Lễ hội Đình Thi được công nhận di sản văn hóa phi vật thể

14/04/2025 - 16:42
(Bankviet.com) Sáng 13/4, huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa) đã long trọng tổ chức Lễ hội Đình Thi và đón nhận Bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Thừa Thiên Huế: Công nhận Tri thức may, mặc áo dài Huế là di sản văn hoá phi vật thể Bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân ghi danh di sản thế giới Thanh Hóa tổ chức Lễ hội đền Đồng Cổ năm 2025

Theo đó, buổi lễ có sự tham gia của các ông: Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cùng lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa và đông đảo nhân dân huyện Như Xuân và du khách thập phương.

Theo sử sách, Đình Thi được xây dựng từ thế kỷ thứ 16, ở làng Sẹt xưa - làng Trung Thành ngày nay, thuộc thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân. Ông Lê Phúc Thành là người có công đi theo nghĩa quân Lam Sơn trong những năm đầu cuộc kháng chiến (1416-1427). Sau khi cuộc kháng chiến thắng lợi, ông được phong đất lộc điền ở làng Sẹt (diện tích khoảng 16km2). Lúc đầu, làng Sẹt chỉ có 13 hộ gia đình và ông là quan làng cai quản vùng đất này.

lễ hội đình thi di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND tỉnh Thanh Hóa trao bằng công nhận Lễ hội Đình Thi là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho lãnh đạo huyện Như Xuân. Ảnh: Minh Hiếu

Ông Lê Phúc Thành sinh được năm người con, bốn người con trai và một người con gái. Người con đầu là Lê Thiên Vinh; người thứ hai là Lê Hữu xá, người thứ ba là Lê Bá Thiều; người con thứ tư là Lê Đình Mỹ và người con gái là Lê Thị Đớn. Vào năm Quang Thuận thứ 5 (năm 1464) dưới thời vua Lê Thánh Tông, ông Lê Phúc Thành đã phân chia đất đai cho các con của mình. Bốn người con của ông Lê Phúc Thành cai quản bốn vùng đất của bốn làng, dưới thời Nhà Lê đều được phong quan lang, đều được xây dựng đền thờ và có sắc phong của nhà vua.

Năm 1995, Đình Thi được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đến năm 2024 Lễ hội Đình Thi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia tại quyết định số: 3998/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024.

lễ hội đình thi di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bí thư Huyện ủy Như Xuân Lương Thị Hoa đánh trống khai hội. Ảnh: Minh Hiếu

Lễ hội Đình Thi nhằm tưởng nhớ công đức cha ông có công xây bản, lập mường và gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần giáo dục truyền thống quê hương đất nước, ý thức bảo vệ di sản văn hóa của dân tộc; xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng các dân tộc trên mảnh đất miền Tây Thanh Hóa.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoas Đầu Thanh Tùng nhấn mạnh: Lễ hội Đình Thi được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là sự tôn vinh một di sản văn hóa với sức sống mãnh liệt; tôn vinh những nỗ lực thầm lặng, bền bỉ của cộng đồng và lớp lớp nghệ nhân trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị của di sản; thúc đẩy trách nhiệm trao truyền di sản giữa các thế hệ và thực hành di sản trong đời sống hiện nay.

Đây cũng là dịp để nhân dân huyện Như Xuân bày tỏ lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân, bằng tài năng sáng tạo và nỗ lực, đã gìn giữ tài sản quý báu này, để hôm nay được vinh danh và ngày mai sẽ tiếp tục tỏa sáng trong dòng chảy văn hóa của dân tộc.

Tại sự kiện, sau khi lãnh đạo huyện Như Xuân (Thanh Hóa) đã đánh trống khai hội là các hoạt động văn hóa - văn nghệ mang đậm sắc thái văn hóa của các dân tộc huyện Như Xuân, như cồng chiêng, khắp, hát chậm đò ho...

Quốc Huy

Theo: Báo Công Thương