Ngày 15/7/2023,
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội nghị sơ kết
hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Dự Hội nghị, có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Về phía ngành Ngân hàng, có đồng chí Nguyễn Thị Hồng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Thống đốc NHNN; các đồng chí trong Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN; đại diện lãnh đạo Đảng ủy cơ quan Ngân hàng Trung ương (NHTW), Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, các đơn vị thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD)… Tại 63 điểm cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trên cả nước có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo NHNN chi nhánh, lãnh đạo các TCTD có trụ sở chính trên địa bàn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Xác định các vấn đề, chủ trương lớn, quan trọng, cốt lõi để chỉ đạo, điều hành
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, sau một năm đầy khó khăn vất vả, chứng kiến và chèo chống những sự kiện chưa từng có trong lịch sử, ngành Ngân hàng bước vào năm 2023 với nhiều khó khăn thách thức. Cụ thể, tình hình
kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, các Ngân hàng Trung ương trên thế giới tiếp tục thắt chặt
chính sách tiền tệ (CSTT) để kiểm soát lạm phát, khiến mặt bằng
lãi suất trên thế giới tăng cao, cuộc chiến Nga - Ukraine chưa có hồi kết, sự đổ vỡ của một số
ngân hàng ở Mỹ và châu Âu đầu năm. Ở trong nước,
thị trường trái phiếu,
bất động sản gặp nhiều khó khăn càng đặt áp lực, rủi ro đối với hoạt động ngân hàng. Cùng với đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân suy giảm, nợ xấu tăng cao trong khi yêu cầu thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân vẫn được đặt ra. Trong bối cảnh đó, ngành Ngân hàng được giao các nhiệm vụ tại Nghị quyết của Chính phủ, Quốc hội là điều hành CSTT kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Song song với đó, điều hành CSTT đảm bảo có thể giảm lãi suất trong khi phải ổn định tỉ giá, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Đặc biệt, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ để cân bằng giữa tăng trưởng và lạm phát, tỉ giá và lãi suất, CSTT và tài khóa, giữa tình hình bên trong và bên ngoài… Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, đây là yêu cầu vô cùng khó khăn, nhất là khi dư địa CSTT rất hạn hẹp, thị trường tiền tệ, ngoại hối thường chịu tác động của tâm lí kì vọng…
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu khai mạc Hội nghị
Quyết tâm phấn đấu vượt qua khó khăn, Ban Lãnh đạo NHNN đã xác định các vấn đề, chủ trương lớn, quan trọng, cốt lõi để chỉ đạo, điều hành. Với sự đồng lòng, quyết tâm của Ban Lãnh đạo NHNN, lãnh đạo các đơn vị, vụ, cục NHNN, các TCTD từ Trung ương đến địa phương, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cùng chung tay thực hiện kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường ngoại hối và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
Mặt khác, việc tái cơ cấu các TCTD gắn với xử lí nợ xấu, nhất là các ngân hàng yếu kém tiếp tục được triển khai quyết liệt. Việc thúc đẩy dịch vụ số đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ cung ứng cho doanh nghiệp, người dân cũng được chú trọng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động ngân hàng cũng tồn tại những khó khăn do nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan. Vì vậy, Thống đốc yêu cầu, thông qua Hội nghị, các đại biểu cần bàn bạc, thảo luận để chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và từ đó đưa ra các giải pháp đối với hoạt động ngân hàng trong thời gian tới để tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sớm hồi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú trình bày Báo cáo sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2023
Trình bày Báo cáo tại Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngay từ đầu năm 2023, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN để quán triệt trong toàn Ngành tổ chức triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành, với mục tiêu xuyên suốt và nhất quán trong định hướng điều hành là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lí, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Bên cạnh đó, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, để ứng phó với những biến động của thế giới và trong nước, trong nửa đầu năm 2023, NHNN đã chủ động, kịp thời điều chỉnh chính sách, ban hành và triển khai đồng bộ, tối ưu các công cụ và giải pháp để kiểm soát lạm phát ở mức thấp, giảm mặt bằng lãi suất và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự phát triển an toàn của hệ thống các TCTD. Cụ thể:
Về điều hành lãi suất, thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm bốn lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5 - 2,0%/năm trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao; tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện giảm lãi suất
cho vay để hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh và tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường. Bên cạnh đó, NHNN đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp như ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, làm việc trực tiếp với các TCTD yêu cầu triển khai các biện pháp để giảm lãi suất tiền gửi, tiết giảm chi phí, qua đó tạo dư địa để giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng; phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam để vận động sự thống nhất của các TCTD hội viên tiếp tục thực hiện giảm lãi suất cho vay. Với nỗ lực, quyết tâm của toàn Ngành, mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm. Đến cuối tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng
VND của các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm khoảng 1,0%/năm so với cuối năm 2022. Với tác động của độ trễ chính sách, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay đối với nền kinh tế sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Về tỉ giá và thị trường ngoại tệ, NHNN tiếp tục điều hành tỉ giá linh hoạt, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với các công cụ chính sách khác cũng như các biện pháp quản lí ngoại hối nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, củng cố vị thế VND, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, tiếp tục triển khai các giải pháp quản lí thị trường nhằm hạn chế các hành vi vi phạm trong hoạt động thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài; thực hiện quản lí các giao dịch vãng lai... Hoạt động trên thị trường ngoại tệ về cơ bản diễn ra thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được các TCTD đáp ứng.
Về điều hành tín dụng, NHNN đã tiếp tục điều hành các giải pháp tín dụng phù hợp, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát. Ngay từ đầu năm, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khoảng 14 - 15% (cao hơn tăng trưởng các năm trước), có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trên cơ sở đó, ngay đầu năm 2023, NHNN đã phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD; đồng thời, chỉ đạo xuyên suốt của NHNN đối với các TCTD là hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên (như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Ngày 10/7/2023, NHNN đã điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các TCTD với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%. Đây là nỗ lực của NHNN để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm thấp hơn so với kịch bản đề ra, các nguồn vốn trong nền kinh tế khó khăn. Đến ngày 30/6/2023, tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,49 triệu tỉ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022. Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP cả nước.
Công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lí nợ xấu tiếp tục được chỉ đạo triển khai quyết liệt trong toàn Ngành. Trong đó, tập trung chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh xử lí nợ xấu; xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lí nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 nhằm bảo đảm phù hợp với mục tiêu, định hướng nêu tại Đề án 689…
Chuyển đổi số ngân hàng và thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được đẩy mạnh triển khai, mang lại nhiều tiện ích cho người dân. Các hạ tầng dùng chung như Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, Hệ thống chuyển mạch
tài chính và bù trừ điện tử, Hệ thống thông tin tín dụng quốc gia... thường xuyên đầu tư, nâng cấp, bổ sung tiện ích, dịch vụ theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế; hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập kết nối giữa dịch vụ ngân hàng với nhiều dịch vụ khác, nhiều ngân hàng Việt Nam có tỉ lệ trên 90% giao dịch trên kênh số. NHNN đã tích cực xây dựng phương án, triển khai kết nối, khai thác thông tin dân cư tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ căn cước công dân gắn chíp, tài khoản định danh điện tử (VNeID); nhiều TCTD đã và đang triển khai ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp, thử nghiệm hệ thống chấm điểm tín dụng công dân trên nền tảng dữ liệu dân cư.
Thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh với nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, tiện ích đã phục vụ đắc lực và đáp ứng được nhu cầu người dân và doanh nghiệp. Hoạt động thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng tiếp tục được mở rộng triển khai rộng rãi, đặc biệt trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, an sinh xã hội, thu ngân sách nhà nước... Các hệ thống thanh toán quan trọng trong nền kinh tế được vận hành ổn định, thông suốt và an toàn. Đồng thời, NHNN tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tội phạm công nghệ cao, bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và các hệ thống thông tin ứng dụng nghiệp vụ ngân hàng.
Các ngân hàng đồng lòng thực hiện nhiệm vụ chung
Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu đồng tình với Báo cáo sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2023.
Toàn cảnh Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá cao công tác điều hành CSTT linh hoạt, phù hợp với thực trạng nền kinh tế, vì vậy trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất, song NHNN đã bốn lần giảm lãi suất điều hành từ 0,5 - 2%/năm, các giao dịch trên thị trường liên ngân hàng được thông suốt, tỉ giá ổn định góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời chỉ đạo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kêu gọi các TCTD cùng đồng thuận giảm lãi suất huy động trên cơ sở đó giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dành 120.000 tỉ đồng đầu tư cho nhà ở xã hội góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và lĩnh vực bất động sản…
Về hỗ trợ doanh nghiệp người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, ông Phan Đức Tú - Chủ tịch Hội đồng quản trị NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (
BIDV) cho biết, thực hiện chỉ đạo điều hành của Chính phủ và NHNN, trong 6 tháng đầu năm BIDV đã đưa ra các giải pháp thực hiện. Trong 6 tháng đầu năm, BIDV đã đưa ra 25 gói tín dụng ưu đãi với tổng quy mô 484 nghìn tỉ đồng, mức giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp từ 0,5%/năm - 2%/năm, đối với khách hàng cá nhân từ 1%/năm - 1,5%/năm.
Tổng Giám đốc NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam (
Vietcombank) Nguyễn Thanh Tùng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Vietcombank đã tiên phong triển khai 10 đợt giảm lãi suất huy động, 05 đợt giảm lãi suất cho vay cho tất cả các phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Vietcombank đã chủ động triển khai hàng loạt chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi cho các phân khúc, đối tượng ưu tiên: Chương trình cho vay ngắn hạn VND,
USD ưu đãi; Chương trình cho vay khách hàng FDI...
Còn ông Từ Tiến Phát - Tổng Giám đốc NHTM cổ phần Á Châu (
ACB) cho biết, ACB đã thực hiện nhiều giải pháp để tiết kiêm chi phí, từ đó giảm lãi suất cho vay; cụ thể: Đa dạng kênh huy động, nỗ lực giảm lãi suất huy động bình quân;
tiết kiệm các chi phí hoạt động. Kết quả là đã tiết kiệm được hơn 500 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm so với kế hoạch ban đầu; chỉ số chi phí trên doanh thu giảm từ 40% xuống mức gần 30%.
Ngành Ngân hàng đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cơ bản thống nhất nội dung báo cáo của NHNN và các ý kiến phát biểu.
Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong thời gian qua, kinh tế vĩ mô của Việt Nam được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế, an sinh xã hội, đời sống Nhân dân được bảo đảm; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; giữ gìn được môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước và góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước. Trong kết quả chung đó, có sự đóng góp quan trọng của NHNN và toàn ngành Ngân hàng.
Thứ nhất, ngành Ngân hàng đã tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế về tiền tệ, ngân hàng; đẩy mạnh cải cách hành chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đã hoàn thiện, trình Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Các TCTD (sửa đổi). NHNN đã 07 lần dẫn đầu các bộ, ngành về chỉ số cải cách hành chính trong 08 năm gần đây (từ năm 2014 - 2022). Hệ thống các TCTD tiếp tục được củng cố; trong đó chú trọng xử lí nợ xấu, từng bước giải quyết vấn đề sở hữu chéo, lợi ích nhóm; nâng cao chất lượng tín dụng, hiệu quả kinh doanh, bảo đảm an toàn hệ thống.
Thứ hai, NHNN đã điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ của CSTT (như nghiệp vụ thị trường mở, lãi suất, tăng trưởng tín dụng); giảm liên tục 04 lần lãi suất điều hành; lãi suất tiền gửi bình quân còn 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022), lãi suất cho vay bình quân còn 8,9%/năm (giảm 1%). Điều hành tỉ giá linh hoạt, phù hợp; bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, tỉ giá, ngoại hối, trong khi nhiều nước tiếp tục thắt chặt tiền tệ và nâng lãi suất điều hành.
Thứ ba, nỗ lực triển khai nhiều giải pháp về tín dụng, đa dạng hóa các sản phẩm, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng. Chỉ đạo, hướng dẫn các NHTM cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, đến cuối tháng 5/2023, cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 11,2 nghìn khách hàng với dư nợ trên 24,8 nghìn tỉ đồng).
Bổ sung quy định tạo điều kiện thuận lợi, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp. Tích cực tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để đối thoại trực tiếp, giải quyết khó khăn, vướng mắc về tiếp cận vốn tín dụng. Đến cuối quý I/2023, đã tổ chức 214 buổi gặp gỡ, đối thoại trên toàn quốc, các TCTD đã kết nối, hỗ trợ cho trên 80.000 doanh nghiệp với dư nợ được hỗ trợ là 1,3 triệu tỉ đồng.
Thứ tư, chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng được coi trọng tiếp tục được đẩy mạnh, hoạt động chuyển đổi số ngành Ngân hàng nhìn rõ nhất vì liên quan trực tiếp đến người dân. Đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ số thiết thực phục vụ kịp thời, hiệu quả người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. NHNN và các ngân hàng thương mại tích cực kết nối, khai thác thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Đề án 06), góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, nghiệp vụ ngân hàng. Đã làm sạch 41 triệu thông tin tín dụng ngân hàng và triển khai việc sử dụng thẻ căn cước công dân thay thế thẻ ATM.
Cùng với đó, năng lực tài chính, quản trị điều hành của các TCTD ngày càng được nâng lên trong hệ thống; đặc biệt là tăng vốn điều lệ cho ngân hàng thương mại nhà nước và các TCTD khác. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng đạt được nhiều kết quả tích cực.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm cao và những kết quả bước đầu, đáng khích lệ của NHNN và ngành Ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2023, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của cả nước.
Thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2023 và thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng nặng nề trên nhiều lĩnh vực. Chính phủ ưu tiên cho tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, kích thích tiêu dùng, tập trung cho 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); đặc biệt lưu ý việc bảo đảm cân bằng hài hòa, hợp lý giữa: lãi suất và tỉ giá; tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu; chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa hỗ trợ lẫn nhau; theo dõi sát và nắm chắc tình hình bên trong và bên ngoài. Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm sau:
Một là, về công tác chỉ đạo điều hành và hoàn thiện thể chế, cơ chế, CSTT, tín dụng. Thực hiện các giải pháp điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, kịp thời, hiệu quả để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Lưu ý phải nắm chắc tình hình để lựa chọn ưu tiên phù hợp, sử dụng đồng bộ, linh hoạt 04 công cụ có thể sử dụng gồm dự trữ bắt buộc, tái cấp vốn, thị trường liên ngân hàng, thị trường mở.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thế chế, cơ chế, CSTT, ngân hàng; trong đó hoàn thiện dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại Kì họp thứ 6; nghiên cứu, rà soát việc sửa đổi Luật NHNN, Luật
Bảo hiểm tiền gửi; hoàn thiện pháp luật về an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng điện tử. Trong đó, luật phải sát thực tiễn, có tính dự báo, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo môi trường phát triển thuận lợi. Chú trọng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính. Nhanh chóng ban hành các nghị định, thông tư đối với những vấn đề Thông tư số 02/2023/TT-NHNN chưa quy định cho trái phiếu doanh nghiệp.
Hai là, về hoạt động tín dụng, NHNN cần tập trung điều hành tăng trưởng dư nợ tín dụng với cơ cấu hợp lí, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế; hướng nguồn vốn tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng. Tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay. Xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thực tiễn.
Ba là, về tỉ giá, tiếp tục điều hành tỉ giá chủ động, linh hoạt phù hợp với tình hình trong nước, quốc tế, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu CSTT; can thiệp linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ.
Bốn là, về cơ cấu lại các TCTD, xử lí nợ xấu, tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lí nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, tập trung, khẩn trương xử lí, cơ cấu lại các NHTM yếu kém, bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống.
Năm là, về công tác thanh tra, giám sát, tập trung đổi mới toàn diện bộ máy tổ chức, công tác cán bộ, cơ chế, quy chế hoạt động của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng. Tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, giám sát, đảm bảo phải thực sự chủ động, sớm phát hiện và đề xuất xử lí những vấn đề tồn tại, sai phạm qua công tác giám sát.
Sáu là, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động ngân hàng, tiếp tục dẫn đầu trong chuyển đổi số, phát triển hạ tầng thanh toán số quốc gia theo hướng đồng bộ, thống nhất, kết nối, liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia. Tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, số hóa, công khai, minh bạch quy trình, thủ tục cho vay. Đồng thời, phải tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và chuyển đổi số.
Bảy là, tham gia phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, hiệu quả, bền vững trong bối cảnh quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam còn khiêm tốn với mức dư nợ khoảng 15% GDP, thấp hơn các nước Đông Nam Á, trong khi theo Chiến lược tài chính quốc gia thì quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt 47% GDP đến năm 2025.
Tám là, ngành Ngân hàng tích cực tham gia tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, góp phần phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.
Thị trường đang thiếu phân khúc cho người nghèo, công nhân, người lao động…, do đó phải tìm cách tháo gỡ, khắc phục vấn đề này với cơ chế phù hợp, đúng luật pháp; các doanh nghiệp bất động sản cũng phải tự cơ cấu lại.
Chín là, công tác truyền thông chính sách có tác động rất lớn đến triển khai thực hiện, vì vậy, ngành Ngân hàng phải rất chú trọng công tác này, nhất là thông điệp, cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các chính sách của Đảng, Nhà nước, NHNN; chủ động kịp thời thông tin về các chính sách mới, tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, người dân; đẩy mạnh công bố công khai, minh bạch các thông tin, nhất là kịp thời tuyên truyền phổ biến, công bố các chính sách, quy định, giải pháp mới của Nhà nước để người dân, xã hội có thông tin chính xác, chính thống, qua đó góp phần ổn định tâm lí, ổn định thị trường.
Mười là, tiếp tục chú trọng hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
ĐT