Tóm tắt: Mối quan hệ hợp tác giữa ngân hàng thương mại (NHTM) và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Nghiên cứu này tập trung phân tích thực trạng quan hệ hợp tác giữa NHTM và SME trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, một địa phương đang có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế nhưng vẫn còn hạn chế trong việc thúc đẩy hiệu quả hợp tác tài chính. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mặc dù nhiều SME tại Hà Tĩnh có tiềm năng phát triển, nhưng vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng do hạn chế về báo cáo tài chính, thiếu phương án kinh doanh rõ ràng và chưa tận dụng tốt các dịch vụ tài chính hiện đại. Dựa trên những phát hiện này, bài báo đề xuất một số giải pháp nhằm cải thiện quan hệ hợp tác giữa SME và NHTM, bao gồm cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực quản trị tài chính của SME, thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính, cũng như xây dựng chính sách tín dụng linh hoạt hơn cho SME.
Từ khóa: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ngân hàng, Quan hệ hợp tác, SME
1. Giới thiệu
Kể từ khi Việt Nam triển khai công cuộc Đổi mới vào năm 1986, nền kinh tế đã chuyển đổi từ cơ chế quản lý tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ghi nhận những bước phát triển vượt bậc (Đỗ Thị Thảo và Nguyễn Thị Phong Lan, 2013). Quá trình này đã thúc đẩy sự đa dạng hóa các thành phần kinh tế, trong đó các loại hình doanh nghiệp với nhiều hình thức sở hữu khác nhau được thành lập và phát triển, đóng vai trò quan trọng trong việc giải phóng nguồn lực và sức sản xuất. Các doanh nghiệp này không chỉ góp phần quyết định vào tốc độ tăng trưởng kinh tế mà còn tạo việc làm và gia tăng nguồn thu ngân sách nhà nước, trở thành động lực chính cho sự phát triển kinh tế quốc gia (Tổng cục Thống kê, 2024). Song song với sự chuyển đổi kinh tế, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã được tái cấu trúc từ mô hình ngân hàng một cấp sang hệ thống hai cấp, với sự tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và chức năng kinh doanh của các ngân hàng thương mại (NHTM). Sự cải tổ này đã giúp ngành Ngân hàng phát triển mạnh mẽ, nâng cao khả năng huy động và tập trung vốn để cung ứng cho nền kinh tế, đặc biệt là hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là các SME - chiếm phần lớn trong tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam - và các NHTM ngày càng trở nên gắn bó, đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế. Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trong giai đoạn tới, như được đề ra trong các văn kiện của Đảng và Chính phủ, việc nâng cao hiệu quả hợp tác giữa hai thực thể này là một nhiệm vụ cấp thiết.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp, bao gồm cả SME và các NHTM trong thời gian qua đã mang lại một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, hiệu quả này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của mỗi bên, khi vẫn tồn tại nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn và mở rộng hợp tác. Nghiên cứu này nhằm phân tích thực trạng hợp tác giữa NHTM và SME tại Hà Tĩnh, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả quan hệ hợp tác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương và hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng GRDP theo định hướng của Chính phủ.
2. Tổng quan về mối quan hệ hợp tác giữa NHTM và SME
Quan hệ giữa NHTM và SME giữ vai trò thiết yếu trong tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và đổi mới. Tuy nhiên, SME thường gặp khó khăn trong tiếp cận vốn – một trong những trở ngại lớn nhất với khu vực này. Các NHTM đóng vai trò cung cấp vốn chính nhưng phải đối mặt với rủi ro tín dụng do đặc điểm thiếu minh bạch tài chính, quy mô nhỏ và khả năng chống chịu kém của SME.
Nhiều nghiên cứu quốc tế nhấn mạnh tầm quan trọng của "relationship banking" - mối quan hệ lâu dài giữa ngân hàng và doanh nghiệp nhằm giảm thiểu bất cân xứng thông tin. Berger và Udell (1995) chỉ ra rằng các ngân hàng quy mô nhỏ thường khai thác thông tin “mềm” như năng lực điều hành, uy tín cá nhân thay vì chỉ dựa vào báo cáo tài chính. Quan hệ lâu dài giúp giảm chi phí vay vốn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng (Petersen & Rajan, 1994), dù cũng tiềm ẩn rủi ro bị phụ thuộc quá mức vào một ngân hàng duy nhất (Sharpe, 1990).
Với ngân hàng, SME là nhóm khách hàng giúp đa dạng hóa danh mục tín dụng và mang lại lợi nhuận ổn định, đặc biệt nếu ngân hàng cung cấp sản phẩm phù hợp như tín dụng ngắn hạn hay dịch vụ thanh toán. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất vẫn là rủi ro tín dụng, khiến NHTM thận trọng và đưa ra điều kiện khắt khe, làm giảm khả năng tiếp cận vốn của SME (Stiglitz & Weiss, 1981). Sự cạnh tranh từ fintech cũng đặt áp lực lên NHTM trong việc giữ chân khách hàng SME (Lu et al., 2022).
Sự phát triển của công nghệ đã thay đổi mạnh mẽ mối quan hệ này. NHTM hiện ứng dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo để đánh giá rủi ro SME hiệu quả hơn, kể cả khi thiếu báo cáo tài chính. Ngoài ra, hợp tác với fintech qua các mô hình như P2P lending và thanh toán số giúp mở rộng tiếp cận tài chính cho SME. Bên cạnh đó, các quỹ bảo lãnh tín dụng do chính phủ tài trợ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chia sẻ rủi ro và thúc đẩy NHTM mở rộng hỗ trợ cho SME (Levitsky, 1997).
3. Thực trạng mối quan hệ hợp tác giữa NHTM và SME tại Hà Tĩnh thời gian qua
Trong những năm gần đây, Hà Tĩnh là địa phương có những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội. Cùng với nhịp độ phát triển chung của cả nước, Hà Tĩnh đã tận dụng được những điều kiện thuận lợi để phát triển, như cơ sở hạ tầng ngày càng đồng bộ, nằm trên trục giao thông Bắc Nam, đặc biệt lãnh đạo chính quyền địa phương đã rất quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư và đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp. Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 đạt 7,48%. Các lĩnh vực đóng góp chủ yếu vào GRDP bao gồm công nghiệp - xây dựng (41,38%), dịch vụ (44,55%) và nông nghiệp (14,07%).
Trong kết quả chung đó, không thể không có sự đóng góp quan trọng, đáng kể của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp SME. Hiện nay, theo thống kê, trên địa bàn có hơn 12.500 doanh nghiệp, riêng trong năm 2024 có hơn 1.350 doanh nghiệp mở mới, đăng ký thành lập, hơn 770 doanh nghiệp ngừng hoạt động; 247 doanh nghiệp giải thể; hơn 400 doanh nghiệp trở lại hoạt động. SME chiếm phần lớn trong tổng số doanh nghiệp tại Hà Tĩnh, đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tăng thu ngân sách.
Các SME hiện nay trên địa bàn Hà Tĩnh đang chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, xây dựng cơ bản; chưa có nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tạo ra các sản phẩm tiêu thụ tại các thị trường lớn. Đặc biệt, do điều kiện về địa lý, thị trường và xuất phát điểm, sự hình thành chuỗi, cũng như liên kết phụ trợ cho các doanh nghiệp lớn chưa trở thành hệ thống, sự liên kết giữa các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn còn lỏng lẻo, chưa có sự liên kết để tạo sức cạnh tranh.
Theo thống kê, tỷ trọng doanh thu khối các SME trên địa bàn Hà Tĩnh mới đóng góp khoảng 26% trên doanh thu của toàn doanh nghiệp. Trong khi đó, tỷ trọng nguồn vốn cũng chiếm chưa đầy 14%. Mức này còn thấp hơn nhiều so với tỷ trọng các tỉnh trong khu vực Bắc Trung bộ. Điều đó cũng cho thấy, mặc dù số lượng chiếm tỷ trọng lớn, tăng trưởng nhanh trong thời gian gần đây, nhưng tỷ trọng đóng góp vào GRDP vẫn còn rất khiêm tốn. Con số này cho thấy các SME vẫn gặp nhiều khó khăn, nhưng cũng đồng thời cho thấy địa bàn còn nhiều tiềm năng và dư địa cho các SME mở rộng và phát triển.
Tại Hà Tĩnh, phần lớn SME hình thành từ hộ kinh doanh cá thể, vận hành theo mô hình gia đình, tự quản và quy mô nhỏ. Hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và xây dựng cơ bản, các doanh nghiệp này tập trung tiêu thụ sản phẩm trong tỉnh, ít mở rộng ra ngoài hoặc xuất khẩu. Quản lý dựa trên kinh nghiệm và mối quan hệ cá nhân giúp họ linh hoạt, song lại hạn chế khả năng mở rộng quy mô, liên kết thị trường, tiếp cận thông tin và vốn từ ngân hàng. Nguồn vốn hoạt động chủ yếu đến từ cá nhân hoặc huy động không chính thức. Do thiếu hệ thống quản trị tài chính bài bản, các doanh nghiệp thường chỉ lập báo cáo phục vụ nội bộ, không đủ tiêu chuẩn trình bày trước cơ quan chức năng, đối tác hay ngân hàng. Việc này cản trở khả năng xây dựng uy tín và tiếp cận nguồn vốn tín dụng – yếu tố đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hội nhập.
Đối với hệ thống các NHTM trên địa bàn, hiện nay địa bàn Hà Tĩnh có 24 chi nhánh cấp 1 của các tổ chức tín dụng hoạt động. Trong đó có 7 chi nhánh NHTM nhà nước, còn lại các ngân hàng TMCP ngoài quốc doanh. Đại đa số các ngân hàng trên địa bàn đều hoạt động hiệu quả, lành mạnh, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế xã hội.
Theo số liệu thống kê, đến hết năm 2024 quy mô dư nợ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh là 108.922 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2023. Trong đó, dư nợ cho vay khối các doanh nghiệp 32.937 tỷ đồng, tăng trưởng 9% so với năm trước và chiếm 30% so với tổng dư nợ trên địa bàn. Trong khi đó, dư nợ các doanh nghiệp SME là 10.568 tỷ đồng, giảm so với năm trước 10% và chiếm 32% trên tổng dư nợ của khối doanh nghiệp, khoảng 10% dư nợ toàn địa bàn. Điều này chứng tỏ mức hấp thụ vốn của các doanh nghiệp nói chung và đặc biệt các SME nói riêng còn khá khiêm tốn. Mặc dù hầu hết các NHTM đều định hướng và đẩy mạnh phát triển tín dụng đối với các SME, nhưng trong thời gian qua, việc tăng trưởng dư nợ vào khối này gặp nhiều khó khăn, suy giảm, trong khi đó, dư nợ cho vay bán lẻ tiếp tục tăng cao. Một trong những khó khăn đối với ngân hàng khi tiếp cận, tài trợ vốn cho SME đó là báo cáo tài chính thường không đầy đủ, rõ ràng và minh bạch. Nhiều chủ doanh nghiệp chưa nắm rõ được các quy định, chuẩn mực về tài chính, nhân sự kế toán, phần đông các doanh nghiệp thuê dịch vụ bên ngoài lập báo cáo nhằm tiết kiệm chi phí.
Trong khi đó, hiện nay, các NHTM áp dụng hệ thống chấm điểm tài chính theo chuẩn quốc tế, khiến nhiều SME có xếp hạng tín dụng thấp và khó tiếp cận vốn. Về phía doanh nghiệp, phương án kinh doanh thường thiếu rõ ràng, ít thuyết minh hoặc mang tính bảo mật cao, dẫn đến ngại chia sẻ thông tin minh bạch, làm tăng bất cân xứng thông tin với ngân hàng. Điều này gây khó khăn cho quá trình thẩm định và tài trợ vốn. Bên cạnh đó, việc sử dụng hóa đơn đầu vào – đầu ra chưa bài bản, một số doanh nghiệp còn dùng vốn sai mục đích so với phương án đã cam kết, khiến kết quả thực tế khác xa kỳ vọng thẩm định ban đầu. Ngoài ra, nhiều SME không duy trì mối quan hệ tín dụng ổn định với một ngân hàng mà thường xuyên thay đổi đối tác hoặc vay vốn từ nhiều nơi, làm giảm niềm tin từ phía ngân hàng. Trước những rủi ro này, NHTM có xu hướng siết điều kiện vay, yêu cầu tăng tài sản bảo đảm hoặc từ chối tài trợ. Hệ quả là SME càng khó tiếp cận vốn, hoặc phải chịu chi phí vay cao hơn do ngân hàng phải bù đắp rủi ro tiềm ẩn.
Bước sang năm 2025, với nhiều chủ trương lớn của Đảng và nhà nước trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, với tốc độ tăng trưởng GDP trên 8% trong năm 2025 và tăng trưởng mức 2 con số trong những năm tiếp theo để đạt mục tiêu nền kinh tế phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, từ đó sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các thành phần kinh tế, trong đó có các SME. Đặc biệt, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân nói chung đã được nhìn nhận và thay đổi, từ không được thừa nhận trước Đổi mới và hiện tại được đánh giá là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế.
Đối với Hà Tĩnh, tỉnh cũng đã thể hiện quyết tâm tăng trưởng GRDP trên 8% trong năm 2025. Thực tế, Hà Tĩnh có nhiều điều kiện thuận lợi, nằm trên trục đường giao thông Bắc Nam, giao thông đồng bộ bởi dự án đường cao tốc sẽ thông xe đoạn tuyến qua Hà Tĩnh vào giữa năm 2025; hạ tầng đồng bộ; có cảng biển và cửa khẩu quốc tế, có lực lượng lao động dồi dào, tốc độ đô thị hoá nhanh và xây dựng nông thôn mới thu được nhiều kết quả nổi bật…. Tỉnh cũng đang đẩy mạnh thu hút các dự án lớn trên địa bàn, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Đây sẽ là những yếu tố thuận lợi để các SME trên địa bàn Hà Tĩnh chớp lấy cơ hội, tăng tốc phát triển. Đối với các NHTM, nếu việc tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ phát triển kinh tế là dư địa để mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động thì đẩy mạnh cho vay các doanh nghiệp SME sẽ mang lại hiệu quả và đạt được nhiều mục đích. Đối với nền kinh tế, việc bơm vốn thông qua các SME sẽ rất hiệu quả, vừa kiểm soát tốt hiệu quả xã hội, vừa tăng sản lượng, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
4. Khuyến nghị và giải pháp.
Để phát huy hiệu quả mà các doanh nghiệp SME mang lại cho nền kinh tế, các doanh nghiệp SME tận dụng cơ hội trong kỷ nguyên mới, phát triển thịnh vượng. Các NHTM trên địa bàn gia tăng được dư địa phát triển tín dụng, bài viết đưa ra một số giải pháp để gia tăng sự kết nối, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các NHTM và các SME như sau:
Thứ nhất, đối với các các cấp chính quyền, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề. Chính quyền cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai, vốn và chính sách ưu đãi. Việc này không chỉ giảm chi phí, thời gian cho SME mà còn thúc đẩy hiệu quả hoạt động, thu hút đầu tư và hình thành chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp lớn và nhỏ – đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Hà Tĩnh đang tận dụng lợi thế hạ tầng và vị trí địa lý để phát triển kinh tế. Chính quyền cũng cần ưu tiên doanh nghiệp địa phương, nhất là những đơn vị sử dụng lao động và nguyên liệu tại chỗ, trong các gói đầu tư công. Cách làm này giúp SME tham gia sâu hơn vào các dự án lớn, thúc đẩy hiệu quả sử dụng vốn công và tạo đà lan tỏa kinh tế tại địa phương. Thông qua những hợp đồng khả thi và minh bạch, mối quan hệ giữa SME và NHTM cũng sẽ được củng cố.
Hiệp hội doanh nghiệp cần đóng vai trò cầu nối thông qua việc tổ chức các diễn đàn, kết nối doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, giúp SME tiếp cận thị trường và cơ hội hợp tác rộng mở hơn. Việc này không chỉ giúp doanh nghiệp mở rộng mối quan hệ mà còn chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy tinh thần hợp tác, cùng phát triển. Ngoài ra, các hiệp hội nên tăng cường tổ chức hội thảo, lớp đào tạo về quản trị, tài chính, thuế, kế toán và chiến lược thị trường. Đây là những kỹ năng cốt lõi giúp SME nâng cao năng lực cạnh tranh và đạt được tiêu chuẩn tín dụng của NHTM – từ đó nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay chính thống.
Chính quyền và hiệp hội cần khuyến khích các doanh nghiệp địa phương ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau, qua đó xây dựng mối liên kết bền chặt và hình thành chuỗi cung ứng nội tỉnh. Khi SME chứng minh được giá trị và tiềm năng qua những chuỗi liên kết này, niềm tin từ phía ngân hàng sẽ gia tăng, thúc đẩy hợp tác tài chính dài hạn. Tất cả những nỗ lực trên đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các bên nhằm đảm bảo khu vực SME không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ trong quá trình hội nhập kinh tế hiện nay.
Thứ hai, đối với các doanh nghiệp nói chung, các SME nói riêng, cần chủ động tận dụng cơ hội từ giai đoạn phát triển mới của Việt Nam để mở rộng quy mô và nâng cao vị thế. Đây là thời điểm để SME vượt qua giới hạn truyền thống, hướng tới cạnh tranh khu vực và quốc tế. Để đạt được điều đó, việc ứng dụng kỹ năng quản trị hiện đại, nhất là chuyển đổi số và công nghệ 4.0, là yếu tố sống còn.
Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tối ưu vận hành, tiếp cận thị trường rộng hơn và giảm phụ thuộc vào kênh phân phối cũ. Dù quá trình này tiềm ẩn rủi ro và thất bại, mỗi lần vấp ngã cần được xem là bài học để điều chỉnh chiến lược, không phải là lý do để dừng lại. Bên cạnh đó, quản trị tài chính minh bạch, chuyên nghiệp là nền tảng xây dựng uy tín với đối tác và ngân hàng. Nhiều SME gặp khó trong vay vốn do thiếu báo cáo tài chính rõ ràng, do đó việc chuẩn hóa tài chính không chỉ giúp nội bộ vận hành hiệu quả mà còn mở ra cơ hội hợp tác tài chính bền vững. Nguồn vốn từ NHTM đóng vai trò đòn bẩy quan trọng. SME cần minh bạch thông tin, chia sẻ cả thuận lợi lẫn khó khăn, từ đó xây dựng niềm tin và mối quan hệ tín dụng ổn định. Việc duy trì hợp tác lâu dài với ngân hàng không chỉ giúp giảm chi phí vốn mà còn tạo nền tài chính vững chắc, giảm thiểu rủi ro trước biến động kinh tế.
Tóm lại, sự phát triển của SME không thể tách rời nỗ lực nội tại và sự gắn kết chặt chẽ với hệ thống tài chính. Để thành công, SME cần chủ động thay đổi, thích ứng và đáp ứng các chuẩn mực ngày càng cao từ phía ngân hàng và thị trường.
Thứ ba, đối với các NHTM, để nâng cao hiệu quả hợp tác với các SME, các NHTM cần thay đổi tư duy và chiến lược, coi việc tài trợ vốn cho SME không chỉ là một hoạt động kinh doanh thông thường mà là một hướng đi bền vững và an toàn, góp phần đưa vốn vào nền kinh tế một cách nhanh chóng và phát huy hiệu quả tức thì. Quan điểm này không chỉ giúp NHTM thúc đẩy tăng trưởng tín dụng mà còn mang lại lợi ích dài hạn khi SME, với tư cách là khách hàng tiềm năng, sử dụng đa dạng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng như thanh toán, quản lý dòng tiền hay bảo lãnh, từ đó gia tăng doanh thu và củng cố vị thế của ngân hàng trong thị trường tài chính. Để làm được điều này, NHTM cần đồng hành thực sự với doanh nghiệp, thấu hiểu và chia sẻ những đặc điểm riêng biệt của SME, chẳng hạn như quy mô nhỏ, dòng tiền không ổn định hay thiếu tài sản đảm bảo, nhằm xây dựng các chính sách và giải pháp tín dụng linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng cụ thể.
Phương châm "cùng thắng và cùng chia sẻ rủi ro" không chỉ là khẩu hiệu mà cần được cụ thể hóa thông qua việc nắm bắt kỹ lưỡng điểm mạnh và điểm yếu của từng SME, từ đó tư vấn, hướng dẫn và thiết kế các sản phẩm vay vốn phù hợp với năng lực tài chính, đặc điểm ngành nghề và đặc thù dòng tiền của doanh nghiệp. Chẳng hạn, việc phát triển các gói sản phẩm tích hợp tín dụng, dịch vụ thanh toán và hỗ trợ chuỗi liên kết không chỉ đáp ứng nhu cầu đa dạng của SME mà còn tạo điều kiện để ngân hàng tham gia sâu hơn vào hệ sinh thái kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ khi SME gặp khó khăn, qua đó xây dựng mối quan hệ tín nhiệm lâu dài. Hơn nữa, NHTM cần áp dụng các chính sách lãi suất cạnh tranh, đặc biệt là các gói lãi suất thấp dành cho SME và các chuỗi liên kết, dựa trên mục tiêu chiến lược gắn bó bền vững với doanh nghiệp thay vì chỉ tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn. Việc tính toán chi phí tài trợ hợp lý, ưu tiên mang lại lợi ích cho SME trước khi xem xét tổng hòa lợi ích cho ngân hàng, sẽ tạo ra một vòng tròn giá trị: SME phát triển mạnh mẽ nhờ vốn rẻ, từ đó nâng cao khả năng hoàn trả và sử dụng thêm dịch vụ ngân hàng, cuối cùng mang lại lợi ích bền vững cho cả hai bên.
Tài liệu tham khảo
- Beck, T., & Demirguc-Kunt, A. (2006). Small and medium-size enterprises: Access to finance as a growth constraint. Journal of Banking & Finance, 30(11), 2931-2943. https://doi.org/10.1016/j.jbankfin.2006.05.009.
- Berger, A. N., & Udell, G. F. (1995). Relationship lending and lines of credit in small firm finance. Journal of Business, 68(3), 351-381. https://doi.org/10.1086/296668.
- De la Torre, A., Pería, M. S. M., & Schmukler, S. L. (2010). Bank involvement with SMEs: Beyond relationship lending. Journal of Banking & Finance, 34(9), 2280-2293. https://doi.org/10.1016/j.jbankfin.2010.02.014.
- Đỗ Thị Thảo và Nguyễn Thị Phong Lan (2013). Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay. Tạp chí Cộng sản.
- Levitsky, J. (1997). Credit guarantee schemes for SMEs—An international review. Small Enterprise Development, 8(2), 4-11. https://doi.org/10.3362/0957-1329.1997.013
- Lu, Z., Wu, J., Li, H., & Nguyen, D. K. (2022). Local bank, digital financial inclusion and SME financing constraints: Empirical evidence from China. Emerging Markets Finance and Trade, 58(6), 1712-1725. https://doi.org/10.1080/1540496X.2021.1923477.
- Petersen, M. A., & Rajan, R. G. (1994). The benefits of lending relationships: Evidence from small business data. Journal of Finance, 49(1), 3-37. https://doi.org/10.1111/j.1540-6261.1994.tb04418.x.
- Sharpe, S. A. (1990). Asymmetric information, bank lending, and implicit contracts: A stylized model of customer relationships. Journal of Finance, 45(4), 1069-1087. https://doi.org/10.1111/j.1540-6261.1990.tb02427.x.
- Stiglitz, J. E., & Weiss, A. (1981). Credit rationing in markets with imperfect information. American Economic Review, 71(3), 393-410. https://www.jstor.org/stable/1802787.
- Tổng cục Thống kê. (2024). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2024.
*Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hà Tĩnh
Nguyễn Đình Thịnh*