Lễ hội làng Hậu: Nối dài truyền thống văn hóa làng cổ Hội vật Cầu nước làng Vân - lễ hội "độc nhất vô nhị" ở Bắc Giang Hà Nội: Lễ hội làng Bát Tràng diễn ra từ ngày 23-25/3/2024 |
Lễ hội dân gian truyền thống đền Bà Triệu (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa), lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ tới vị anh hùng Triệu Thị Trinh - là người đã lãnh đạo nhân dân đứng lên chống lại ách đô hộ của nhà Ngô vào năm 248.
Sử sách ghi lại, năm 220 sau Công nguyên, sau khi triều đại Đông Hán sụp đổ, nhà nước phong kiến Trung Quốc phân chia thành cục diện Ngụy, Thục, Ngô. Nước ta lúc này bị nhà Ngô cai trị và thực thi nhiều chính sách vô cùng tàn ác.
Trong đó, vùng đất Cửu Chân (tỉnh Thanh Hóa ngày nay) bị chúng ra sức cướp bóc, vơ vét; đâu đâu cũng diễn ra cảnh lao dịch, bóc lột nặng nề, hãm hiếp phụ nữ, giết hại dân lành. Đời sống nhân dân khổ cực, lầm than.
Lễ hội đền Bà Triệu được tổ chức hàng năm tại Thanh Hoá. Ảnh dulichthanhhoa |
Lúc bấy giờ, ở vùng đất Cửu Chân, Triệu Thị Trinh và anh trai là Triệu Quốc Đạt đã nổi dậy đánh đuổi giặc Ngô. Trong một lần chỉ huy nghĩa quân chống lại cuộc tấn công của quân Ngô vào căn cứ núi Nưa (huyệnTriệu Sơn, Thanh Hóa), Triệu Quốc Đạt đã hy sinh. Nén nỗi đau thương, Triệu Thị Trinh thề sẽ quyết tâm trả thù nước, nợ nhà; đánh tan giặc Ngô, giúp nhân dân thoát cảnh lầm than cơ cực.
Từ căn cứ núi Nưa, Bà Triệu đã chỉ huy nghĩa quân tiến đánh thành Tư Phố (nay thuộc làng Giàng, xã Thiệu Dương, TP. Thanh Hóa), tiêu diệt chính quyền đô hộ nhà Ngô ở quận Cửu Chân. Ngày 22/2 âm lịch năm Mậu Thìn (năm 248), trong trận đánh giặc Ngô, Bà Triệu đã anh dũng hy sinh tại núi Tùng ở làng Bồ Điền, khi mới 23 tuổi.
Cuộc khởi nghĩa đánh đuổi giặc Ngô xâm lược của Bà Triệu tuy thất bại nhưng đã tạo nên mốc son đỉnh cao trong lịch sử anh hùng bất khuất chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta, là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí hiên ngang, khí phách quật cường của dân tộc ta.
Lễ hội đền Bà Triệu được tổ chức tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu. Ảnh dulichthanhhoa |
Để tưởng nhớ công đức của Bà Triệu, nhân dân lập đền dưới chân núi Gai (đền Bà Triệu), xây lăng mộ trên đỉnh núi Tùng để chăm lo thờ cúng Bà. Người dân làng Phú Điền (xã Triệu Lộc, H.Hậu Lộc) tôn Bà Triệu là Thần hoàng làng, thờ tại đình làng Phú Điền.
Hàng năm, lễ hội được tổ chức với quy mô lớn trên một không gian rộng theo quy trình đền, lăng và đình. Các điểm di tích ấy đều diễn ra tế lễ với một nghi thức trang trọng vừa truyền thống và vừa kết hợp với lễ hội đương đại. Riêng ở đình làng Phú Điền có tổ chức nghi thức hội Ngô, Triệu “giao quân”.
Ở tại đền Bà Triệu chủ yếu là tế lễ, như rước kiệu, tế nữ quan. Trong phần hội không có những trò diễn dân gian mà chỉ có Hội trận, khơi dậy và liên tưởng đến hào khí chống quân Ngô của bà… Tiếp sau là những đại lễ, rước kiệu… còn có hát chầu văn, là 1 hình thức âm nhạc truyền thống trong ngày lễ rất linh thiêng.
Ngoài những nghi thức lễ trên còn có lễ Mộc dục. Đây là 1 nghi thức lễ được những người dân địa phương rất chú ý và thận trọng, chọn ngày tốt để hành lễ, thường là ngày 18, ngày 19 tháng 2 âm lịch ở cả 2 nơi đền và đình làng, do 1 ông từ cả và 3 ông từ phụ chịu trách nhiệm. Tiếp đó là tế Phụng Nghinh. Tế Phụng Nghinh là thủ tục mời vua Bà cùng với lục bộ triều đình, hội đồng các quan, các thánh tổ bách gia về trong ngày huý kỵ Vua Bà, là ngày rất trang nghiêm và rất linh thiêng, thời gian tế là nửa ngày.
Lễ hội đền Bà Triệu đã góp phần quan trọng trong phát triển du lịch văn hóa ở địa phương. Ảnh dulichthanhhoa |
Việc rước bóng, trong ngày hội là một thể thức vô cùng quan trọng, người ta đặt bát hương Vua Bà lên kiệu cùng với một hộp tư trang và đĩa trầu cau. Có tám chàng trai được chọn lọc, đức độ, sạch sẽ và gia đình không có việc tang, không có việc xấu. Những chàng trai khênh kiệu (gồm có 8 đòn) mặc áo đỏ cộc tay, thắt lưng màu đỏ đầu chít khăn màu đỏ, quần trắng và chân đất. Người chủ tế đi ở phía dưới gầm kiệu. Tiếp theo có kiệu song loan, trên kiệu có áo chầu và các hộp sắc phong, có tám người khiêng. Nghi thức đi đầu có một hương án có hai người vác lọng che hương án, trên kiệu thì có bát hương, trầu cau và hoa quả. Sau hương án sẽ là phường bát âm cử nhạc lưu thuỷ, có trống, có chiêng và có 32 người thực hiện các nhiệm vụ vác gươm, vác bát bửu, vác dùi đồng.
Cứ như thế các đoàn vác cờ hội, vác kiệu song loan, người đi cùng đoàn rước kiệu phải ăn mặc chỉnh tề khăn nhiễu, quần trắng và áo lương. Đạo hành từ đền chính đến Lăng rồi trở về Đình làng. Đến Lăng kiệu được đặt ở trên giá đỡ và làm thủ tục nghi thức khấn đức Bà, nhân ngày huý kỵ, với tấm lòng thành kính của các con các cháu thập phương nhớ tới công ơn của Bà. Đoàn cử hành về đình làng, kiệu, bát hương bóng Bà đặt ở giữa đình và tiếp tục tế lễ 1 ngày 1 đêm gồm các tế yên vị và tế tam sanh. Sau đó đòn rước tế theo lộ trình về Đình Chính để làm Vua Bà trong 2 ngày 22 và 23 tháng 2 âm lịch.
Lễ hội đền Bà Triệu là một di sản văn hóa, mang trong mình sự kết hợp giữa lịch sử, văn hóa và du lịch. Việc quảng bá thông tin và giới thiệu về lễ hội đền Bà Triệu không chỉ giúp thu hút du khách mà còn giữ gìn và phát triển giá trị văn hóa truyền thống của đất nước. Hãy đến và khám phá lễ hội đền Bà Triệu để tận hưởng những trải nghiệm tuyệt vời và khám phá vẻ đẹp độc đáo của di sản văn hóa Việt Nam.
Bên cạnh những ý nghĩa về giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử truyền thống, lễ hội đền Bà Triệu còn là dịp để huyện Hậu Lộc nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung, tăng cường hoạt động giới thiệu, quảng bá về vùng đất, con người của quê hương với bạn bè, qua đó phát huy tiềm năng, thế mạnh, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là kinh tế du lịch.
Với ý nghĩa lịch sử, văn hóa và nét độc đáo đó mà lễ hội đền Bà Triệu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao chứng nhận Danh hiệu di sản phi vật thể quốc gia Lễ hội đền Bà Triệu.
Lê Nguyệt