Ngành thép thích ứng để xuất khẩu bền vững

21/03/2024 - 19:05
(Bankviet.com) Theo ước tính của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), lĩnh vực thép có khả năng giảm khoảng 4% giá trị xuất khẩu dưới tác động của CBAM.
2 tháng xuất khẩu tăng gần 50%, ngành thép đã đã vượt qua cơn “bĩ cực”? Ngành thép ghi nhận nhiều tín hiệu phục hồi

Đối diện với hai “rào cản”

Theo số liệu Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu trên 2,5 triệu tấn các mặt hàng thép sang thị trường này, tăng gấp đôi so với năm 2022. Lượng thép xuất khẩu sang thị trường EU chiếm 23% tổng lượng thép xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023.

Xuất hàng thép cuộn cán nóng Hòa Phát tại cảng chuyên dùng Hòa Phát Dung Quất
Xuất hàng thép cuộn cán nóng Hòa Phát tại cảng chuyên dùng Hòa Phát Dung Quất

Báo cáo Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sắt thép đạt 1,5 tỷ USD. Mặc dù tính riêng trong tháng 2, xuất khẩu sắt thép giảm ở mức thấp nhất trong 3 tháng qua, ước đạt 950 nghìn tấn, với trị giá 678 triệu USD, giảm 18,1% về lượng và 17,6% về trị giá so với tháng trước. Song, so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu mặt hàng này tăng 19,3% về lượng và 12,6% về trị giá.

Nhìn nhận về xuất khẩu thép, TS Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cho hay, sự đóng góp của ngành thép trong hoạt động xuất khẩu đã góp phần vào việc xuất siêu của Việt Nam trong bối cảnh nhiều khó khăn của thương mại quốc tế toàn cầu thời gian qua. Trong bối cảnh khó khăn về hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá nói chung, nhưng riêng thị trường EU vẫn duy trì được thặng dư thương mại mặc dù bối cảnh giảm hoạt động xuất nhập khẩu chung của toàn cầu cũng như cả nước, trong đó đóng góp tích cực là các mặt hàng như thép.

Tuy vậy, từ giữa năm 2023, xuất khẩu sang thị trường EU phải đối mặt với 02 rào cản lớn: Các biện pháp tự vệ và cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM).

Rào cản đầu tiên đến từ các biện pháp tự vệ đối với mặt hàng thép nhập khẩu khi Quy định mới có hiệu lực từ ngày 01/7/2023 của EU sẽ tiếp tục duy trì biện pháp tự vệ với thép nhập khẩu vào EU đến 30/6/2024. Việt Nam để được miễn thuế tự vệ sẽ phải duy trì tỷ trọng xuất khẩu ở dưới mức 3% tổng kim ngạch EU nhập nhẩu đối với từng loại sản phẩm, nếu vượt hạn ngạch, mức thuế nhập khẩu phải nộp cho phần vượt là 25%.

Rào cản thứ hai là cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). CBAM sẽ hướng tới việc đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc EU, dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất nước sở tại. Hiện tại cơ chế này đang ở giai đoạn 1 khi các doanh nghiệp xuất khẩu trong đó có các doanh nghiệp thép phải khai báo mức phát thải. Tuy vậy trong tương lai, khi cơ chế CBAM bước vào các giai đoạn tiếp theo, các doanh nghiệp thép trong đó có Việt Nam bắt buộc phải mua chứng chỉ phát thải CBAM từ năm 2026 sẽ làm gia tăng chi phí, khó cạnh tranh về mặt giá trị nếu các doanh nghiệp không lên kế hoạch giảm lượng khí thải carbon trong sản xuất. Theo ước tính của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), lĩnh vực thép có khả năng sẽ giảm khoảng 4% giá trị xuất khẩu dưới tác động của CBAM. Nhu cầu giảm kéo theo sản lượng giảm khoảng 0,8%, cùng với tác động bất lợi về khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Liên quan đến rào cản thứ hai là cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), theo ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel), CBAM sẽ hướng tới việc đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc EU, dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất nước sở tại.

Hiện tại cơ chế này đang ở giai đoạn 1 khi các doanh nghiệp xuất khẩu trong đó có các doanh nghiệp thép phải khai báo mức phát thải. Tuy vậy trong tương lai, khi cơ chế CBAM bước vào các giai đoạn tiếp theo, các doanh nghiệp thép trong đó có Việt Nam bắt buộc phải mua chứng chỉ phát thải CBAM từ năm 2026 sẽ làm gia tăng chi phí, khó cạnh tranh về mặt giá trị nếu các doanh nghiệp không lên kế hoạch giảm lượng khí thải carbon trong sản xuất” ông Phạm Công Thảo chỉ ra.

Tuân thủ để xuất khẩu bền vững

Được biết, từ đầu năm 2024 nay, việc xuất khẩu thép vào EU sẽ phải tuân thủ một số quy định mới, bao gồm các biện pháp tự vệ đối với thép nhập khẩu cũng như chuẩn bị áp dụng cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) là những thách thức lớn buộc ngành thép phải vượt qua khi xuất khẩu vào thị trường này

Bên cạnh đó, cạnh tranh về giá thép thành phẩm nội địa năm 2024 ngày càng trở khốc liệt hơn trong những năm gần đây và cũng như những năm tới do công suất sản xuất nhiều sản phẩm vượt xa nhu cầu nội địa; ngoài ra thị trường trong nước còn chịu áp lực lớn hơn từ thép nhập khẩu, đặc biệt là thép có nguồn gốc Trung Quốc và ASEAN.

Ngoài ra, trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, thị trường thép xuất khẩu của Việt Nam cũng đối mặt với thách thức bị thu hẹp dẫn tới hệ lụy các doanh nghiệp không xuất khẩu được sẽ quay trở lại tăng cường bán hàng tại thị trường trong nước, làm cho áp lực cạnh tranh ngày càng lớn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, tác động của CBAM đối với hoạt động xuất khẩu thép của Việt Nam sang thị trường EU rõ ràng là một thách thức không nhỏ, nếu xét về ngắn và trung hạn. Tuy nhiên, về dài hạn, cùng với quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế xanh, phát triển năng lượng xanh, sản xuất xanh thì đây là cơ hội cho các doanh nghiệp thép Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và phát triển bền vững

Bên cạnh việc đề nghị Chính phủ tiếp tục có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác phòng vệ thương mại để hạn chế thép giá rẻ, chất lượng kém làm ảnh hưởng tới thị trường, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước, Hiệp hội Thép Việt Nam kiến nghị Chính phủ cần có các biện pháp và hỗ trợ về tài chính để khuyến khích các nhà sản xuất thép nâng cấp các kỹ thuật sản xuất nhằm giảm tiêu thụ năng lượng và phát thải carbon, đồng thời loại bỏ dần năng lực sản xuất lạc hậu.

Dưới góc độ quản lý nhà nước về lĩnh vực thép, dưới tác động của các hàng rào kỹ thuật và cơ chế CBAM khi xuất khẩu thép vào EU, ông Đỗ Nam Bình, Trưởng phòng Khoáng sản và Luyện kim, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) khuyến nghị các doanh nghiệp thép cần tiếp tục tuân thủ các quy định của pháp luật như Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 06/2022/NĐ-CP, Quyết định 01/2022/QĐ-TTg, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu... và cam kết của Việt Nam tại COP26.

Mặt khác, doanh nghiệp cần tối ưu hóa công nghệ, tiết kiệm năng lượng, Chuyển đổi Số, ứng dụng công nghệ giảm phát thải carbon để phát điện nhiệt dư, đồng thời thực hiện việc công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng hàng hóa, thống nhất hệ thống quản lý mã số hàng hóa xuất nhập khẩu (HS Code) với cơ quan quản lý xuất nhập khẩu để sẵn sàng thực hiện CBAM.

Ngoài ra, Chính phủ có định hướng chiến lược để ngành thép phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, đồng thời có các biện pháp và hỗ trợ về tài chính để khuyến khích các nhà sản xuất thép nâng cấp các kỹ thuật sản xuất nhằm giảm tiêu thụ năng lượng và phát thải carbon, cũng như loại bỏ dần năng lực sản xuất kém hiệu quả và lạc hậu.

Duy Anh

Theo: Báo Công Thương