Lạm phát tại Mỹ tháng 11/2023 hạ nhiệt, thực tế này không khỏi khiến nhiều người hy vọng vào khả năng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang tính toán về khả năng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ “hạ cánh mềm”. Thị trường chứng khoán Mỹ ngay sau thông tin mới nhất đã tăng lên ngưỡng cao kỷ lục mới.
Chỉ số S&P 500 tăng 0,2% sau khi số liệu liên bang cho thấy giá cả tại Mỹ tháng 11/2023 tăng chậm hơn so với kỳ vọng. Chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ như vậy chỉ thấp hơn 1% so với ngưỡng đóng cửa cao kỷ lục từng được thiết lập vào tháng 1/2022.
S&P 500 như vậy đã có 8 tuần tăng điểm liên tiếp, lần gần nhất thị trường có khoảng thời gian tăng điểm dài như vậy là vào năm 2017. Chỉ số S&P 500 đang hướng đến năm tăng điểm tốt thứ ba trong khoảng 10 năm gần đây.
“Hiện đang xuất hiện nhiều bằng chứng cho thấy tình trạng khan hiếm thiếu hụt hàng hóa thời kỳ hậu đại dịch COVID-19 đã qua đi, lãi suất sẽ được điều chỉnh giảm vào năm sau”, chuyên gia kinh tế tại tổ chức Capital Economics – ông Andrew Hunter phân tích.
Vào ngày thứ Sáu, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhắc đến báo cáo từ Cục Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA) như một dấu mốc quan trọng trong những nỗ lực để đưa lạm phát trở lại ngưỡng trước đại dịch COVID-19.
“Khi khoảng thời gian nghỉ cuối năm đang đến gần, giá cả một loạt các loại hàng hóa, từ gas cho đến sữa, đồ chơi, các thiết bị, hàng điện tử, thuê ô tô và vé máy bay đồng loạt giảm”, ông Biden nhấn mạnh.
Khảo sát của BEA cho thấy, lạm phát lõi tháng 11/2023 tại Mỹ tăng chỉ 0,1% so với tháng liền trước, thấp hơn so với dự báo của các chuyên gia. Như vậy nếu tính trong khoảng thời gian 6 tháng, chỉ số này tăng 1,9%, thấp hơn so với ngưỡng mục tiêu 2% mà FED đề ra.
Việc lạm phát lõi tại Mỹ giảm diễn ra chỉ một tuần sau khi FED khiến thị trường tài chính toàn cầu ngạc nhiên bằng việc phát đi thông điệp rằng FED sẽ bắt đầu hạ lãi suất trong năm sau bởi triển vọng kinh tế Mỹ năm 2023 tốt hơn so với kỳ vọng.
Trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại T Rowe Price, ông Tim Murray, khẳng định: “Một khi FED chuyển hướng, nhà đầu tư sẽ chuyển sang trạng thái tích cực. Chúng ta đã có khoảng thời gian thị trường tăng điểm và thực sự không có gì có thể phủ nhận điều này”.
Các thị trường tương lai hiện đang dự báo nhiều hơn về khả năng FED sẽ cắt lãi suất đến sáu lần trong năm 2024, lãi suất mục tiêu sẽ được điều chỉnh giảm từ ngưỡng 5,25% đến 5,5% - cao nhất trong 22 năm.
Tâm lý tích cực trên phố Wall, kết hơn với việc tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ thấp, đã khiến cho nhiều chuyên gia phân tích tin rằng kinh tế Mỹ đang hướng đến khả năng hạ cánh mềm sau khi lạm phát tăng vọt khiến cho FED buộc phải nâng lãi suất lên ngưỡng mà các chuyên gia kinh tế tin sẽ gây ra lạm phát.
Số liệu mới công bố cho thấy GDP tại Mỹ trong quý III/2023 tăng trưởng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, các chuyên gia kinh tế dự báo kinh tế Mỹ sẽ hạ nhiệt đà tăng trưởng trong năm 2024.
Số liệu thống kê mới nhất cho thấy kinh tế Mỹ là nền kinh tế lớn tăng trưởng mạnh nhất trên thế giới, tốc độ tăng trưởng nhanh hơn và áp lực giá cả hạ sâu hơn so với phần lớn các nước châu Âu. FED nhiều khả năng sẽ hạ lãi suất trước cả Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hoặc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE).
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ tăng 14% trong tháng vừa qua, cho thấy công chúng đang tin vào khả năng lạm phát đã ở phía sau.
Phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số S&P 500 tăng sau khi số liệu mới công bố cho thấy lạm phát hạ nhiệt. Các chỉ số chính trên thị trường ghi nhận tuần tăng thứ 8 liên tiếp.
Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 tăng 0,17% lên 4.754,63 điểm. Ở ngưỡng hiện tại, chỉ số S&P 500 thấp hơn khoảng 0,9% so với ngưỡng đóng cửa kỷ lục gần nhất.
Chỉ số Nasdaq tăng 0,19% lên 14.992,97 điểm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones hạ 18,38 điểm, tương đương 0,05% xuống 37.385,97 điểm.
Cả 3 chỉ số chính trên thị trường như vậy đã có tuần tăng điểm thứ tám liên tiếp.
Đăng Tuấn