Theo công cụ FedWatch của CME Group, các thị trường tài chính đang định giá 97% khả năng FED sẽ cắt giảm lãi suất quỹ liên bang 1/4 điểm phần trăm xuống khoảng 4,25 - 4,5%. Trong năm tới, những lần giảm lãi suất như vậy có thể sẽ rất ít.
Cơ sở lý luận của FED cho việc cắt giảm lãi suất gần đây đã giảm đi sau các báo cáo cho thấy lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu 2%, trong khi việc làm vẫn tương đối dồi dào. FED đã giảm lãi suất chuẩn vào tháng 9 và tháng 11 sau khi giữ lãi suất này ở mức cao nhất trong 2 thập kỷ qua trong hơn một năm nhằm ngăn chặn tình trạng lạm phát bùng nổ sau đại dịch COVID-19.
Lãi suất quỹ liên bang ảnh hưởng đến lãi suất áp dụng đối với thẻ tín dụng, các khoản vay mua ô tô và vay kinh doanh. Lãi suất cao hiện nay được coi là yếu tố cản trở của nền kinh tế, ngăn cản việc vay mượn và làm chậm hoạt động nhằm giảm áp lực lạm phát.
Nhiệm vụ của FED không chỉ là chống lạm phát mà còn ngăn chặn tình trạng thất nghiệp nghiêm trọng. Đầu mùa thu này, thị trường việc làm chậm lại khiến các quan chức FED lo ngại hơn về sứ mệnh kép của họ, dẫn đến việc cắt giảm lãi suất 50 điểm vào tháng 9. Các nhà tuyển dụng đã chậm lại trong việc tuyển dụng lao động, mặc dù đã tránh được tình trạng sa thải quy mô lớn.
Các nhà kinh tế dự đoán năm 2025 sẽ có ít đợt cắt giảm lãi suất hơn
Các câu hỏi mở cho cuộc họp hôm thứ Tư là FED sẽ cân bằng 2 ưu tiên đó như thế nào trong kế hoạch cắt giảm lãi suất trong tương lai và Chủ tịch FED Jerome Powell sẽ nói gì về triển vọng trong cuộc họp báo sau cuộc họp. Mặc dù các động thái lãi suất vào tuần tới đều được cho là đã được xác định rõ ràng nhưng các đợt cắt giảm lãi suất trong tương lai vẫn còn rất mơ hồ.
Khi các nhà hoạch định chính sách của FED đưa ra dự báo kinh tế hồi tháng 9, họ dự báo sẽ cắt giảm lãi suất xuống mức 3,25 - 4,5% vào cuối năm 2025, thấp hơn 1 điểm phần trăm so với mức dự đoán ở hiện tại.
Các nhà kinh tế tại Wells Fargo dự đoán, sẽ chỉ có 3 lần cắt giảm 0,25 điểm phần trăm trong năm 2025 thay vì 4 lần. Các nhà kinh tế tại Deutsche Bank dự đoán, tại cuộc họp tháng 12, FED sẽ giữ nguyên lãi suất và không cắt giảm trong ít nhất trong một năm tới. Moody's Analytics dự báo sẽ có 2 đợt cắt giảm lãi suất vào năm tới.
Sự thay đổi trong chính quyền tổng thống khiến việc dự đoán tương lai trở thành một công việc khó khăn hơn. Quỹ đạo lạm phát và nền kinh tế có thể phụ thuộc vào các kế hoạch kinh tế của tổng thống đắc cử Donald Trump, đặc biệt là mức thuế nặng mà ông cho biết sẽ áp lên các đối tác thương mại của Mỹ vào ngày đầu tiên nhậm chức.
Các giả định của các nhà kinh tế khác nhau về các mức thuế, ở mức độ nào chúng sẽ chỉ là một chiến thuật đàm phán và chúng sẽ có tác động gì đến nền kinh tế. Nhiều nhà dự báo cho rằng lạm phát sẽ tăng do các thương nhân chuyển chi phí của thuế nhập khẩu mới sang người tiêu dùng.
Không chỉ làm phức tạp thêm những hàm ý đối với FED, thuế quan cũng có thể gây tổn hại cho các doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế của Mỹ, điều này sẽ thúc đẩy FED cắt giảm lãi suất để thúc đẩy kinh doanh nhằm bảo toàn thị trường lao động.
Các nhà kinh tế tại Wells Fargo Securities viết trong một bài bình luận: “Thách thức đối với FED sẽ là phân tích cú sốc về phía cung của thuế quan đối với xu hướng việc làm và lạm phát do cầu kéo”.
Tất cả những câu hỏi mở đó có thể khiến FED phải thận trọng hơn về việc cắt giảm lãi suất trong tương lai.
Matt Colyar, chuyên gia kinh tế tại Moody's Analytics, viết trong một bài bình luận: “Khả năng xảy ra những thay đổi mạnh mẽ trong chính sách thương mại và đối nội do chính quyền mới của Trump tạo thêm sự không chắc chắn và ủng hộ cách tiếp cận ‘chờ đợi và quan sát’ từ Uỷ ban thị trường mở”.
H.Y