Mùa xuân lịch sử 50 năm trước trên Báo Công Thương

26/04/2025 - 23:00
(Bankviet.com) Trong suốt hành trình 80 năm dựng xây và phát triển, Báo Công Thương đã khắc họa sinh động, chân thực, đầy tự hào những dấu ấn lịch sử ngày thống nhất đất nước.
Đảng uỷ Báo Công Thương: Dấu ấn nhiệm kỳ và mục tiêu mới cho tương lai Bí thư Hầu A Lềnh kỳ vọng Báo Công Thương tiếp tục lan tỏa mô hình đổi mới của Hà Giang Đảng ủy Báo Công Thương: Người dẫn dắt tờ báo vượt lên chính mình

Mỗi độ tháng Tư về, trên mặt báo chí cách mạng Việt Nam lại dày đặc những trang viết chan chứa cảm xúc về ngày toàn thắng – 30/4 lịch sử. Như một mạch nguồn bất tận, tinh thần đại thắng mùa Xuân năm 1975 được khơi dậy bằng những dòng chữ thiêng liêng, hình ảnh hào hùng và ký ức không thể nào phai.

Tròn 80 năm xây dựng và phát triển, dù trải qua nhiều lần đổi tên với những “hình hài” khác nhau, từ tờ Việt Nam Kinh tế tập san được xuất bản năm 1945, đến tờ tin Mặt trận Kinh tế, Tập san Công Thương, Báo Thương nghiệp, Báo Thương mại, Báo Công Thương, Báo Công Thương đã có mặt bên cạnh các sự kiện lớn lao của đất nước.

Những cây bút lăn lộn trên chiến trường, ghi chép từng bước tiến công của quân giải phóng, phản ánh khí thế sản xuất “vì miền Nam ruột thịt”, “tất cả vì tiền tuyến lớn”. Đó là những bài viết từ vùng mỏ Quảng Ninh, từ các nhà máy gang thép Thái Nguyên, đến các tuyến đường Trường Sơn máu lửa – nơi người Công Thương không chỉ giữ vững sản xuất mà còn góp phần chi viện vũ khí, lương thực cho chiến trường.

Mùa xuân lịch sử 50 năm trước trên Báo Công Thương

Trên trang nhất Tờ Thương nghiệp – Tuần báo của ngành Nội thương, số 15 (599) ra ngày thứ bảy, 12-4-1975 có bài Thi đua với miền Nam anh hùng: Phấn đấu thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ của ngành. Bài báo nêu rõ: Tiếp theo những thắng lợi ở đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ, tiêu diệt và bức rút hàng nghìn đồn bốt, làm chủ nhiều địa bàn quan trọng, giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long, từ đầu tháng 3-1975 đến nay, quân và dân miền Nam ta đã tiến công liên tục, nổi dậy mạnh mẽ, giành thắng lợi to lớn, có ý nghĩa chiến lược.

Chỉ trong 1 tháng, quân và dân miền Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu 27 vạn tên địch, giải phóng hoàn toàn 16 tỉnh, 5 thành phố lớn. 9 triệu 30 vạn đồng bào ta đã giành lại quyền làm chủ. Ta thắng lợi cực kỳ to lớn, địch thất bại hết sức nặng nề. Một thời cơ mới đã xuất hiện, vô cùng thuận lợi để quân và dân miền nam ta tiếp tục tiến lên giành những thắng lợi vẻ vang hơn nữa.

Cùng với toàn dân, công nhân viên chức ngành Nội thương chúng ta rất vui mừng trước những thắng lợi cực kỳ to lớn của miền Nam anh hùng. Các địa phương, các đơn vị đang phấn đấu thực hiện những nhiệm vụ của mình với khí thế mới.

Mùa xuân lịch sử 50 năm trước trên Báo Công Thương

Trên trang nhất Tờ Thương nghiệp số 18 (602) thứ bảy ngày 3-5-1975 là bức ảnh thay vạn lời nói: Dạt dào niềm vui hoàn toàn giải phóng miền Nam, các cửa hàng ở Thủ đô càng ra sức phục vụ tốt khách hàng. Trong ảnh: Kịp thời bán hoá, pháo để nhân dân mừng thắng lợi;

- Nâng cao chất lượng mặt hàng ăn uống. Dòng chữ đỏ rực trên nền trắng, bức ảnh đen trắng nhưng không giấu được nét rạng rỡ của những người may mắn được chứng kiến thời khắc lịch sử khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc – Nam chung một dải là những khoảnh khắc không thể nào quên.

Mùa xuân lịch sử 50 năm trước trên Báo Công Thương

Tờ Thương nghiệp số 19 (603), thứ bảy ngày 10-5-1975 ấn tượng với dòng chữ đỏ chạy ngang tờ báo: “Mừng miền nam hoàn toàn giải phóng. Mừng thắng lợi lịch sử vĩ đại của dân tộc ta”.

Trong niềm vui rực rỡ cờ hoa, bài báo nêu rõ: “Toàn ngành hãy phát huy tinh thần cách mạng tiến công, dấy lên phong trào thi đua lao động, sản xuất và tiết kiệm sôi nổi, liên tục, đều khắp nhằm hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước năm 1975 và làm tròn nghĩa vụ chi viện về mọi mặt cho đồng bào miền Nam (Trích lời phát biểu của Bộ trưởng Hoàng Quốc Thịnh trong cuộc mít tinh chào mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng mở đầu Hội nghị liên hoan tổ lao động xã hội chủ nghĩa và chiến sĩ thi đua năm 1974 của khối Nội thương trung ương).

Mùa xuân lịch sử 50 năm trước trên Báo Công Thương

Giữa những ngày tháng 5 lịch sử, nhân ngày sinh nhật của Bác Hồ kính yêu, Tờ Thương nghiệp số 20 (604) ra thứ bảy ngày 17-5-1975, có bài viết: Thực hiện đầy đủ nhất lời căn dặn của Bác Hồ: Làm người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Bài báo sử dụng hình ảnh Bác Hồ cười tươi vẫy chào đồng bào cả nước, cùng những từ ngữ giản dị, dễ hiểu, song đã truyền cảm hứng đến hàng triệu người dân Việt Nam: Năm nay, trong niềm hân hoan, phấn khởi vô hạn trước thắng lợi lịch sử của dân tộc: hoàn toàn giải phóng miền Nam, nhân dân kỷ niệm lần thứ 85 ngày sinh của Bác Hồ vĩ đại. Cùng với nhân dân cả nước, những người công tác thương nghiệp chúng ta vô cùng xúc động nhớ đến Người.

Trong Di chúc thiêng liêng để lại, Người căn dặn toàn Đảng, toàn dân ta: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”. Giờ này đây, nhân dân ta kính thưa với Bác: Di chúc thiêng liêng của Bác đã được thực hiện một cách tốt đẹp nhất, nước nhà đã hoàn toàn độc lập, nhân dân ta đã hoàn toàn tự do.

… Ngành Thương nghiệp ta từ khi vừa thành lập đã được Người luôn luôn quan tâm dạy bảo về quan điểm phục vụ nhân dân. Ngay trong bức thư gửi cho Hội nghị cán bộ mậu dịch toàn quốc lần đầu tiên (tháng 9-1951), Người đã căn dặn toàn bộ ngành ta phải “thật thà phụng sự lợi ích của nhân dân”, “cần hoan nghênh ý kiến và những lời phê bình của dân đã sửa chữa sai lầm và làm cho dân thấy rõ mục đích mậu dịch và làm lợi cho dân”.

Người còn nói: “Cán bộ thương nghiệp cần phải nâng cao hơn nữa tinh thần phục vụ nhân dân… Giá cả cần đúng mực, thái độ cần khiêm tốn”…

Trên Tờ Thương nghiệp, không khí báo chí những ngày này như sôi trào: từ những bài viết tái hiện bước chân thần tốc của đoàn quân Giải phóng, đến những trang phóng sự về Miền Nam ngày đất nước thống nhất. Lịch sử hiện lên không chỉ trong dòng tít lớn, mà còn qua từng khuôn hình trắng đen nhuốm bụi thời gian, qua hồi ức của những người lính, những bà mẹ, những em bé ngày ấy – giờ đã thành ông, thành bà. Báo chí cách mạng không chỉ kể lại chiến công, mà còn gợi mở chiều sâu tư tưởng: về khát vọng độc lập, tinh thần đại đoàn kết, ý chí dân tộc bất khuất. Không gian báo chí những ngày này như một bản đại hợp xướng – vừa hào sảng, vừa lắng đọng – nhắc nhớ mỗi người dân Việt Nam về giá trị của hòa bình, của tự do, của những hy sinh lặng thầm đã làm nên ngày toàn thắng.

Phát huy tinh thần ấy, 80 năm hình thành và phát triển, dù là trong chiến tranh hay thời bình, “ngọn lửa Tháng Tư” – tinh thần yêu nước, khát vọng độc lập – tự cường, niềm tin vào sức mạnh dân tộc vẫn luôn là nguồn mạch truyền cảm hứng cho từng trang báo, từng góc nhìn, từng cây bút của Báo Công Thương.

Phương Lan

Theo: Báo Công Thương