Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, ngày 14/11/2022, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, các ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tham gia thảo luận đều đánh giá cao quá trình nghiên cứu, sửa đổi dự án Luật Đất đai. Tuy nhiên, để dự án Luật được hoàn thiện, đảm bảo công khai, minh bạch, tránh tiêu cực… các ĐBQH cũng đã nêu bật nhiều điểm cần sửa đổi để Luật khi được ban hành có hiệu lực, hiệu quả cao trong thực tiễn.
Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) |
Quy định hợp lý về quyền định giá đất
Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng cần phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định cụ thể liên quan đến bỏ khung giá đất, giao quyền định giá đất cụ thể cho UBND cấp tỉnh.
Bởi theo đại biểu, quy định về giá đất cụ thể là điểm không thành công của Luật Đất đai 2013, làm phát sinh tranh chấp, khiếu kiện trong thu hồi đất. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 164, 165 của dự thảo Luật về bảng giá đất, giá đất cụ thể vẫn chưa khắc phục được những bất cập trong Luật hiện hành.
Do đó, đại biểu đề nghị: “cần có cơ chế hữu hiệu hơn để nâng cao hiệu quả, tính minh bạch của công tác định giá đất, tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong công tác định giá. Đề nghị cần quy định rõ, cơ quan quản lý giá đất cấp tỉnh độc lập với UBND cấp tỉnh trong việc định giá đất, được thuê tổ chức có chức năng tư vấn, xác định giá đất để tư vấn xác định giá đất cụ thể”.
Tại khoản 1 Điều 163 có quy định việc định giá đất phải bảo đảm các nguyên tắc như: “Theo mục đích sử dụng đất định giá; theo thời hạn sử dụng đất; phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường…”. Đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị cần xác định rõ, tường minh thế nào là “ phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường” để đảm bảo tính khả thi khi áp dụng.
Đồng thời, để giá đất tiệm cận với giá thị trường, cần định rõ vai trò, thẩm quyền của cơ quan nhà nước cũng như các chủ thể liên quan như nhà đầu tư, người sử dụng đất trong quá trình thẩm định giá, giảm tối đa cơ hội cán bộ có thể lạm quyền. Hội đồng thẩm định giá đất cần có sự tham gia của các bên, và hoạt động theo nguyên tắc công khai, minh bạch, công bằng.
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cũng cho rằng, làm sao để xác định giá đất sát với giá thị trường là một bài toán rất khó. Do đó, đại biểu đề nghị: “việc xác định giá đất sát với giá thị trường là điều mà luật phải tính toán kỹ và cần quy định chặt chẽ công tác công khai thông tin, tuyên truyền về giá để hạn chế tình trạng sốt đất ảo, giúp cân bằng ổn định về giá thị trường, có chế tài xử lý nghiêm những hành vi đầu cơ, lướt sóng, tạo giá ảo về đất, gây nhiễu loạn thị trường đất đai”.
Trong khi đó, đại biểu Đặng Bích Ngọc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình đề nghị khi xây dựng bảng giá đất cần đảm bảo công khai, minh bạch, tránh tiêu cực. Theo đại biểu, tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong việc định giá đất tại một số địa phương thời gian qua một phần do những bất cập trong việc xác định bảng giá đất.
“Tính minh bạch, khách quan, chính xác của bảng giá đất là vấn đề rất quan trọng, góp phần định giá đất cụ thể. Đề nghị cần có tổ chức độc lập, chuyên nghiệp trong việc xây dựng bảng giá đất đảm bảo công khai, minh bạch, tránh tiêu cực khi xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt bảng giá đất hàng năm”, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị.
Liên quan đến công tác thu hồi đất, đại biểu Trần Nhật Minh, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ các trường hợp thu hồi đất. Bởi thực tế cho thấy, thu hồi đất là một trong những lĩnh vực có nhiều khiếu nại, do các quy định liên quan đến lĩnh vực này còn bất cập, chưa giải quyết được mối quan hệ hài hòa giữa nhà nước, chủ đầu tư và người sử dụng đất.
Để đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết của Trung ương, đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị cần làm rõ các điều kiện, tiêu chí cụ thể của các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng so với các dự án vì lợi ích kinh tế thuần túy, làm rõ phương án bồi thường đất thỏa đáng để đảm bảo việc thu hồi đất, đặc biệt là ở khu đô thị, khu dân cư diễn ra minh bạch, công bằng.
Cùng chung quan điểm, đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định đề nghị cần chú trọng hơn nữa đến chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư để người dân bị thu hồi đất không bị thiệt thòi. Đồng thời, cần rà soát, đánh giá lại các trường hợp thu hồi đất theo quy định của Luật hiện hành xem còn phù hợp hay không. Với những trường hợp mới bổ sung, cần đánh giá tác động kỹ lưỡng, tránh tình trạng quy định quá nhiều trường hợp thu hồi, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, tiềm ẩn nguy cơ tăng khiếu kiện về đất đai.
Tránh trường hợp khi sửa đổi Luật Đất (sửa đổi) phải sửa đổi nhiều luật khác
Đồng tình với việc sửa đổi Luật Đất đai lần này, đại biểu Trần Quốc Tuấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng, đây là nội dung rất quan trọng, được người dân, doanh nghiệp và các cấp chính quyền trong cả nước trông đợi từ lâu, kỳ vọng sẽ tháo gỡ các vấn đề bất cập trong quản lý, vận hành cơ chế, chính sách liên quan đến đất đai, góp phần nâng cao giá trị nguồn lực của đất đai, tạo động lực cho phát triển đất nước.
Góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu lượng hóa đến mức tối đa và bổ sung nội dung của các điều khoản nêu trong dự thảo Luật. Dự án Luật Đất đai có tính chất đặc thù và nhạy cảm so với các dự án luật khác, có ranh giới rõ ràng giữa các đối tượng điều chỉnh trong luật nên đại biểu đề nghị trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm thực tiễn sau 10 năm thực hiện Luật Đất đai 2013, Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu và dự báo tình hình để bổ sung nhiều nội dung đã, đang và sẽ phát sinh trong thực tiễn để thêm vào phần giải thích từ ngữ. Đồng thời cần quy định chi tiết cụ thể rõ ràng và đầy đủ hơn đảm bảo bất kỳ ai khi đọc luật này cũng đều hiểu rõ và có thể áp dụng được ngay.
Đồng thời, đại biểu Trần Quốc Tuấn cũng đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc, tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi các luật có liên quan để đảm bảo nguyên tắc thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam mà Luật Đất đai được xem là luật gốc để khi luật được ban hành sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Cùng chung quan điểm đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đề nghị cần rà soát lại các quy định để đảm bảo tính thống nhất. Với những hạn chế, bất cập, mâu thuẫn chồng chéo như luật hiện hành với nhiều luật khác, đại biểu bày tỏ tán thành và nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ với các luật liên quan, đặc biệt là thể chế hóa nội dung Nghị quyết 18-NQ/TW, từ đó giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, góp phần sử dụng nguồn lực đất đai hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành nguồn lực quan trọng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Đóng góp vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Vũ Tiễn Lộc, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, sửa đổi luật là phải tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, phát triển cộng đồng doanh nghiệp.
Về quy hoạch sử dụng đất, đại biểu Vũ Tiễn Lộc cho rằng, quy hoạch đất phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia. Ngoài ra, sửa đổi Luật Đất đai phải có sự rà soát sự chồng chéo với các luật khác, tránh trường hợp khi sửa đổi Luật Đất vẫn phải sửa đổi nhiều luật hoặc Luật Đất đai được thông qua nhưng các luật khác lại gặp nhiều cản trở trong việc thực thi.
Ngoài ra, theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, Luật Đất đai liên quan đến rất nhiều luật có liên quan và khi sửa đổi Luật Đất đai nên việc sửa đổi Luật này trong 3 kỳ họp. “Đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại những chồng chéo, bất cập trong các dự luật khác để đưa ra một quy luật sửa nhiều luật đồng bộ, để Luật Đất đai (sửa đổi) khi đưa vào có thể phát huy ngay tác dụng. Đây cũng là một việc rất quan trọng, nếu không thì chúng ta sẽ gặp lại bài học trong lịch sử vì Luật Đất đai có thể tốt nhưng mà các luật khác sẽ cản trở việc thực hiện Luật Đất đai”, đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị.
Thanh Hải