Cụ thể, ông Hoàng Quang Việt hiện đang sở hữu gần 28,3 triệu cổ phiếu HPG, tương đương 0,49% vốn điều lệ Tập đoàn Hòa Phát. Ông Việt dự định bán 2 triệu cổ phiếu HPG theo phương thức thỏa thuận cho con trai Hoàng Nhật Minh và con gái Hoàng Nhật Anh, mỗi người 1 triệu cổ phiếu.
Hòa Phát đạt lợi nhuận sau thuế cả năm 2022 đạt hơn 8.400 tỷ đồng, chỉ bằng 24% so với năm 2021. hình minh họa |
Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 20/2 đến 20/3/2023. Ông Nhật Minh và bà Nhật Anh hiện đều không sở hữu cổ phiếu HPG nào. Nếu giao dịch diễn ra thành công, tỉ lệ sở hữu của ông Việt giảm xuống còn 0,45%, tương ứng với 26,3 triệu cổ phiếu. Đồng thời, mỗi người con của ông Hoàng Quang Việt sẽ nâng sở hữu tại Tập đoàn Hòa Phát lên 0,02% vốn điều lệ, tương đương 1 triệu cổ phiếu HPG.
Trên thị trường, kết phiên 13/2, cổ phiếu HPG dừng ở 20.200 đồng/cp. Tạm tính ở mức giá này, giao dịch giữa ba cha con ông Hoàng Quang Việt sẽ có giá trị khoảng 40 tỷ đồng.
Diễn biến giá cổ phiếu HPG thời gian gần đây. Nguồn: TradingView |
Được biết, HĐQT của Hòa Phát hiện có 7 người, gồm Chủ tịch Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Trần Tuấn Dương, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Chủ tịch Doãn gia Cường, Thành viên Hoàng Quang Việt, Thành viên Nguyễn Ngọc Quang và Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Nguyễn Việt Thắng.
Trong đó, ông Trần Tuấn Dương và ông Nguyễn Mạnh Tuấn mỗi người đã bán 12 triệu cổ phiếu HPG cho các con vào năm 2021. Con trai của Chủ tịch Trần Đình Long hiện cũng sở hữu hàng chục triệu đơn vị HPG nhưng là do mua trên thị trường, không phải mua thỏa thuận từ cha.
Trong một diễn biến khác, Tập đoàn Hòa Phát công bố Nghị quyết HĐQT về việc thông qua thời gian và địa điểm tổ chức họp ĐHCĐ thường niên 2023. Cụ thể 8h30 ngày 30/3/2023, Hòa Phát sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên 2023 tại Hội trường lớn Grand Ballroom, tầng 1 - Khách sạn Melia Hanoi, số 44 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.
Ngày chốt danh sách cổ đông dự họp ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông dự họp là 27/2/2023.
Về kết quả kinh doanh, Hòa Phát ghi nhận doanh thu quý IV/2022 đạt 26.000 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2021; lợi nhuận sau thuế âm gần 2.000 tỷ đồng, đây là mức lỗ nặng nhất trong lịch sử hoạt động đồng thời vượt ngoài dự phóng của một số công ty chứng khoán đưa ra trước đó.
Lũy kế năm 2022, Hòa Phát ghi nhận doanh thu 142.000 tỷ đồng, giảm 5% so 2021. Lợi nhuận sau thuế cả năm đạt hơn 8.400 tỷ đồng, chỉ bằng 24% so với năm 2021 và là mức thấp nhất trong 3 năm COVID-19 (từ 2020 đến nay).
Đến cuối quý IV, bên cạnh việc sở hữu 8.324 tỷ đồng tiền mặt và tương đương (giảm 12.000 tỷ so với cuối quý II/2022), 26.268 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn, HPG vẫn còn khoản tồn kho lớn với giá trị 34.491 tỷ đồng - giảm 22.600 tỷ so với ghi nhận tại thời điểm 30/6/2022 (đã trích lập dự phòng giảm giá 1.236 tỷ) và khoản nợ phải trả 74.222 tỷ đồng (giảm hơn 33.300 tỷ so với mức đỉnh quý II/2022). Đáng nói, 78% trong số này là vay nợ tài chính trong đó 46.749 tỷ đồng là vay ngắn hạn.
Năm 2022, công ty đã phải chi tới 7.141 tỷ đồng chi phí tài chính (bao gồm 3.087 tỷ chi phí lãi vay).
Giá nguyên liệu cao trong khi giá thành phẩm giảm mạnh cùng với áp lực lãi suất - tỷ giá trở thành những trở lại lớn nhất cho kết quả sau cùng của Hòa Phát trong năm vừa qua. Ngoài ra, vấn đề thị trường và tiêu thụ cũng đang trở thành mối quan tâm lớn đối với cổ đông ngành thép trong 1 năm trở lại đây.
Mới nhất, nhà phân phối thép số 1 Việt Nam vừa cập nhật tình hình sản xuất kinh doanh tháng 1/2023 với sản lượng giảm sâu so với cùng kỳ. Nguyên nhân là bởi cả 2 kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2023 đều nằm trong tháng 1 khiến nhu cầu thị trường vật liệu xây dựng nói chung và sắt thép nói riêng đều ảm đạm.
Theo đó, sản lượng HPG đạt 392.000 tấn thép thô trong tháng đầu năm 2023, giảm 44% so với cùng kỳ. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 402.000 tấn, giảm 36%.
Khánh Vân