Thông tin tại Hội thảo “Nâng cao năng lực phòng, chống và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử Việt Nam” diễn ra ngày 15/11, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, khoảng 2 năm trở lại đây, thương mại điện tử trở thành một trong những vấn đề lớn, tác động đến việc kinh doanh trực tiếp tại các cửa hàng, cửa hiệu.
Đơn cử như chợ Ninh Hiệp - nơi được mệnh danh là “thủ phủ” của hàng giả, hàng vi phạm với khoảng 2.000 hộ kinh doanh, hoạt động buôn bán tại đây luôn tấp nập với lượng hàng hóa luân chuyển vô cùng lớn, đưa đi khắp nơi trên cả nước. Thế nhưng, hiện nay, chợ Ninh Hiệp rất đìu hiu, vắng vẻ. Nhiều cửa hàng đã đóng cửa trả lại mặt bằng cho thuê và chuyển sang bán hàng online. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự ở trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Thương mại điện tử trở thành một trong những vấn đề lớn, tác động đến việc kinh doanh trực tiếp tại các cửa hàng, cửa hiệu |
“Nếu như năm 2020, doanh số bán lẻ trên Internet tại Việt Nam là 13 tỷ USD thì đến năm 2022, con số này tăng vọt lên thành 35 tỷ USD. Bên cạnh đó, Việt Nam là nước có tỷ lệ dân số mua sắm cao nhất Đông Nam Á. Gần 1 nửa dân số Việt Nam mua sắm online, với 49,3 triệu người, tương đương 41% tỷ lệ dân số” - Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh dẫn chứng và cho biết, bên cạnh người bán-người mua, vô hình chung các công ty chuyển phát đã trở thành kênh vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng lậu.
Theo ông Trần Hữu Linh, hiện nay, 99% các công ty chuyển phát giờ đây đang sống bằng vận chuyển, mua bán hàng hóa online. Chỉ 1% thư tín. Đặc biệt, gần đây, mạng xã hội Tiktok bùng nổ mạnh mẽ. Người dân từ tận Hà Giang vẫn hàng ngày livestream bán hàng đi cả nước và ngược lại. Chưa kể, đây là mạng xã hội xuyên biên giới, cho nên, các hành vi vi phạm đã vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Chung quan điểm, Thượng tá Phạm Công Hải - đại diện Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) - cho biết, trên không gian mạng hiện nay có rất nhiều hình thức vi phạm liên quan đến thương mại điện tử. Vi phạm điển hình là bán hàng giả của các nhãn hàng lớn liên quan đến hàng thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng, đồ điện tử...
Bên cạnh đó, tình trạng rao bán vũ khí, công cụ hỗ trợ, các thiết bị ghi âm, ghi hình, định vị... đã và đang diễn ra tràn lan. Các đối tượng sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội ảo rao bán trong các hội nhóm kín...
Tình trạng rao bán vũ khí, công cụ hỗ trợ, các thiết bị ghi âm, ghi hình, định vị... diễn ra tràn lan trên các sàn thương mại điện tử |
Đặc biệt, theo đại diện Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, nguồn hàng vũ khí, công cụ hỗ trợ được rao bán trên mạng chủ yếu nhập lậu từ các cửa khẩu, các tuyến đường biên giới giáp ranh với Việt Nam. Các đối tượng thường vận chuyển hàng hóa vi phạm qua xe khách liên tỉnh, giao hàng tiết kiệm... Các gói hàng không ghi địa chỉ người gửi; khai báo không đúng hàng hóa gửi để “qua mặt” lực lượng chức năng.
“Trên thực tế, Cục đã điều tra các nhóm đối tượng trên “vukhituve.com”, shopdenpinchichdien.com”... thu giữ nhiều súng M84Cal.6mm, Sport S731, Retoy P114, G19C, M66, súng hơi Condor, 2.000 hộp đạn, pháo bi, pháo hoa, kiếm, dùi cui...” - Thượng tá Phạm Công Hải thông tin.
Cũng theo ông Hải, bên cạnh các hành vi kinh doanh hàng giả, nhiều đối tượng còn sử dụng các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội công khai nhận làm giấy tờ giả; lôi kéo người dân tham gia đầu tư tài chính, đầu tư ngoại hối với hứa hẹn lãi suất cao, lợi nhuận lớn tại các vùng quê.
“Qua rà soát trên mạng, Cục bước đầu phát hiện một số đối tượng thành lập nhóm kín chuyên trao đổi mua bán ma túy, với phương thức thủ đoạn là: Tạo các tài khoản ảo trên mạng xã hội facebook, telegram, zalo để quảng cáo, rao bán các chất ma túy...”- Thượng tá Phạm Công Hải chia sẻ.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn cho biết, các mặt hàng bị làm giả trên thương mại điện tử rất đa dạng và khó phát hiện |
Đưa ra thêm thông tin về các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử, ông Nguyễn Hữu Tuấn - đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho hay, các mặt hàng bị làm giả trên thương mại điện tử rất đa dạng và khó phát hiện, do hình ảnh và thông tin sản phẩm cung cấp trên các trang bán hàng là thật. Người bán hàng lại thường không có kho hàng, chỉ bán online, làm cộng tác viên trung gian... nên lực lượng chức năng khó kiểm tra, xử lý.
Một thủ đoạn khác là các đối tượng chỉ chạy 1 link bán hàng trên 50 fanpage khác nhau, mỗi page chỉ cần bán vài đơn hàng là họ khóa trang, xóa dấu vết nên ngoài các giải pháp kỹ thuật, cần sự phối hợp của các đơn vị.
Trong khi đó, đại diện của Bộ Khoa học và Công nghệ thì cho rằng, hàng giả, hàng vi phạm trên mạng có từ gói thuốc lào đến bao diêm Thống Nhất. Cơ quan quản lý biết là hàng hóa vi phạm nhưng để xử lý thì không dễ dàng.
Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trên môi trường thương mại điện tử, nhất là trong các hoạt động mua sắm online, bà Vũ Thị Minh Tú - đại diện sàn giao dịch thương mại điện tử Lazada cho biết, hiện tại Lazada đang chú trọng thực hiện chính sách bảo vệ quyền sử hữu trí tuệ; tập huấn nhà bán hàng về chính sách bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ; áp dụng công nghệ quản trị sàn.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các thương hiệu, các nước xử lý các vi phạm về sở hữu trí tuệ, trong đó gắn trách nhiệm cho các gian hàng trên sàn. Đồng thời, Lazada cũng sẽ hướng dẫn điều kiện đổi hàng, trả hàng cùng cam kết bảo đảm hàng chính hãng và xử lý nghiêm những gian hàng bán hàng giả, hàng kém chất lượng” - bà Vũ Thị Minh Tú thông tin.
Trong khi đó, đối với hàng hóa nhập khẩu từ biên giới vào nội địa, bà Phạm Như Hà - đại diện Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan) đề xuất, cần có các quy định cụ thể về định mức miễn thuế và các trường hợp được miễn kiểm tra chuyên ngành để giám sát, từng bước ngăn chặn hàng giả, hàng lậu từ biên giới vào nội địa.
Bởi hiện nay, pháp luật hiện hành quy định: Hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử có giá trị hải quan trong từng đơn hàng từ 2 triệu trở xuống và trên 2 triệu đối với hàng hóa nhập khẩu đơn chiếc được miễn giấy phép, điều kiện, miễn kiểm tra chuyên ngành. Nhưng tổng trị giá hàng hóa được miễn không quá 96 triệu đồng Việt Nam/năm đối với mỗi tổ chức, cá nhân. Quy định này cũng được áp dụng tương tự đối với việc miễn thuế cho hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.
Do vậy, bà Phạm Như Hà cho rằng, cần siết chặt hơn các quy định này bởi, chỉ cần từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng, người tiêu dùng cũng có thể đặt hàng online từ nước ngoài về Việt Nam.
Về phía lực lượng Quản lý thị trường, để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử, ông Trần Hữu Linh cho rằng, phải coi mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử như đời thật để chủ động đấu tranh, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người để phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phòng chống hàng giả trên thương mại điện tử.
“Lực lượng Quản lý thị trường xác định, chống hàng giả trên thương mại điện tử sẽ là nhiệm vụ chủ chốt của lực lượng trong vòng 3 đến 5 năm tới", ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.
Khánh An