M&A bất động sản: "Cuộc chơi" của khối ngoại

01/12/2023 - 02:08
(Bankviet.com) Hoạt động M&A nói chung và trong lĩnh vực bất động sản nói riêng ghi nhận đã tăng lên đáng kể cả về số lượng và giá trị giao dịch.
M&A bất động sản sôi động bất chấp đại dịch Hàng trăm triệu đô hâm nóng thị trường M&A bất động sản đầu năm Cơn khát vốn sẽ thúc đẩy M&A bất động sản tăng mạnh

Mặc dù hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) nói chung của Việt Nam trong vòng 10 tháng trở lại đây có sụt giảm nhưng các giao dịch đầu tư, trong đó có các giao dịch M&A bất động sản vẫn diễn ra.

Ghi nhận theo dữ liệu của RCA và Cushman & Wakefield cho thấy, tổng giá trị giao dịch đầu tư và M&A bất động sản tạm tính trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt 729 triệu USD.

M&A bất động sản:
Phân khúc nhà ở luôn là loại hình M&A hấp dẫn cả nhà đầu tư nội và ngoại

Về nhà đầu tư tham gia M&A, theo Cushman & Wakefield, dẫn đầu là các nhà đầu tư gốc Á từ Singapore, Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc với lợi thế về vị trí địa lý, sự tương đồng về văn hóa, và am hiểu pháp luật địa phương. Đáng lưu ý, các nhà đầu tư ngoại vẫn chiếm phần lớn trong hoạt động giao dịch, thu mua, và đầu tư bất động sản; trong khi khối nội chỉ chiếm chưa đến 10% số lượng giao dịch.

“Điều này là do doanh nghiệp nội hiện vẫn đang đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi như tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, pháp lý dự án chưa được tháo gỡ, trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều bất cập, chưa tiếp cận được dòng vốn”- bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam nhận định.

Theo bà Trang Bùi, khi bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động, một quốc gia mới nổi như Việt Nam đã trở thành một thị trường tiềm năng thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, quan trọng hơn hết, tỷ suất sinh lợi hấp dẫn ở một thị trường mới nổi như Việt Nam chính là yếu tố quan trọng trong các quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.

“Nhìn lại các giao dịch trong giai đoạn 2018 và 9 tháng đầu năm 2023, Việt Nam ghi nhận tổng lượng vốn đầu tư và M&A bất động sản đạt khoảng 4,2 tỷ USD, trong đó loại hình nhà ở và công nghiệp chiếm tỷ trọng lần lượng 46% và 28%, theo dữ liệu từ RCA và Cushman & Wakefield. Điều này cho thấy khẩu vị của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung vào các loại tài sản truyền thống tại Việt Nam, phục vụ chính cho nhu cầu an cư - lạc nghiệp”- bà Trang Bùi cho biết.

Về triển vọng thời gian tới, Cushman & Wakefield dự báo sẽ có một lượng lớn nguồn vốn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài dự kiến sẽ hoàn tất và đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024-2026. Hiện nhiều giao dịch đã và đang trong quá trình đàm phán khá tích cực. Các mục tiêu đầu tư dự kiến vẫn nằm ở việc tìm kiếm những quỹ đất sạch, có chất lượng tốt, có giá trị thật, cũng như có quyền sở hữu hợp pháp, đền bù giải phóng hoàn chỉnh và có tiềm năng phát triển.

M&A trong lĩnh vực nhà ở cao cấp hấp dẫn khối ngoại

Kể từ khi thị trường bất động sản Việt Nam hình thành, phân khúc nhà ở luôn là loại hình hấp dẫn cả nhà đầu tư nội và ngoại. Nhờ vào dân số Việt Nam được xếp vào nhóm các nước đông dân đứng thứ 15 trên thế giới với 100 triệu người. Mô hình nhân chủng học ở Việt Nam với 70% dân số trong độ tuổi 15-64, thu nhập khả dụng gia tăng, tốc độ đô thị hóa nhanh đặc biệt ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh càng tăng tính hấp dẫn đối với dòng vốn ngoại.

Mai Ca

Theo: Báo Công Thương