Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Nguyễn Thị Kiều Nhi, công tác tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.
Nó sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo heo hút và khô cằn. Khô và cằn nó lạ lắm, nắng không còn là nắng xuyên qua từng kẽ lá mà nắng xuyên qua da thịt con người ta. Gió chẳng ra hình gió, khẽ lướt qua tà áo dài thiếu nữ mà gió thổi bay nóc nhà người ta. Mưa chẳng còn là cơn mưa phùn tạo ra những bản tình ca mà mưa ở vùng quê nó là mưa xối mưa xả.
Nhờ vào mẹ thiên nhiên ban tặng mà cây ngô trồng lên thì ra trái bắp, cây mì mọc lên củ sắn, nuôi bò ra bê, chăn lợn lại hóa con heo... Nhiều lúc nó ngẫm nghèo nó cùng lắm như người ta vẫn nói vùng đất “chó ăn đá gà ăn sỏi”. Nhưng nơi nó sống con chó, con gà không có đá có sỏi để ăn, mưa lũ nó cuốn đi cả, cuốn đi những ước mơ thuở bé thơ. Nhưng không vì điều đó mà người nông dân khuất phục, cũng bởi lý do thật đơn giản: "không trồng, không chăn" thì lấy cái gì nhét vào bụng. Mà để trồng cỏ nuôi bò thì tiền đâu để mua con bò, con trâu về nuôi, người xưa có câu con trâu là đầu cơ nghiệp, còn gia đình nó nói riêng, cả xóm nói chung lấy Ngân hàng Nông nghiệp làm đầu sự nghiệp. Đấy, câu chuyện nó bắt đầu từ đấy. Nhờ Ngân hàng Nông nghiệp mà cả xóm nhỏ có bò để chăn, nhà nó cũng không ngoại lệ.
Từ dạo ấy cả xóm rộn ràng cả lên, có tiếng bò rống ượm ò ượm ò, có tiếng gà gáy ó o rất nhộn nhịp. Vui chưa được bao lâu thì mấy tháng sau, bà cô ngân hàng xuống đòi tiền lãi, nhà nó làm gì có tiền để đưa. Con bò kia, con heo mới nuôi đó, chưa kịp lớn ai mà mua để bán kiếm tiền trả lãi ngân hàng. Nhà nó cứ nợ vậy đó, xuống đòi không có thì bả đi về. Bả về rồi thì má nó lại lặng lẽ vào phòng khóc thút thít. Nó đứng ngoài đôi mắt buồn so, ước gì nó lớn xíu để giúp mẹ nó. Nó ước gì sau này nó có thật thật nhiều tiền để đè chết bả. Nó lại nghĩ viễn vông hay là sau này nó lớn lên nó làm ngân hàng như bả. Nó bỗng ghét bà cô đó đến cay khóe mắt. Bà mà xuống đầu ngõ, nó bày đủ trò xem bà có vào được xóm nó không. Trẻ con nó có lý lẽ của nó, hễ ai làm mẹ nó khóc là nó ghét kể cả ba nó. Trẻ con mà ghét cũng nhanh mà quên cũng lẹ, chạy te te chơi trong xóm là lại quên bà cô ngân hàng đáng ghét.
Và rồi theo năm tháng nhờ tiền ngân hàng mà cô bé nhỏ cũng lớn lên. Nó đã thay đổi rất nhiều, còn món nợ ngân hàng nhà nó cũng không cải thiện được bấy nhiêu. Nợ vẫn cứ nợ mà đòi vẫn bị đòi. Vì ngoài tiền vay ngân hàng nhà nó còn mượn được tiền của ai nữa đâu. Bà con lối xóm có nhà nào mà khá giả hơn nhà nó. Nhà nào cũng cái cày, con bò, củ sắn, cây lúa, … Cứ vay Ngân hàng Nông nghiệp đó rồi chăn nuôi bán được dăm ba đồng trả ngân hàng rồi vay lại, cứ cái vòng lẩn quẩn đó, còn cái nghèo cái đói vẫn cứ đeo bám như con đĩa hút máu.
Nó được xem là đứa trẻ may mắn trong xóm, vì ba má nó lì, chịu khó vay ngân hàng, nên ba anh em nhà nó vẫn được cắp sách đến trường. Chứ con nhà người ta đã nghỉ học từ nhỏ, vì nhà tụi nó cũng không có tiền để cho con đi học, tụi nó nghỉ học rồi theo chân những người già trong xóm vào Sài Gòn bán vé số, lụm ve chai kiếm sống qua ngày.
Nó còn nhớ lúc nó học cấp hai thì ngân hàng xuống đòi nợ như thường lệ, thế là má nó chạy sang nhà hàng xóm trốn nợ. Nó ngồi co ro trong xó, nó sợ run cầm cập. Nhưng rồi nó cũng bình tĩnh trở lại vì cái ăn. Nó anh dũng đứng dậy ứng phó với chủ nợ. Đến khi ra tận cửa nhìn bả thì nó lại giả bộ rơm rớm nước mắt lưng tròng, quẹt nước mũi tỏ ra thảm thương. Nhờ vậy mà nó làm trỗi dậy tình thương, sự đồng cảm của bà cô. Bả chỉ hỏi có mẹ ở nhà không con, rồi lắc đầu ủn mông đi. Nó mừng rơi nước mắt. Nó nhảy cẩn lên vui sướng vì trì hoãn được một kỳ trả nợ.
Rồi thấm thoắt mười mấy năm trôi qua, cô nhóc nghịch ngợm đó cũng sắp chia tay thời học sinh hồi nhiên vô tư lự ngày nào. Nó sắp hoàn thành lớp 12 suôn sẻ nhờ những này trốn nợ chui lủi. Trốn nợ người ta mà nó tự hào như đang làm một điều gì đó vinh quang rạng danh cả làng cả họ. Nhưng nói đi thì phải nói lại nhờ nợ tiền ngân hàng mà nó có cái chữ với đời. Không như tụi con gái xóm nó ba mẹ cho nghỉ học lấy chồng, làm công nhân trong thành phố. Xưa họ quan niệm đứa con gái cần gì biết cái chữ, biết đẻ kiếm tấm chồng là bố mẹ nhờ.
Năm lớp 12, như bao học trò khác nó chọn nghề, chọn ngành chọn trường để thi đại học. Nhớ hồi ấy nó như một tờ giấy trắng, không biết nó muốn gì, ước gì. Nó quên cái ước mơ khi là trẻ con, vì trẻ nhỏ mà nó ước rất nhiều thứ. Ước được ăn mì tôm cả ngày, ước nghỉ học để đi chơi, rồi ước làm cô giáo, ước làm cô cảnh sát.. vân vân mây mây. Khổ nữa là nó quên bẳn đi cái ước mơ thuở bé là trở thành chủ nợ giúp mẹ nó trả nợ. Mục tiêu của nó chọn ngành là cái ngành đó đang hot, học ra là có công việc liền. Cuối cùng, nó chọn ngành tài chính – ngân hàng của một trường ở Sài thành.
Bốn năm đại học của nó cũng không suôn sẻ là mấy. Vì lúc này nhà nó vẫn chưa thoát khỏi chữ nợ ngân hàng. Nó làm rất nhiều việc để kiếm tiền gửi về phụ mẹ trả nợ. Sáng dậy sớm đi rửa chén, trưa về tranh thủ phát tờ rơi, tối làm phục vụ nhà hàng. Cứ thế ròng rã bốn năm trời. Có những lúc mệt mỏi muốn gục ngã, chỉ biết than thở với mẹ:
Tiền bạc là gì hở mẹ
Mà cô giáo bảo là tệ
Tiền bạc là gì hở mẹ
Mà bao ngươi tuôn dòng lệ
Và con cũng không ngoại lệ
Trả mãi còn đó chữ nợ.
Nó vô cùng biết ơn ngân hàng Aribank vì nếu không nhờ những đồng tiền vay đó thì nó sẽ không là nó của ngày hôm nay. Thật ra, nhà nó nợ dai nhưng không xù.Tiền ngân hàng về mua con heo, mua con bò. Nuôi được lứa nào lớn thì bán đi lấy tiền trả ngân hàng. Cứ thế xoay được đồng ra đồng vào. Nhà nó không trả thì làm sao mấy cô mấy chú ngân hàng cho vay mười mấy năm trời.
Tốt nghiệp ra trường, nó quay lại vùng quê nghèo năm tháng tuổi thơ đó. Tiếc thay lúc đó, Ngân hàng Nông nghiệp chỉ ưu tiên tuyển dụng sinh viên trường top, còn trường nó chỉ là trường tép nên không có cơ hội. Khao khát tuổi trẻ cống hiến quê nhà dập trong trứng nước. Nó làm liều thi Ngân hàng Trung ương. Nó nghĩ bụng «ta không xin vào được Agribank thì ta thi Ngân hàng Nhà nước, có khi chừng đó ta về thanh tra Agribank không phải oách à » .Giờ nghĩ lại đúng là ếch ngồi đáy giếng. Nó thi Ngân hàng Nhà nước hai lần rớt đúng hai lần, cố gắng xíu nữa thôi là giám sát Ngân hàng Nông nghiêp.
Thế rồi, cuộc đời xô đi đẩy lại, cuối cùng nó lại được vào ngay Ngân hàng Nông nghiệp. Âu cũng là cái duyên cái nợ, nó tin rằng đây là cái duyên lành. Chỉ mong ra được quả ngọt. Nợ ngân hàng Agribank mấy năm trời có lẽ nó sẽ dành cả đời để trả nợ.
Năm 2021, 3 năm nó dấn thân vào nghiệp ngân hàng. Ngân hàng Nông nghiệp cũng tròn 33 năm. Và ngành ngân hàng đã tròn 70 năm. Nó tin mỗi ngành mỗi nghề đều có sứ mệnh riêng của nó và ngành Ngân hàng cũng không ngoại lệ.
Năm trâu là con trâu vàng
Mẹ kể chuyện xưa bảo rằng
Con trâu làm đầu cơ nghiệp
33 năm Ngân hàng Nông nghiệp
Góp phần dựng xây đất nước
Lo ngành nông nghiệp lúa nước
Phát triển không ngừng vươn xa
Lái cả chiếc thuyền ngoài sa
Đẩy ngành ngư nghiệp xông pha
Chẳng ngại bão táp phong ba
Đưa ngành lâm nghiệp phủ xanh
Thúc đẩy kinh tế tăng nhanh
Nhiêu đó cống hiến chưa đủ
Ngân hàng Nông nghiệp nhiều đời
Tạo nên sự nghiệp con người
Giúp dân xóa đói giảm nghèo
Mang theo sứ mệnh của mình
Chỉ mong khách hàng phồn thịnh.
Phù Mỹ, ngày 15 tháng 4 năm 2021
NGUYỄN THỊ KIỀU NHI
Theo Tạp Chí Thị Trường Tài Chính Tiền Tệ