Lãnh đạo doanh nghiệp "hiến kế" phát triển du lịch

15/03/2023 - 20:38
(Bankviet.com) Các lãnh đạo Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, BRG, Sun Group, VinGroup, Vietnam Airlines... đã có kiến giải và đề xuất phát triển du lịch tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi – Tăng tốc phát triển”.

Chính phủ lập 5 tổ công tác gỡ khó giải ngân vốn đầu tư công

Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng

Ngày 15/3/2022 là dấu mốc quan trọng của du lịch Việt Nam, nỗ lực trở lại sau thời gian dài "ngủ đông" do dịch COVID-19. Đến tháng 3/2023, một năm sau dấu mốc này, du lịch Việt Nam đã gặt hái được thành công nhất định, nhất là "bùng nổ" du lịch nội địa.

Sáng 15/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi – Tăng tốc phát triển”.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi – Tăng tốc phát triển”. Ảnh minh họa

Tuy vậy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn cần khắc phục. Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng thảo luận các tình hình ngành du lịch, các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và đề ra các giải pháp để ngành du lịch "cất cánh".

Tại Hội nghị, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết, những kết quả đạt được của ngành du lịch trong thời gian qua là nhờ sự linh hoạt trong điều hành của Chính phủ, của các bộ, ngành địa phương trong bối cảnh khó khăn trên toàn thế giới.

Đối với lĩnh vực phát triển du lịch, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nêu ra tầm quan trọng của chuỗi liên kết giá trị du lịch. Để có thể phát triển toàn bộ mô hình chuỗi giá trị du lịch trên vai trò quản lý của nhà nước rất quan trọng trong việc định hướng, kết nối, điều phối và tạo điều kiện cho các thành phần tham gia cùng phát triển.

Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương Johnathan Hạnh Nguyễn. Ảnh: VGP
Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương Johnathan Hạnh Nguyễn. Ảnh: VGP

Bên cạnh đó, tiềm năng du lịch mua sắm, giải trí, du lịch nghỉ dưỡng sức khỏe và các mô hình khác là rất lớn. Theo thống kê từ World Data, trong thời gian gần đây, các nước Đông Nam Á về cơ bản giữ được doanh thu bình quân từ chi tiêu của khách du lịch.

Vì vậy làm như thế nào để vừa tăng trưởng số lượng khách du lịch, vừa tăng trưởng chi tiêu của khách. Theo các chuyên gia, du lịch mua sắm, giải trí, nghỉ dưỡng sức khỏe về cơ bản là chìa khóa để góp phần tăng trưởng kinh tế do đó cần làm phong phú dịch vụ này để khách có cơ hội tiêu tiền thậm chí mua hết số tiền và muốn mua sắm tiếp. Chúng ta nên nghiên cứu mô hình tại Singapore và Hải Nam (Trung Quốc) đã rất thành công với mô hình này.

Đại diện Tập đoàn đề xuất một số giải pháp đầu tư để góp phần phát triển các mảng còn thiếu của dịch vụ du lịch: Phát triển mô hình sức khỏe chữa trị y tế; Đề xuất đầu tư xây dựng Trung tâm Outlet;

Theo ông, Quyết định 100 của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2019 về quy chế hoạt động kinh doanh ngành miễn thuế chưa tính các hoạt động thương mại mua sắm dịch vụ, giải trí phục vụ ngành du lịch. Với tốc độ số hóa dữ liệu dân cư và áp dụng các công nghệ phần mềm hiện đại nối mạng trực tiếp với hải quan thì có thể kiểm soát để đảm bảo việc tuân thủ bán hàng miễn thuế.

Đề xuất mô hình dịch vụ vui chơi giải trí: Cần lựa chọn nhà đầu tư có năng lực hợp tác với các tổ chức quốc tế để phát triển các tổ hợp vui chơi, nghỉ dưỡng, casino và các công viên thương hiệu được nhận diện trên toàn thế giới sẽ thu hút nguồn khách quốc tế rất lớn và tăng trưởng tương tự như Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc. Nhật Bản.

Việc đầu tư hệ thống hoàn thuế VAT- một trong những giải pháp nâng cao trải nghiệm của du khách quốc tế là đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian hoàn thuế VAT. "Nếu có chính sách phù hợp chúng tôi sẽ phối hợp với các đối tác để hỗ trợ lắp đặt các hệ thống này cho các cơ quan chức năng trên toàn quốc. Bên cạnh đó cần đầu tư hạ tầng sân bay để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng du lịch hiện nay.”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho hay.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga. Ảnh: VGP
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga. Ảnh: VGP

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga cho rằng, trong thời gian qua, Chính phủ đã luôn quan tâm theo sát thúc đẩy phục hồi du lịch Việt Nam. Minh chứng là một năm có rất nhiều cuộc họp của Chính phủ và các bộ, ngành để chỉ đạo phục hồi phát triển du lịch.

Đặc biệt, Việt Nam đã mở cửa du lịch khi vẫn còn dịch COVID-19 trên thế giới. Điều này đã cứu vãn các doanh nghiệp du lịch nói riêng và các doanh nghiệp khác liên quan. Điều này cũng được ghi nhận khi các nước xung quanh cũng chưa dám mở cửa.

Trong năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế và đạt doanh thu 650.000 tỷ đồng. Đây là con số chúng ta phải quyết tâm đạt được nhưng cũng cần phải có nhiều giải pháp tập trung hơn đối với nhóm khách du lịch quốc tế có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày ở Việt Nam.

Đại diện Tập đoàn BRG cho biết, Tập đoàn đang vận hành nhiều khách sạn và khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế và được các tập đoàn quốc tế top đầu của thế giới quản lý.

Về thuế, chưa nói đến thuế thu nhập nhưng nếu tính đến doanh thu thì nộp thuế 10% VAT và 20% thuế tiêu thụ đặc biệt. Hiện nay đang ở mức cao vì các nước xung quanh chỉ từ 5%-7%,vì vậy, đề nghị Chính phủ nghiên cứu để điều chỉnh mức thuế này cho phù hợp nhằm thu hút khách du lịch nhiều hơn. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch sẽ mang lại hiệu quả cao.

Trong thời gian tới, BRG có một số đề xuất: (1) Tăng cường tập trung quảng bá cho du lịch và tiếp thị hình ảnh thương hiệu du lịch quốc gia. Trong đó, Chính phủ cần tăng ngân sách cho công tác này. (2) Nên ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch. Đồng thời, xây dựng bản sắc văn hóa du lịch cho từng vùng, từng miền. (3) Đối với vấn đề visa, đề nghị tăng hạn visa từ 2 đến 4 tuần cho khách có thời gian đi du lịch nhiều hơn, chi nhiều tiền cho du lịch để doanh thu du lịch của chúng ta được tăng hơn.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường. Ảnh: VGP
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường. Ảnh: VGP

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường cho rằng: Báo cáo đánh giá của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thể hiện rất chính xác, phân tích rất rõ, các giải pháp cũng rất đầy đủ. Để cơ cấu thị trường cần rất nhiều yếu tố từ sản phẩm, dịch vụ marketing, quảng bá, hợp tác, liên kết giữa công và tư, và các doanh nghiệp trong ngành.

Nhấn mạnh thêm vai trò của thị trường khách quốc tế đối với du lịch Việt Nam, ông cho biết, năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam là 18 triệu, bằng 21% khách nội địa nhưng doanh thu của nhóm này chiếm gần 2/3 do họ có thời gian lưu trú dài, từ 8-12 ngày, thậm chí là những thị trường trọng điểm, họ có thể ở đến 15 ngày, chi tiêu từ 1.100 – 2.000 USD cho 1 chuyến đi. Trong khi đó, tại thị trường nội địa, khách chủ yếu đi vào cuối tuần, với thời gian lưu trú từ 1 đến 2 ngày, mức chi tiêu cũng không bằng.

Vừa qua, các chính sách visa du lịch của chúng ta cũng đã có những điểm tiến bộ về visa. Tuy nhiên, để có những đột phá hơn, có tính cạnh tranh trong tương lai và bền vững, chúng ta phải có những cải cách mạnh hơn nữa. Ví dụ năm 2019 chúng ta đón 18 triệu lượ khách thì Thái Lan họ đón 40 triệu, 2023 chúng ta mục tiêu là 8 triệu thì họ đã đón 25 triệu và theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì năm 2030 chúng ta đón 35 triệu, thì Thái Lan đến năm 2027 họ là 80 triệu khách. Như vậy nếu như chúng ta không có các giải pháp đột phá ngay bây giờ thì chúng ta sẽ về sau.

Đại diện Sun Group đưa ra 2 đề xuất: (1) Các bộ, ngành sớm xem xét phân tích, đánh giá, trình Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Quốc hội để sửa đổi bổ sung các quy định của Luật Xuất nhập cảnh. (2) Nghiên cứu đề xuất gia hạn hoặc mở rộng các đối tượng, các quốc gia có thể được miễn visa đơn phương, trong đó có những thị trường trọng điểm.

Tổng Giám đốc Tập đoàn VinGroup Nguyễn Việt Quang
Tổng Giám đốc Tập đoàn VinGroup Nguyễn Việt Quang. Ảnh: VGP

Tổng Giám đốc Tập đoàn VinGroup Nguyễn Việt Quang cho biết, sau 1 năm chính thức mở cửa trở lại trong điều kiện bình thường mới, du lịch Việt Nam đang hồi sinh khi đông đảo du khách đã quay trở lại.

Thành quả có được nhờ chính sách của Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành, các địa phương cùng sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, dịch vụ lữ hành, hướng đến Việt Nam là một điểm đến mới mẻ và hấp dẫn.

Vinpearl thuộc Tập đoàn VinGroup, là doanh nghiệp tiên phong, đồng hành và hưởng ứng tích cực những chính sách và giải pháp phát triển của Chính phủ và ngành du lịch.

Lãnh đạo Tập đoàn VinGroup cũng hoàn toàn nhất trí với những đề xuất về giải pháp ví dụ như quảng bá về thị trường, mở rộng chính sách cấp thị thực, ưu đãi hợp lý về thuế…để thu hút khách du lịch và tại điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch phát triển.

Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà. Ảnh: VGP
Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà. Ảnh: VGP

Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết hàng không cần liên kết chặt chẽ và mạnh mẽ với ngành du lịch, cần chương trình thống nhất, đảm bảo bài bản, dài hạn. Để làm được việc này rất cần sự dẫn dắt của Chính phủ để thống nhất chương trình hành động.

Do vậy, Tổng công ty Hàng không Việt Nam có 4 kiến nghị: (1) Chào đón khách du lịch bằng chính sách xuất nhập cảnh thông thoáng. (2) Cần thiết có Chương trình quốc gia về du lịch. Kiến nghị có Tổ công tác của Thủ tướng về du lịch quốc gia để đẩy mạnh sự phục hồi, tăng tốc phát triển. (3) Tập trung mạnh hơn nữa xúc tiến và quảng bá du lịch, huy động các nguồn lực với sự tham gia các bộ, ngành. (4) Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp để quay lại đầu tư tập trung cho các hoạt động hàng không và du lịch để tăng chất lượng dịch vụ.

Hoàng Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán