Bộ Công Thương: Mua, bán pháo hoa Z121 trên mạng là trái quy định pháp luật Chi tiết giá pháo hoa Z121 người dân có thể sử dụng trong dịp Tết |
Tràn lan pháo hoa trên "chợ mạng"
Hiện đã là năm thứ ba dòng pháo hoa không tiếng nổ (pháo hoa Z121) được Nhà máy Z21 sản xuất và bán ra thị trường nhằm phục vụ nhu cầu giải trí của người dân. Theo quy định, chỉ các đại lý pháo hoa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép mới được kinh doanh mặt hàng pháo hoa, nhưng thực tế trên các trang thương mại điện tử và các hội nhóm mạng xã hội, sản phẩm pháo hoa đang được rao bán rất phổ biến.
Pháo hoa Z121 được rao bán trên mạng xã hội |
Chỉ cần vào Facebook gõ cụm từ "mua, bán pháo nổ, pháo hoa nổ", "pháo hoa Z121" hàng loạt tài khoản đăng thông tin bán mặt hàng này đã được hiển thị. Toàn bộ giao dịch về việc mua, bán pháo hoa đăng tải một cách công khai và diễn ra vô cùng sôi động.
Nhiều chủ tài khoản facebook khẳng định, toàn bộ số pháo hoa được đăng bán là pháo do Bộ Quốc phòng sản xuất nên đảm bảo tính hợp pháp, đầy đủ hóa đơn, chứng từ và an toàn cho người sử dụng. Cách thức rao bán pháo hoa qua mạng xã hội khá đa dạng.
Hầu hết giàn phun viên được rao bán trên các trang mạng xã hội đều có giá từ 350.000 - 450.000 đồng, cao hơn so với giá niêm yết nhưng đều đang được người bán rao là "ưu đãi", "giá sỉ".
Rất nhiều hội nhóm được lập ra để bán pháo hoa của Nhà máy Z21 |
Một điểm nữa là hầu hết những chủ tài khoản mạng xã hội này đều yêu cầu khách hàng đặt cọc trước khi mua pháo hoa Z121. Nhiều người cũng đưa ra cảnh báo hoặc bình luận thắc mắc về khách mua có nguy cơ chịu thiệt khi tìm mua pháo hoa không nổ mang thương hiệu Z121 trên mạng. Vì cứ mỗi giao dịch, bên bán lại yêu cầu người mua chuyển khoản trước tiền cọc để làm tin, trong khi rất có thể sau khi nhận được tiền xong, họ sẽ gửi hàng kém chất lượng cho khách rồi biến mất.
Các sản phẩm pháo hoa bán mức giá cao gấp đôi |
Cẩn trọng "tiền mất tật mang"
Hiện nay, thương mại điện tử đang là xu hướng và phát triển nhanh chóng. Người tiêu dùng đã quen với việc mua hàng qua mạng xã hội hay các trang thương mại điện tử. Việc chuyển tiền/nhận hàng có lẽ đã quá quen nên người dân hầu như không có sự đề phòng.
Đơn cử như trường hợp của anh C. (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội). Anh lên trên trang facebook có tên là "Tổng kho pháo hoa" để đặt pháo hoa và có đặt cọc 2 triệu đồng, đến khi nhận hàng thì thanh toán nốt số tiền còn lại. Một tuần sau anh C. nhận được hàng, khi mở ra anh mới biết mình bị lừa, trong thùng chỉ là một chai nước lỏng màu trắng trong suốt.
Quá bức xúc và gọi lại số điện thoại đặt hàng thì không liên lạc được, địa chỉ cũng không tìm thấy vì bị chặn hết Gacebook. Những gì còn sót lại chỉ là những chai nước lỏng vô nghĩa và những sao kê chuyển tiền đầy tiếc nuối.
Cùng chung "cảnh ngộ", dịp cuối năm, anh H. (ở quận Đống Đa, Hà Nội) muốn tìm mua pháo hoa Z121 của Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, do ít thời gian nên anh đã tìm hiểu trên một số hội nhóm chuyên bán pháo hoa để đặt mua.
Sau khi liên hệ và hỏi giá qua vài trang bán hàng, anh H. chốt mua một đơn pháo với tổng tiền 900.000 đồng/2 bộ. Tuy nhiên, sau khi nhận và kiểm tra hàng, anh H. tá hỏa phát hiện pháo hoa anh mua chỉ là những ống giấy rỗng... Quá bức xúc, anh H. chia sẻ câu chuyện của mình đồng thời cảnh báo để những người mua khác cảnh giác.
Anh H. chia sẻ câu chuyện của mình đồng thời cảnh báo để những người mua khác cảnh giác |
Thông tin của anh H. sau khi chia sẻ đã thu hút hàng nghìn lượt tương tác. Trong đó, một số ý kiến bày tỏ đồng cảm vì mình cũng từng là nạn nhân: "Giống y chang mình năm ngoái. Lúc gần Tết, hí hửng mua trên mạng. Bên bán hàng nói chỉ được bóc hàng kiểm tra bên ngoài không được bóc túi nylon. Sáng hôm sau rảnh bóc ra xem thử và phát hiện pháo chỉ có mỗi cái ống nhựa dán giấy vào"; "Người bán liên miệng nói kiểm hàng trả tiền mà thực tế có được kiểm bao giờ đâu. Người mua chỉ được xem thôi chứ không được bóc hay thử nên là không biết bên trong chỉ là những ống rỗng. Mình cũng bị mất gần triệu bạc".
Từ các sự việc trên có thể thấy, nhu cầu chơi pháo hoa của người dân rất lớn. Đây không chỉ là dịp để các cá nhân kinh doanh, kiếm lời với mặt hàng khan hiếm này mà một số đối tượng còn giăng bẫy để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thông tin về tình trạng này, Trung tá Nguyễn Phi Hùng - Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế, quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, tội phạm thường đánh vào sở thích, nhu cầu của người dân vì ít ai nghĩ rằng mặt hàng này có thể làm giả.
"Nếu mua pháo hoa được cấp phép thì giá thành sẽ cao, do vậy nhiều người đã tìm tới các đối tượng buôn bán, kinh doanh pháo hoa nhập lậu, vừa được giá rẻ hơn mà lại phục vụ được thú chơi pháo hoa Tết. Song, nếu không cẩn trọng sẽ rơi vào bẫy của tội phạm. Thực tế chúng tôi cũng đã phá vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn làm giả pháo hoa rồi bán cho khách hàng, thu lợi hàng triệu đồng với mỗi đơn hàng", Trung tá Nguyễn Phi Hùng nói thêm.
Mỗi đơn hàng, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt từ vài trăm nghìn đến 2,5 triệu đồng. Nếu con số này nhân lên với hàng trăm, hàng nghìn đơn hàng thì lợi nhuận các đối tượng thu về là rất lớn.
Bên cạnh đó, dịp cuối năm sắp đến, nhu cầu mua sắm tăng cao cũng là lúc các loại hàng giả, hàng nhái tung hoành trên thị trường. Nắm được nhu cầu người dân yêu thích các loại pháo hoa do nhà máy Z121 sản xuất đã bán ra thị trường vài năm nay. Gần đây các đối tượng gian thương đã sản xuất pháo hoa giả với nhãn mác y hệt như hàng thật nhằm đánh lừa người tiêu dùng.
Lực lượng chức năng đang kiểm đếm số lượng lớn pháo hoa có dấu hiệu giả mạo |
Vào tháng 10/2023, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội tiến hành kiểm tra đột xuất, phát hiện cơ sở kinh doanh tập kết pháo hoa tại căn hộ tầng 2, chung cư mini nằm sâu trong ngõ 3 phố Thái Hà, quận Đống Đa đang tập kết, kinh doanh hàng hóa là pháo hoa có dấu hiệu giả mạo hàng hóa của Nhà máy Z21.
Đoàn kiểm tra phát hiện có 1.459 ống phóng pháo hoa với nhiều kích cỡ được đóng, đựng trong các hộp và giàn phóng, không có hóa đơn chứng từ. Toàn bộ số hàng hóa trên đã được tạm giữ để tiếp tục xác minh, mở rộng bảo đảm xử lý triệt để, nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.
Theo lực lượng Quản lý thị trường, đây là vụ việc đầu tiên phát hiện hàng hóa giả mạo là pháo hoa - mặt hàng được quản lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo công tác phòng chống cháy nổ, an toàn đến sức khỏe, tính mạng của con người.
Đặc biệt với thủ đoạn tàng trữ, cất giấu hàng giả nhất là đối với việc tập kết tại chung cư mini nằm sâu trong khu dân cư tiềm ẩn hiểm họa, không chỉ đối với người sử dụng mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao đối với người dân đang sinh sống trên địa bàn TP. Hà Nội.
Theo Đại tá Trần Anh Mạnh - Phó Giám đốc Nhà máy Z121, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, hiện nay trên thị trường đã xuất hiện những sản phẩm nhập lậu, sản phẩm giả mang nhãn mác của Z121. Những sản phẩm này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn do không truy xuất được nguồn gốc, cũng như vi phạm pháp luật trong quy định về sản xuất và sử dụng pháo hoa. Khi mua sản phẩm đề nghị người dân khai báo thông tin và thực hiện quét mã QR trên sản phẩm để xác định nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
"Để hàng giả không có cơ hội tràn lan trên thị trường, đến thời điểm hiện tại, nhà máy Z121 đã mở hơn 400 cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm pháo hoa trên toàn quốc", Đại tá Trần Anh Mạnh thông tin.
Sơn Anh