Khám phá trải nghiệm số trong chiến lược sales và marketing Chuyên gia gợi ý 8 trọng tâm trong cách xây dựng chiến lược marketing 2023 |
Sự kiện do Trường Đại học Thương mại phối hợp với Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức sáng ngày 14/4, nhằm mục đích tạo diễn đàn khoa học để các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, giảng viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động marketing và kinh doanh trong bối cảnh mới.
Hội thảo “Marketing và kinh doanh trong bối cảnh mới” thu hút sự quan tâm của chuyên gia, giảng viên và doanh nghiệp |
Trong bài trình bày nghiên cứu chiến lược marketing truyền thông xã hội của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, TS. Đào Lê Đức - Trường Đại học Thương mại - chia sẻ: Các nền tảng truyền thông xã hội ngày càng được doanh nghiệp sử dụng nhiều, nhằm mở rộng phạm vi địa lý tiếp cận người mua, tăng cường định vị thương hiệu và xây dựng kết nối chặt chẽ hơn với khách hàng. Ở trong nước, các nền tảng xã hội được dùng nhiều như Facebook, Instagram, zalo và Tiktok để kết nối bạn bè, gia đình cũng như các nhãn hàng.
“Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa thực sự có được chiến lược hợp lý trong triển khai hoạt động marketing truyền thông xã hội; không có nhiều sáng kiến tương tác trên các phương tiện truyền thông xã hội. Hầu hết ứng dụng được triển khai trên thị trường dựa trên các thành tựu trước đây, từ những công ty đã làm hay đơn giản chỉ là sử dụng các phương pháp đã có…”, TS. Đào Lê Đức nêu thực trạng.
Để định hướng cho doanh nghiệp có cách truyền thông hiệu quả, ông Đức gợi ý: Doanh nghiệp cần xem xét và đánh giá lại cách thức quản trị chiến lược marketing hiện tại với nhiều sự quan tâm hơn cho truyền thông xã hội; tập trung vào việc tích hợp các nền tảng truyền thông xã hội với hệ thống nội bộ của công ty để tạo lập năng lực truyền thông xã hội; có lộ trình trong việc hoạch định và triển khai chiến lược CRM xã hội, phân tích, đánh giá kỹ các phát triển mới trong marketing và phương tiện truyền thông xã hội…
Đại biểu tham dự hội thảo |
Từ thực tế ở tỉnh Thái Bình, TS. Khúc Đại Long - Trường Đại học Thương mại đã đưa ra những phân tích cụ thể về tình hình sản xuất, kinh doanh, phương thức truyền thông và những gợi ý cho doanh nghiệp.
Theo ông Long, sản xuất, chế biến và kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh Thái Bình chủ yếu là các sản phẩm cây lương thực như gạo chế biến, khoai tây/khoai lang chế biến, bún/miến dong, bánh kẹo hay chế biến rau, hoa màu, quả; chế biến ươm tơ, mây tre đan, gỗ mỹ nghệ, lâm sản...
Qua thực tế cho thấy, doanh nghiệp chưa thực sự chủ động trong lựa chọn nhà phân phối; có yêu cầu tương đối dễ dãi với nhà phân phối sản phẩm của mình. Bên cạnh đó, việc thiết kế nội dung truyền thông dựa vào lượng sản phẩm và năng lực cung ứng sản phẩm; chưa thực sự quan tâm tới việc nghiên cứu đặc điểm tiêu dùng của khách hàng; lượng thông tin cung cấp cho khách hàng còn hạn chế; thông tin về doanh nghiệp và sản phẩm mà người tiêu dùng có thể biết được chủ yếu thông qua bao bì sản phẩm…
Thêm vào đó, mức độ chi ngân sách cho hoạt động truyền thông marketing sản phẩm còn quá thấp. Nội dung thông điệp doanh nghiệp truyền tải tới công chúng chủ yếu tập trung vào đặc tính của sản phẩm; chất lượng sản phẩm; đối với những nhà phân phối thì có thêm nội dung uy tín và khả năng của công ty trong việc thực hiện đơn hàng; chỉ chủ yếu thông qua marketing trực tiếp và bán hàng cá nhân; tập trung vào tờ rơi, bao bì sản phẩm và hội chợ triển lãm.
Trong kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động truyền thông mới tập trung vào việc doanh nghiệp mình có thực hiện đúng đơn hàng hay không, các nhà phân phối có bảo quản sản phẩm của mình đúng quy định hay không hoặc so sánh mức độ tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp mình với mức độ tiêu thụ sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh trong cùng một khu vực thị trường… Do đó hiệu quả mang lại chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có của một tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng.
Vì vậy, giải pháp ông Long gợi ý tỉnh Thái Bình: Trên thị trường nội địa cần tạo ra sự liên kết chặt chẽ với nhau trong môi trường ngành, để tạo nên sức mạnh cộng hưởng trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu chung cho sản phẩm nông sản chế biến Thái Bình.
Ngoài ra, cần tham gia hoặc thành lập ra các hiệp hội về chế biến nông sản góp phần hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh nói chung và truyền thông marketing sản phẩm nói riêng cho mỗi doanh nghiệp…
Tại hội thảo, các diễn giả đến từ Đại học Kinh tế Quốc dân đã trình bày báo cáo nghiên cứu về vấn đề: “Ảnh hưởng của vị trí quảng cáo trên website tới khả năng nhận ra thương hiệu của người xem”; “Ảnh hưởng của các chiến lược ứng phó với khủng hoảng thương hiệu đến thái độ của khách hàng”…
Chia sẻ tại hội thảo, các chuyên gia cũng cho hay, trong bối cảnh mới, sự phát triên công nghệ thông tin, chuyển đổi số ứng dụng vào mọi mặt của xã hội; phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn… đang là xu hướng tất yếu nhưng cũng là thách thức với không ít doanh nghiệp.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số và kinh tế tri thức, doanh nghiệp phải quan tâm tới tích lũy và khai thác tri thức của doanh nghiệp, thực hiện chuyến đối hoạt động kinh doanh với sự phát triển của công nghệ số, bối cảnh số…
Thanh Tâm