Ngân hàng Nhà nước tiến tới xóa bỏ cơ chế hạn mức tín dụng

12/07/2025 - 15:09
(Bankviet.com) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang có lộ trình cải tiến, tiến tới bãi bỏ việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng để chuyển sang các công cụ điều hành dựa trên thị trường hơn.

Trả lời câu hỏi liên quan đến tiến tới xóa bỏ hạn mức room tín dụng theo chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ tại tại buổi họp báo "Thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025" do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức sáng nay (ngày 8/7), ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, cơ chế điều hành hạn mức tín dụng được NHNN áp dụng từ năm 2012, nhằm kiểm soát tình trạng tăng trưởng tín dụng nóng, lãi suất thị trường tăng cao và đảm bảo an toàn hệ thống. Công cụ này đã hỗ trợ tích cực trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đặc biệt là kiểm soát sự an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, NHNN cũng nhận thấy, đây là một trong những giải pháp hành chính và có tính thời điểm và NHNN đã có lộ trình hướng tới việc gỡ bỏ công cụ hành chính này. Ông Phạm Chí Quang cho biết, vừa qua, NHNN đã gỡ bỏ room tín dụng cho nhóm ngân hàng nước ngoài, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng... Hạn mức tín dụng hiện chỉ còn áp dụng với các ngân hàng thương mại. Đây là một giai đoạn trong lộ trình gỡ bỏ việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng với các tổ chức tín dụng.

giao-dich-ngan-hang.jpg
Hình minh họa

Cũng theo ông Phạm Chí Quang, xóa bỏ hạn mức tín dụng sẽ giúp tăng tính chủ động cho các tổ chức tín dụng trong việc quyết sách và điều hành lãi suất. Tuy nhiên, quá trình này cần được thực hiện cẩn trọng vì hệ thống tổ chức tín dụng vẫn còn tồn tại những khó khăn nhất định. Do đó, để tiến tới gỡ bỏ room tín dụng, NHNN sẽ có giải pháp sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, làm sao để đồng thời ổn định vĩ mô, kiểm soát được lạm phát.

“Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian tới, NHNN sẽ nghiên cứu, đánh giá các tác động chính sách rất kỹ để có báo cáo cụ thể với Thủ tướng Chính phủ về lộ trình triển khai việc bãi bỏ công cụ này”, ông Phạm Chí Quang chia sẻ.

Số liệu thống kê được Ngân hàng Nhà nước công bố tại buổi họp báo "Thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025" do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức sáng nay (ngày 8/7) cho biết, tính đến ngày 30/6, tín dụng nền kinh tế đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024 và tăng 19,32% so với cùng kỳ năm 2024.

Cơ cấu tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, như: nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, bán buôn bán lẻ và các lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Cụ thể tính đến cuối tháng 5/2025: tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 5,31% so với cuối năm 2024 và chiếm 23,16% dư nợ nền tín dụng nền kinh tế (cùng kỳ năm 2024 tăng 2,57% so với cuối năm 2023; cuối năm 2024 tăng 11,27% so với cuối năm 2023); tín dụng đối với DNNVV tăng 5,71% so với cuối năm 2024, chiếm 17,51% dư nợ tín dụng nền kinh tế (cùng kỳ năm 2024 giảm 0,15% so với cuối năm 2023; cuối năm 2024 tăng 10,69% so với cuối năm 2023); tín dụng xuất khẩu (không bao gồm đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) tăng 2,91% so với cuối năm 2024, chiếm 2,06% dư nợ tín dụng nền kinh tế (cùng kỳ năm 2024 giảm 0,89% so với cuối năm 2023; cuối năm 2024 tăng 8,42% so với cuối năm 2023); tín dụng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 15,69% so với cuối năm 2024, chiếm tỷ trọng 3,24% dư nợ tín dụng nền kinh tế (cùng kỳ năm 2024 tăng 9,67% so với cuối năm 2023; cuối năm 2024 tăng 24,72% so với cuối năm 2023); tín dụng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 17,59% so với cuối năm 2024, chiếm 0,43% dư nợ tín dụng nền kinh tế (cùng kỳ năm 2024 tăng 18,16% so với cuối năm 2023; cuối năm 2024 tăng 34,2% so với cuối năm 2023).

Để có được kết quả trên, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, như: giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng ngay từ đầu năm, thông báo công khai, minh bạch nguyên tắc xác định để các ngân hàng chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng. Đồng thời, NHNN thường xuyên chỉ đạo các TCTD thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đi đôi với đảm bảo an toàn tín dụng, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Tại buổi họp báo, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, thời gian tới, NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Ngô Hải

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ