Lãnh đạo cấp cao VPBank dự chi hơn 500 tỷ đồng gom cổ phiếu VPB

04/02/2025 - 08:35
(Bankviet.com) Bà Phạm Thị Nhung - Phó Tổng Giám đốc thường trực VPBank, đăng ký mua 30 triệu cổ phiếu VPB từ 6/2-7/3. Động thái này diễn ra trong bối cảnh VPBank ghi nhận lợi nhuận kỷ lục hơn 20.000 tỷ đồng năm 2024, cùng triển vọng tăng trưởng mạnh nhờ sự hậu thuẫn từ SMBC

Ngày 3/2, bà Phạm Thị Nhung, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Thường trực Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HOSE: VPB) thông báo đăng ký mua thêm cổ phiếu VPB nhằm nâng tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng.

Theo kế hoạch, giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 6/2 đến 7/3, theo phương thức khớp lệnh trên sàn. Nếu giao dịch hoàn tất, bà Nhung sẽ nâng lượng sở hữu tại ngân hàng này từ 6,07 triệu cổ phiếu (0,08% vốn) lên 36,07 triệu cổ phiếu (0,45% vốn).

Cổ phiếu VPB trong một quý gần nhất đã giảm hơn 8%, với khối lượng giao dịch bình quân đạt 12,5 triệu đơn vị/phiên. Với giá đóng cửa ngày 3/2 đạt 18.500 đồng/cp, giá trị giao dịch ước tính lên đến 555 tỷ đồng. Sau giao dịch, tổng giá trị tài sản của bà Nhung trên sàn chứng khoán sẽ đạt 667 tỷ đồng.

Diễn biến giá cổ phiếu VPB
Diễn biến giá cổ phiếu VPB

Bà Phạm Thị Nhung có trình độ cử nhân Đại học Đông Đô. Giai đoạn 2016-2022, bà trải qua các vị trí Giám đốc giao dịch phát triển mạng lưới, tài sản bảo đảm; Giám đốc trung tâm quản lý đối tác và trở thành Phó Tổng giám đốc từ năm 2021. Từ năm 2023, bà Nhung làm Phó Tổng giám đốc thường trực kiêm Giám đốc khối quản lý đối tác và quan hệ đối ngoại VPBank.

Bà Phạm Thị Nhung gia nhập Hội đồng quản trị VPBank từ ngày 29/4/2024. Vào tháng 8/2024, bà Nhung đã mua vào 5 triệu cổ phiếu, nâng sở hữu lên mức hiện tại. Theo báo cáo quản trị bán niên 2024, các bên liên quan của bà Nhung không sở hữu cổ phần tại VPBank.

Bà Phạm Thị Nhung, Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc thường trực VPBank. Ảnh: VGP.
Bà Phạm Thị Nhung, Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc thường trực VPBank. Ảnh: VGP.

Năm 2024, VPBank đã có một năm kinh doanh đầy bứt phá, với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 20.000 tỷ đồng, tăng 85% so với năm 2023. Trong đó, riêng quý IV/2024, lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng đạt 6.100 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ VPBank cũng lên tới 18.300 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2023.

Một trong những động lực chính giúp VPBank bứt phá mạnh mẽ trong năm 2024 đến từ sự phục hồi của Công ty tài chính FE Credit sau quá trình tái cấu trúc. Công ty con này đã liên tiếp báo lãi trong 3 quý gần nhất, mang về 500 tỷ đồng lợi nhuận cho cả năm, đánh dấu bước ngoặt quan trọng sau nhiều năm hoạt động kém hiệu quả.

Ngoài ra, hoạt động thu hồi nợ của ngân hàng cũng ghi nhận những kết quả tích cực. Tổng thu từ nợ đã xử lý rủi ro hợp nhất đạt 5.600 tỷ đồng, gấp 2 lần so với năm trước, giúp cải thiện đáng kể chất lượng tài sản và tăng nguồn thu cho ngân hàng.

Một yếu tố quan trọng khác thúc đẩy đà tăng trưởng của VPBank là sự hỗ trợ từ cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC, Nhật Bản). Với sự hậu thuẫn từ đối tác ngoại, phân khúc tín dụng FDI của VPBank đã tăng trưởng gấp 3 lần so với năm 2023, mở ra triển vọng tươi sáng trong việc mở rộng thị phần và nâng cao năng lực cạnh tranh.

VPBank cảnh báo: Dùng số điện thoại làm tên đăng nhập là “mở đường” cho kẻ gian

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - HOSE: VPB) vừa phát đi cảnh báo về một thủ đoạn lừa đảo mới, trong đó ...

Gần 1,2 tỷ cổ phiếu VPB đổ bộ lên sàn HOSE từ hôm nay (6/12)

Vốn điều lệ tại VPBank sẽ được nâng từ 67.434 tỷ đồng lên mức 79.339 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu cũng được nâng ...

Phó Tổng Giám đốc thường trực VPBank đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu VPB

Mới đây, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB) vừa thông báo giao dịch của người nội bộ và người liên ...

Đức Anh

Đức Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán