Theo Moody’s, năm 2022, sự phục hồi kinh tế ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) dự kiến sẽ vững chắc khi ảnh hưởng của đại dịch giảm dần, điều này sẽ hỗ trợ hoạt động tín dụng của các ngân hàng, mặc dù tốc độ phục hồi sẽ không đồng đều.
Cơ quan xếp hạng này cho biết, các nền kinh tế có cơ cấu đa dạng và những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn sẽ phục hồi nhanh hơn, với khoảng một nửa các nền kinh tế APAC có mức tăng trưởng phục hồi tương đương với những năm trước đại dịch.
“Các ngân hàng sẽ duy trì bảng cân đối kế toán vững chắc với khả năng thanh toán và các chỉ số thanh khoản ổn định”. Eugene Tarzimanov, một cán bộ phân tích tín dụng cấp cao của Moody’s cho biết:
Tarzimanov nói thêm rằng tỷ lệ vốn lõi sẽ vẫn ổn định vì khả năng sinh lời cải thiện sẽ hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, chi trả cổ tức và mua lại cổ phiếu.
Một số ngân hàng trung ương có thể chọn tăng lãi suất trong bối cảnh lạm phát cao hơn và sẽ có ít sự gián đoạn hơn do đại dịch gây ra. Tuy nhiên, nhìn chung, chính sách tiền tệ sẽ vẫn mang tính tương thích hoặc trung lập ở hầu hết các nền kinh tế APAC.
Tarzimanov nói: “Mặc dù mức nợ tư nhân cao, nhưng lãi suất thường thấp và sự phục hồi kinh tế trên diện rộng sẽ hỗ trợ khả năng trả nợ của những người đi vay ngân hàng”.
Trong khi đó, giá tài sản cao trên toàn khu vực châu Á Thái Bình Dương sẽ có tác động trái chiều đến tín dụng đối với các ngân hàng. Một mặt, lạm phát giá bất động sản sẽ củng cố giá trị tài sản thế chấp. Tuy nhiên, mặt khác cũng làm tăng nguy cơ rủi ro về một sự điều chỉnh đột ngột của thị trường nếu các điều kiện kinh tế hoặc thị trường tài chính xấu đi đột ngột, Moody’s cảnh báo.
Trong khi đó, giá hàng hóa cao là điều tích cực đối với các ngân hàng ở các nền kinh tế xuất khẩu hàng hóa như Indonesia và Malaysia, cũng như các trung tâm tài trợ thương mại như Singapore và Hong Kong (Trung Quốc).
Về rủi ro liên quan đến các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG), các ngân hàng ở các thị trường mới nổi châu Á sẽ tiếp tục chịu rủi ro chuyển đổi carbon nhiều hơn so với các ngân hàng ở các thị trường tiên tiến, bởi vì các nền kinh tế thị trường mới nổi kém đa dạng hơn với các ngành liên quan đến hàng hóa lớn, Moody’s cho biết.
Moody’s cũng kỳ vọng các cơ quan quản lý của APAC sẽ đưa ra nhiều quy tắc hơn để hỗ trợ và hướng dẫn các ngân hàng trong quá trình chuyển đổi sang danh mục đầu tư carbon thấp hoặc thân thiện với môi trường hơn.
(Nguồn: The banking&finance.net)
Hải Yến
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ