Lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi)

14/06/2022 - 16:00
(Bankviet.com) Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi). Đáng chú ý, Dự thảo Luật bổ sung thêm các đối tượng phải báo cáo.

Luật Phòng chống rửa tiền (Luật PCRT) có hiệu lực từ năm 2013. Đến nay, sau 8 năm thực thi, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong công tác phòng, chống rửa tiền. Cơ chế phòng, chống rửa tiền đã được hình thành và phát triển, hoàn thiện với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cùng với việc hoàn thiện bộ máy gồm các cơ quan, tổ chức và đơn vị chuyên trách về phòng, chống rửa tiền. Cơ quan chức năng đã tiếp nhận hàng ngàn thông tin, báo cáo giao dịch đáng ngờ và đã phân tích, chuyển giao khối lượng thông tin lớn cho các đơn vị thuộc Bộ Công an và các cơ quan có thẩm quyền khác.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, có một số bất cập, hạn chế trong các quy định của pháp luật PCRT đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động PCRT. Chẳng hạn, theo quy định hiện hành, đối tượng báo cáo của Luật PCRT bao gồm các tổ chức tài chính và các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính liên quan. Tuy nhiên, hiện nay có một số hoạt động mới phát sinh như các hoạt động liên quan đến tài sản ảo, cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và người cho vay dựa trên nền tảng công nghệ... và quy định tại Luật PCRT chưa bao quát được các hoạt động này trong khi đây là các hoạt động có tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền do các hoạt động này hầu hết được thực hiện trực tuyến, có tính ẩn danh cao.

Luật PCRT hiện hành không có quy định về việc đánh giá rủi ro rửa tiền quốc gia, ngành và tại từng tổ chức. Quy định về việc thực hiện các biện pháp PCRT trên cơ sở rủi ro của các đối tượng báo cáo tại Luật PCRT chưa đảm bảo tính đầy đủ, hợp lý.

Các biện pháp PCRT còn tồn tại một số lỗ hổng cơ bản như: các quy định áp dụng đối với các thỏa thuận ủy quyền hiện chưa đầy đủ và chưa rõ ràng; trong các giao dịch liên quan tới công nghệ mới chưa quy định việc thực hiện đánh giá rủi ro về rửa tiền trước khi đưa các sản phẩm dịch vụ mới ra thị trường...

Do đó, cần thiết xây dựng Luật PCRT (sửa đổi) nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCRT; nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền và công tác phòng, chống tội phạm.

Dự thảo Luật gồm 5 chương, 61 điều hiện đang được lấy ý kiến rộng rãi.

Theo đó, Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung vào nhóm đối tượng điều chỉnh một số hoạt động kinh doanh mới phát sinh có tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền như hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, cung cấp dịch vụ tài sản ảo, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và người cho vay dựa trên nền tảng công nghệ.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về thông tin nhận biết khách hàng để phù hợp với pháp luật hiện hành; sửa đổi, bổ sung quy định về thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi, theo đó đối tượng báo cáo phải xác định chủ sở hữu hưởng lợi và áp dụng các biện pháp để nhận biết, cập nhật thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi, đồng thời giao Chính phủ hướng dẫn các biện pháp xác định chủ sở hữu hưởng lợi.

Dự thảo Luật bổ sung quy định về các cá nhân có ảnh hưởng chính trị của tổ chức quốc tế, bổ sung quy định về người có liên quan với cá nhân có ảnh hưởng chính trị; quy định trách nhiệm của đối tượng báo cáo phải có các biện pháp để xác định khách hàng là cá nhân có ảnh hưởng chính trị và áp dụng bổ sung các biện pháp bên cạnh việc nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng thông thường.

Các biện pháp đối tượng báo cáo phải áp dụng khi thiết lập quan hệ ngân hàng đại lý với ngân hàng đối tác nước ngoài bao gồm thu thập thông tin giám sát về ngân hàng đối tác của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Trong đó bao gồm cả thông tin việc ngân hàng đối tác có bị điều tra về rửa tiền hay các vi phạm pháp luật khác hay không; hiểu biết về các trách nhiệm phòng, chống rửa tiền của mỗi tổ chức. Trường hợp khách hàng của ngân hàng đối tác có thể thanh toán thông qua tài khoản của ngân hàng đối tác mở tại đối tượng báo cáo, đối tượng báo cáo phải đảm bảo rằng tài khoản của ngân hàng đối tác không được phép sử dụng bởi các ngân hàng vỏ bọc.

Các đối tượng báo cáo phải thực hiện đánh giá rủi ro về rửa tiền đối với tất cả các sản phẩm dịch vụ sử dụng công nghệ mới hiện có và trước khi đưa vào sử dụng hoặc kinh doanh, ban hành quy trình nội bộ áp dụng các biện pháp cần thiết để giảm thiểu rủi ro vì đây là loại hình sản phẩm, dịch vụ tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền.

Dự thảo Luật bổ sung quy định yêu cầu về việc cập nhật, lưu giữ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của pháp nhân đối với cơ quan đăng ký kinh doanh, cấp phép thành lập, hoạt động cho pháp nhân và chính pháp nhân đó.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Bùi Trang

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ