên lần lượt là 5,6% và 5,8%/năm.
Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động thêm 0,1% dành cho các khoản tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn dưới 6 tháng. Sau điều chỉnh, lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 1 tháng tăng lên 3,6%/năm; kỳ hạn 2 tháng tăng lên 3,7%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng tăng lên 3,9%/năm.
Không chỉ nhóm ngân hàng thương mại cổ phần điều chỉnh tăng lãi suất huy động, lần điều chỉnh này cũng chứng kiến sự tham gia của ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, cụ thể: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam vừa điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở tất cả các kỳ hạn, với mức tăng trung bình từ 0,2-0,3 điểm %. Sau điều chỉnh, lãi suất tiết kiệm tại quầy ở kỳ hạn 1 tháng là 2,2%/năm; kỳ hạn 3 tháng là 2,5%/năm; kỳ hạn 6 tháng là 3,5%/năm; kỳ hạn 12 tháng là 4,7%/năm và kỳ hạn 24 tháng là 4,8%/năm.
Theo thống kê từ thị trường, từ đầu tháng 11/2024 tới nay có hơn 10 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động tại một số kỳ hạn, có thể kể đến như: Agribank, Techcombank, BAO VIET BANK, HDBank, GPBank, LPBank, Nam A Bank, IVB, Viet A Bank, VIB, MB, ABBank, VietBank… với mức điều chỉnh tăng thêm từ 0,1 – 0,7 điểm %.
Nhìn nhận về đợt tăng lãi suất này, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyên Trí Hiếu cho rằng, đợt tăng lãi suất lần này của các ngân hàng cũng là điều dễ hiểu, vì huy động vốn theo thông lệ thường tăng mạnh vào cuối năm khi doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Điều này đòi hỏi các ngân hàng phải có lãi suất hấp dẫn để thu hút vốn. Do vậy, lãi suất huy động vẫn sẽ duy trì ở mức cao so với hồi đầu năm và việc giảm lãi suất trong thời gian tới là khó khả thi.
Các chuyên gia phân tích đến từ CTCK MB (MBS) dự báo, xu hướng tăng lãi suất này được dự kiến sẽ được tiếp tục duy trì cho tới cuối năm nay trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh hơn gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng của huy động vốn. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 31/10 đã tăng 10,08% so với cuối năm 2023. Điều này là một yếu tố góp phần thúc đẩy các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi nhằm thu hút vốn mới, qua đó giúp đảm bảo thanh khoản.
“Chúng tôi dự báo lãi suất đầu vào sẽ tăng nhẹ 20 điểm cơ bản vào cuối năm. Chúng tôi cho rằng sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm, sẽ phần nào gây áp lực lên thanh khoản hệ thống và có thể dẫn đến việc tăng lãi suất đầu vào”, các chuyên gia thuộc MBS dự báo và cho biết thêm: “Tính đến cuối tháng 10, tăng trưởng tín dụng đã tăng 10,08%, cao hơn so với mức 7,4% ghi nhận vào cùng kỳ năm ngoái. Ở chiều ngược lại, việc lạm phát ở mức thấp và Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất được kỳ vọng sẽ tạo thêm dư địa cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ tại Việt Nam. Dựa vào các yếu tố trên, chúng tôi dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng lớn sẽ có thể nhích thêm 20 điểm cơ bản, dao động quanh mức 5,1% - 5,2% vào cuối năm 2024”.
Đoàn Hằng