Ngân hàng Thế giới cảnh báo 108 quốc gia có nguy cơ mắc kẹt trong 'bẫy thu nhập trung bình'

03/08/2024 - 01:00
(Bankviet.com) Ngân hàng Thế giới công bố Báo cáo phát triển thế giới, cho biết 108 quốc gia có nguy cơ mắc kẹt trong "bẫy thu nhập trung bình".
Ngân hàng Thế giới ước tính thu hẹp khoảng cách giới có thể nâng GDP toàn cầu lên hơn 20% Ngân hàng Thế giới dự báo giá hàng hóa giảm nhẹ trong năm 2024 và 2025

Ngày 1/8, Ngân hàng Thế giới công bố Báo cáo phát triển thế giới, cho biết hơn 100 quốc gia - bao gồm cả Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi - có nguy cơ mắc kẹt trong "bẫy thu nhập trung bình" trừ khi các nước áp dụng các chiến lược tăng trưởng triệt để cho nền kinh tế của mình.

Theo đó, Ngân hàng Thế giới nhận định các quốc gia thị trường mới nổi sẽ phải vật lộn để thu hẹp khoảng cách về mức sống so với Mỹ trừ khi họ ít phụ thuộc hơn vào đầu tư để tăng trưởng. Bài học của 50 năm qua là khi các quốc gia trở nên giàu có hơn, họ đã rơi vào "bẫy" khi thu nhập bình quân đầu người trung bình ở mức khoảng 10% so với mức của Mỹ - tương đương 8.000 USD.

Ngân hàng Thế giới cảnh báo 108 quốc gia có nguy cơ mắc kẹt trong 'bẫy thu nhập trung bình'
Ngân hàng Thế giới cảnh báo 108 quốc gia có nguy cơ mắc kẹt trong 'bẫy thu nhập trung bình'

Kể từ năm 1990, chỉ có 34 nền kinh tế có thu nhập trung bình chuyển sang trạng thái thu nhập cao - với hơn một phần ba trong số đó là những người hưởng lợi từ việc hội nhập vào Liên minh châu Âu hoặc từ nguồn dầu mỏ chưa được phát hiện trước đó. Indermit Gill, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới, cho biết theo xu hướng hiện tại, Trung Quốc sẽ mất 10 năm và Ấn Độ mất 75 năm để có thu nhập bình quân đầu người bằng 25% mức của Mỹ.

Cuộc chiến vì sự thịnh vượng kinh tế toàn cầu phần lớn sẽ được thắng hoặc thua ở các quốc gia có thu nhập trung bình. Nhưng quá nhiều quốc gia trong số này dựa vào các chiến lược lỗi thời để trở thành nền kinh tế tiên tiến. Họ chỉ phụ thuộc vào đầu tư trong thời gian quá dài - hoặc họ chuyển sang đổi mới quá sớm.

Ngân hàng Thế giới khuyến nghị cần có một cách tiếp cận mới: Trước tiên tập trung vào đầu tư; sau đó nhấn mạnh vào việc truyền tải các công nghệ mới từ nước ngoài; và cuối cùng, áp dụng chiến lược ba mũi nhọn cân bằng giữa đầu tư, truyền tải và đổi mới. Với áp lực ngày càng tăng về nhân khẩu học, sinh thái và địa chính trị, không có chỗ cho sai sót. Theo Ngân hàng Thế giới, 108 quốc gia được phân loại là quốc gia có thu nhập trung bình vào cuối năm 2023, mỗi quốc gia có thu nhập bình quân đầu người hàng năm trong khoảng từ 1.136 đến 13.845 USD.

Các quốc gia có thu nhập trung bình là nơi sinh sống của 6 tỷ người – chiếm 75% dân số toàn cầu với hai trong số ba người sống trong cảnh nghèo đói cùng cực. Họ tạo ra hơn 40% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu, là nguồn phát thải hơn 60% lượng khí thải carbon và phải đối mặt với những thách thức lớn hơn nhiều so với những quốc gia tiền nhiệm trong việc thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình: Dân số già hóa nhanh chóng, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng ở các nền kinh tế tiên tiến và nhu cầu đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng. Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới cho biết các quốc gia sẽ khó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Ngân hàng Thế giới đã đề xuất một “chiến lược 3i” cho các quốc gia tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của họ. Các quốc gia có thu nhập thấp có thể chỉ tập trung vào các chính sách được thiết kế để tăng đầu tư – giai đoạn 1i. Khi đạt được vị thế thu nhập trung bình thấp, họ cần chuyển hướng và mở rộng hỗn hợp chính sách trong giai đoạn 2i: Đầu tư và lan tỏa, bao gồm việc áp dụng công nghệ từ nước ngoài và lan tỏa chúng trên toàn nền kinh tế. Ở mức thu nhập trung bình cao, các quốc gia nên chuyển hướng một lần nữa sang giai đoạn 3i cuối cùng: Đầu tư, lan tỏa và đổi mới.

Duy Hưng (tổng hợp)

Theo: Báo Công Thương