Ngành Công Thương: Chung sức vượt qua thách thức, đạt mục tiêu lớn năm 2024

20/12/2023 - 17:12
(Bankviet.com) Năm 2023, ngành Công Thương về đích với kết quả tốt nhất có thể; chuẩn bị các giải pháp để chung sức thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngay từ đầu năm 2024.
Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đào tạo, bồi dưỡng năm 2023 Ngày 20/12, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết ngành Công Thương năm 2023

Tăng trưởng trong khó khăn

Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành Công Thương, sáng 20/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho hay: Năm 2023 được nhận định là đỉnh điểm khó khăn, xuất nhập khẩu trầm lắng, kéo theo sản xuất công nghiệp khó khăn. Tuy nhiên, bằng hơn 100% nỗ lực, ngành Công Thương đã từng bước vượt qua thách thức đạt những kết quả tương đối khả quan. Trong đó, chỉ số sản xuất toàn ngành của cả năm 2023 tăng khoảng 2,3% so với cùng kỳ năm trước, ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước tăng 3,1%; nhiều địa bàn công nghiệp trọng điểm tiếp tục phục hồi hoặc duy trì đà tăng, như: Bà Rịa - Vũng Tàu; Bình Dương, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hồ Chí Minh...

Ngành Công Thương: Chung sức vượt qua thách thức, đạt mục tiêu lớn năm 2024
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà (ngồi giữa) dự và chỉ đạo Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành Công Thương

Năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước cải thiện tích cực, mức giảm xuất khẩu của khu vực này thấp hơn nhiều so với mức giảm của khu vực FDI. Công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu đạt kết quả tốt, việc kết hợp duy trì thị trường truyền thống với khai thác thị trường mới giúp mức độ suy giảm xuất khẩu ngày càng được thu hẹp, từ mức 12% trong nửa đầu năm 2023 xuống giảm khoảng 4,6% của cả năm 2023. Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư ước đạt gần 30 tỷ USD, gấp hơn 2 lần mức xuất siêu của năm 2022.

Đặc biệt, thị trường trong nước tăng trưởng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng 9,6%, vượt kế hoạch đề ra (8-9%). Đây được xác định là trụ đỡ cho tăng trưởng của nền kinh tế trong bối cảnh sản xuất công nghiệp và xuất khẩu gặp nhiều khó khăn; đáp ứng cơ bản hàng hóa thiết yếu cho người dân, góp phần kiểm soát lạm phát trong bối cảnh nhiều quốc gia đối mặt với lạm phát tăng cao. Hoạt động thương mại điện tử tiếp tục phát triển, trở thành kênh phân phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, các nhiệm vụ khác của Bộ như công tác lập, trình phê duyệt và triển khai các chiến lược, quy hoạch, đề án được tập trung đẩy mạnh thực hiện; quản lý nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực được tổ chức triển khai đồng bộ, kịp thời; công tác quản lý nhà nước về phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ được triển khai đồng bộ, toàn diện; hội nhập kinh tế quốc tế, xúc tiến thương mại được tăng cường, đã hoàn thành hiệu quả, đúng mục tiêu và kế hoạch đề ra... đã tạo thuậ lợi và nền tảng tốt cho ngành vượt khó, tăng trưởng trong bối cảnh thị trường quá khó khăn.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cũng thẳng thắn chỉ rõ, dù ngành Công Thương đã có nhiều thành công trong những tháng cuối năm và về đích với kết quả tốt tuy nhiên vẫn còn một số điểm “mờ”. Cụ thể, sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn, chi phí đầu vào, chi phí vốn, chi phí tuân thủ còn cao; năng lực sản xuất công nghiệp chậm được cải thiện, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt. Mức độ liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành và liên ngành còn hạn chế; liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước còn yếu.

Ngành Công Thương: Chung sức vượt qua thách thức, đạt mục tiêu lớn năm 2024
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng báo cáo tại Hội nghị

Quy mô xuất khẩu chưa phục hồi so với năm trước và giảm khoảng 4,6% so với năm 2022. Cùng với đó, mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI vẫn lớn; cán cân thương mại xuất siêu chủ yếu do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu.

Tăng trưởng thương mại nội địa dù là điểm sáng nhưng chưa đạt mức tăng trưởng so với các năm trước khi xảy ra dịch Covid -19; tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm dần; hạ tầng thương mại phát triển không đồng đều, đặc biệt tại các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn; còn thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng hóa (nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà vận chuyển, người tiêu dùng), nhất là đối với hàng thực phẩm tươi sống, thiết yếu, nên thị trường dễ bị biến động do tác động của tâm lý người tiêu dùng. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, găm hàng chờ tăng giá trên thị trường nội địa, vi phạm cạnh tranh… còn diễn biến phức tạp.

Tập trung vào những giải pháp trọng tâm

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cũng đưa ra nhận định, năm 2024 là năm bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước được dự báo tiếp tục có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen.

Góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2024 ở mức 6 - 6,5%, ngành Công Thương phấn đấu đạt các chỉ tiêu: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 7-8%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư khoảng 15 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 9%...

Để thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2024 được Quốc hội và Chính phủ giao, ngành Công Thương đồng lòng tập trung thực hiện một số giải pháp lớn.

Ngành Công Thương: Chung sức vượt qua thách thức, đạt mục tiêu lớn năm 2024
Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành Công Thương

Theo đó, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ. Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế, tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp có tính nền tảng.

Khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động và tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả ngay từ đầu năm 2024 các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01 của Chính phủ.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm, khơi thông rào cản về thủ tục hành chính để triển khai các dự án sản xuất, khai khoáng mới. Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh để đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện phục vụ cho sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tích cực tham mưu tổng kết cơ chế, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại; từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm khuyến khích, ràng buộc các doanh nghiệp FDI có sự lan tỏa, chia sẻ, hỗ trợ thực chất các doanh nghiệp trong nước để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển kỹ năng quản trị, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt để từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Tập trung khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và ký kết, triển khai các hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng. Tăng cường khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại.

Ngành Công Thương: Chung sức vượt qua thách thức, đạt mục tiêu lớn năm 2024
Hội nghị thu hút sự tham gia của đại diện nhiều Bộ, ngành Trung ương và địa phương

Phát triển mạnh thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường trong nước. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử để khai thác hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế; tăng cường hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, cạnh tranh không bình đẳng, phòng vệ thương mại... bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; chủ động phối hợp xử lý công việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động, tạo chuyển biến mạnh trong toàn hệ thống.

Nhóm Phóng viên

Theo: Báo Công Thương