Phiên giao dịch ngày 1/2, VN-Index đóng cửa ở mốc thấp nhất phiên 1.075,97 điểm, giảm mạnh 35,21 điểm (-3,17%). Cổ phiếu VCB giảm 3,05% lấy đi 3,3 điểm của VN-Index; VHM giảm 5,7% và BID giảm 5,1% lấy đi 3,1 điểm và 2,8 điểm của chỉ số. Ngược lại, HDB, MWG và SBT là những mã tác động tích cực nhất lên chỉ số nhưng không đáng kể.
Trong rổ VN30, GVR giảm sàn 6,9%, SSI giảm cận sàn 6,7%; VPB, MSN, VRE, VHM, KDH, STB,… giảm sâu hơn 5%. Ở chiều tăng, NVL và PDR chỉ còn tăng lần lượt 2.5% và 0.4%, sắc xanh của HDB, GAS và VIB cũng bị thu hẹp đáng kể trong phiên chiều.
HNX-Index cũng chịu chung xu hướng khi đảo chiều giảm sâu trước diễn biến tiêu cực của các mã PVS (-6,2%), CEO (-9,8%), SHS (-7%), HUT (-8,3%),…
Thanh khoản trong phiên cũng có sự tăng đột biến so với phiên trước đó khi có đến hơn 1 tỷ cổ phiếu được giao dịch, tổng khối lượng khớp lệnh trên toàn sàn đạt mức hơn 17 nghìn tỷ đồng.
Bàn về đà giảm sâu của thị trường, ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Chi nhánh TP.HCM Chứng khoán DSC đưa ra ba nguyên nhân chính:
Thứ nhất, tâm lý thị trường thận trọng trước cuộc họp của Fed vào rạng sáng ngày 2/2. Trong cuộc họp này, Fed sẽ đưa ra quyết định về mức tăng lãi suất tiếp theo và quyết định cũng cho thấy đường đi dài hơi hơn của tổ chức này trong thời gian tới. Dù mức tăng lãi suất dự kiến vẫn là 0,25%, song nhà đầu tư vẫn sẽ có tâm lý thận trọng, đề phòng những phản ứng bất ngờ của Fed.
Thứ hai, áp lực chốt lời khi thị trường đã hồi phục mạnh từ đáy, 80% cổ phiếu đã vượt MA20. Đồng thời, nhiều nhà đầu tư giữ cổ phiếu sau Tết cũng có tâm lý “hái lộc” đầu năm, bán cổ phiếu để bảo toàn lợi nhuận.
Thứ ba, xuất hiện nhiều tin đồn ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư.
Trong ngắn hạn, chuyên gia DSC cho rằng quyết định của Fed sẽ là yếu tố quyết định xu hướng thị trường. Trong trường hợp lộ trình tăng lãi suất đúng như dự báo, thị trường sẽ hồi phục tích cực và hỗ trợ gần nhất cho chỉ số là 1.050 điểm.
Ngược lại, nếu có tình huống bất ngờ xảy ra và nhiều tin đồn xấu thành sự thực thì VN-Index có thể về 1.000 điểm. Chuyên gia không quá bi quan với kỳ họp của Fed vì liên thị trường đang khá ổn định, do đó rủi ro giảm giá tiếp không quá lớn.
Dù bối cảnh vĩ mô năm 2023 không quá tươi sáng, song biến động của thị trường chứng khoán vẫn phụ thuộc vào dòng tiền. Hai yếu tố hỗ trợ dòng tiền thời gian tới là (1) dư nợ margin trong quý IV/2022 đã giảm hơn 40.000 tỷ đồng nên rủi ro margin thấp hơn trước rất nhiều (2) khối ngoại tiếp đà mua ròng thêm 1 tỷ USD là vùng đệm cứng cho ngưỡng 1.000 điểm.
Trong bối cảnh thị trường khó tăng nhanh, giảm mạnh, chuyên gia cho rằng nhà đầu tư nên tập trung chiến lược mua thấp bán cao, chốt lời khi thị trường tăng mạnh. Nhà đầu tư có thể canh mua trong những nhịp giảm mạnh tại những ngưỡng 1.050 điểm, nếu bối cảnh xấu là 1.000 điểm
Cùng quan điểm, ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết cũng nhận định nhịp điều chỉnh của chỉ số sẽ là thời điểm thích hợp để nhà đầu tư cơ cấu danh mục và tích luỹ các cổ phiếu thuộc những nhóm ngành đang được thu hút dòng tiền và có triển vọng tăng trưởng.
Dù vậy, trong giai đoạn tới thị trường sẽ phân hoá mạnh khi nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh kể từ đáy. Do đó, nhà đầu tư cần sàng lọc và lựa chọn những cổ phiếu có kỳ vọng tốt trong thời gian tới. Nhóm cổ phiếu đầu tư công, cơ sở hạ tầng, vật liệu xây dựng, chứng khoán, ngân hàng có thể sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền trong thời gian tới.
Linh Đan