Năm 2022, xuất khẩu dăm gỗ và viên nén gỗ thu về gần 3,5 tỷ USD Giá viên nén gỗ xuất khẩu giảm sâu trong nửa đầu năm 2023 |
Theo báo cáo “Tình hình sản xuất và xuất khẩu viên nén của Việt Nam trong 6 tháng năm 2023 và xu hướng thị trường” do các Hiệp hội gỗ và Tổ chức Forest Trends vừa công bố cho hay, năm 2022 xuất khẩu viên nén gỗ tăng rất mạnh với lượng xuất xấp xỉ 4,9 triệu tấn, kim ngạch đạt gần 0,79 tỉ USD.
6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu viên nén gỗ giảm cả lượng và giá trị (ảnh Nguyễn Hạnh) |
Tuy nhiên, sang 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu viên nén gỗ đã có xu hướng giảm khi lượng giảm 12,3% và giá trị giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2022, chỉ đạt hơn 2 triệu tấn với giá trị gần 325 triệu USD.
Trong năm 2022, giá viên nén gỗ đã tăng mạnh trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19, tăng hơn 30% từ mức 117,87 USD/tấn năm 2021 lên 161,21 USD/tấn. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2023, giá đã giảm nhẹ gần 3% về xấp xỉ 157 USD/tấn.
Sau chuỗi tăng giá liên tiếp trong suốt năm 2022 và đạt đỉnh ở mức 189 USD/tấn vào tháng 12/2022, giá viên nén gỗ đã hạ nhiệt và bắt đầu giảm mạnh từ tháng 3/2023 đến hết tháng 6 năm 2023.
Giá viên nén gỗ xuất khẩu đã rơi xuống dưới mức 136 USD/tấn trong tháng 6/2023, tương đương mức giảm gần 30% so với mức trần ghi nhận trước đó 6 tháng.
Hàn Quốc và Nhật Bản là hai thị trường nhập khẩu viên nén gỗ nhiều nhất của Việt Nam. Lượng và kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vào hai quốc gia trên luôn chiếm gần 100% tổng lượng và giá trị xuất khẩu từ Việt Nam từ tất cả các thị trường trong suốt giai đoạn 2019 đến nay. Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu sang hai thị trường này lại có diễn biến trái ngược trong 6 tháng đầu năm 2023.
Theo đó, 6 tháng đầu năm 2023, Nhật Bản nhập khẩu hơn 1,16 triệu tấn viên nén gỗ, trị giá hơn 195 triệu USD, tăng 5,65% về lượng và 28,88% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, Hàn Quốc nhập khẩu hơn 840 ngàn tấn viên nén gỗ, trị giá gần 116 triệu USD, giảm hơn 33% về lượng và gần 43% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Giá xuất khẩu viên nén gỗ trung bình hàng tháng của Việt Nam sang hai quốc gia Nhật Bản và Hàn Quốc từ tháng 1/2022 đến tháng 6/2023. Mặc dù, giá nhập khẩu của cả hai thị trường này đều giảm đáng kể trong năm 2023 so với giai đoạn cuối năm 2022, biên độ sụt giảm của thị trường Hàn Quốc lớn hơn nhiều so với Nhật Bản do mức suy giảm đáng kể của cầu viên nén tại thị trường này.
Cụ thể, tại thời điểm tháng 6/2023, giá xuất khẩu viên nén gỗ sang Hàn Quốc chỉ còn xấp xỉ 105 USD/tấn, giảm 43% so với mức đỉnh 185 USD/tấn của tháng 12/2022. Trái lại, mức giá xuất khẩu sang Nhật Bản hiện vẫn gần đạt 153 USD/tấn, chỉ giảm dưới 18% so với mức giá trần ghi nhận nửa năm trước đó.
Số doanh nghiệp viên nén gỗ tham gia thị trường có xu hướng tăng mạnh trong năm 2022 nhưng lại sụt giảm đáng kể trong sáu tháng đầu năm 2023 do tình hình bất lợi của thị trường xuất khẩu.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, số doanh nghiệp xuất khẩu viên nén gỗ tại Việt Nam đã giảm từ 109 doanh nghiệp năm 2022 xuống 88 doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023.
Dự báo sẽ có sự cạnh tranh giữa xuất khẩu và tiêu thụ nội địa
Ông Tô Xuân Phúc – Chuyên gia phân tích chính sách Tổ chức Forest Trends – nhận định, cầu viên nén gỗ trên thế giới sẽ đạt khoảng 31 tỷ USD tới năm 2030. Cầu viên nén gỗ tại Nhật tới 2030 tăng khoảng 3 lần so với hiện tại.
Một số công ty Hoa Kỳ chuyển hướng xuất khẩu từ EU sang Nhật Bản, do một số công ty Nhật Bản trả giá ưu đãi (premium) đối với các hợp đồng có mức giá cố định (fix) đối với các hợp đồng dài hạn.
Các hợp đồng dài hạn đối với thị trường Nhật Bản kí từ năm 2021 bắt đầu giai đoạn mở rộng, lượng xuất khẩu vào thị trường này tăng. Tổng xuất khẩu viên nén gỗ từ tất cả các thị trường vào Nhật Bản trong 6 tháng đầu 2023 tăng 50% so với cùng kỳ năm trước.
Tại thị trường nội địa, cầu viên nén gỗ (và dăm gỗ) tăng trong tương lai do cam kết giảm phát thải của Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp tự giác chuyển đổi từ nguồn nguyên liệu phát thải cao sang viên nén. Do đó, cần có đánh giá nhu cầu tiêu thụ viên nén nội địa trong tương lai.
Dẫn chứng về vấn đề này, ông Tô Xuân Phúc cho hay, Erex sẽ bắt đầu sử dụng dăm gỗ để đồng đốt với than ở nhà máy Na Dương (110 MW), sử dụng 6.000 tấn viên nén, đưa tỉ lệ sử dụng biomass từ 5% tới 20% trong tháng 8 - 9 tới. Erex xây dựng nhà máy viên nén tại Yên Bái – dự kiến hoàn tháng vào năm 2024 và bắt đầu thương mại vào tháng 1/2025.
Việc thay thế (một phần) than sang viên nén gỗ tại một số nhà máy điện và lò hơi có thể hình thành cầu sử dụng viên nén gỗ tại thị trường nội địa trong tương lai, đặc biệt nếu Chính phủ ban hành các chính sách khuyến khích việc chuyển đổi. Cạnh tranh giữa viên nén gỗ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa (và nguồn nguyên liệu) có thể diễn ra trong tương lai không xa.
“Thế giới “khát” viên nén gỗ, đồng nghĩa với mặt hàng này sẽ có sự biến động lớn về thị trường, giá cả, chưa kể doanh nghiệp Việt sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các thị trường khác”, ông Nguyễn Ba Duy - Phó Chủ tịch Chi hội Viên nén gỗ Việt Nam, Phó Giám đốc Công ty CP Smart Wood - cho hay.
Ngoài ra, các thị trường lớn như EU, Nhật Bản ngày càng yêu cầu khắt khe về nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc, sự ổn định nguồn hàng... trong khi tiềm lực của doanh nghiệp vẫn còn yếu, chưa đủ đáp ứng những hợp đồng dài hạn 10 - 15 năm.
Để gia tăng sức cạnh tranh cho ngành viên nén gỗ, ông Nguyễn Ba Duy cho rằng, các doanh nghiệp cần có sự đầu tư lớn về máy móc, nguyên liệu... đặc biệt trong những tình huống bất ngờ như khủng hoảng năng lượng năm 2022 vẫn phải đảm bảo cung cấp hàng hóa ổn định, chi phí cố định. Như vậy, doanh nghiệp mới có thể giữ uy tín và cạnh tranh với các đối thủ khác.
Nguyễn Hạnh