Chuyên mục “Ngày này năm xưa” Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước, ngành Công Thương; sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh và các sự kiện quốc tế ngày 20/12.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 20/12/1960: Thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành, thuộc vùng giải phóng Tây Ninh, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập bao gồm đại biểu các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, các nhân sĩ yêu nước ở miền Nam, không phân biệt xu hướng chính trị. Mặt trận cũng đã thông qua Tuyên ngôn, Chương trình hành động “10 điểm” với nội dung cơ bản là đánh đổ chế độ thuộc địa trá hình của đế quốc Mỹ và bọn tay sai Ngô Đình Diệm, xây dựng một miền Nam dân chủ, trung lập, thiết lập lại quan hệ bình thường giữa hai miền, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc.
Ngày 20/12/1960: Tại căn cứ xã Châu Bình (Giồng Trôm), phân đội An ninh vũ trang tỉnh - tiền thân của Bộ đội Biên phòng Bến Tre được thành lập.
Thực hiện nhiệm vụ cảnh vệ, cận vệ, bảo vệ cơ quan lãnh đạo tỉnh và các mục tiêu quan trọng trong tỉnh, chiến đấu giữ vững căn cứ, giữ vững đường hành lang liên tỉnh và từ tỉnh xuống huyện.
Ngày 20/12/1963: Khánh thành lò cao số 1 Khu gang thép Thái Nguyên.
Bác Hồ về thăm Gang thép Thái Nguyên năm 1964 |
Trong phong trào thi đua hướng về miền Nam thân yêu, cán bộ và công nhân Khu gang thép Thái Nguyên đã dũng cảm vượt khó khăn, hoàn thành lò cao số 1 trước thời hạn, lấy thành tích chào mừng ngày thành lập Mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam.
Ngày 20/12/1994: Khánh thành Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình sau 15 năm xây dựng công trình, trong đó có 9 năm vừa quản lý vận hành vừa giám sát thi công các tổ máy.
Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình |
Ngày 20/12/2015: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) chính thức có hiệu lực. Sau khi Việt Nam và Hàn Quốc chính thức ký VKFTA tại Hà Nội vào ngày 5/5/2015, hai bên đã khẩn trương triển khai thủ tục phê duyệt nội bộ tại mỗi nước.
Ngày 20/12/2020: Nhà máy thủy điện Lai Châu (thuộc Công ty Thủy điện Sơn La) đã cung cấp lên hệ thống điện quốc gia 20 tỷ kWh điện, lập thành tích chào mừng 66 năm Ngày Truyền thống ngành Điện lực Việt Nam.
Công trình Thủy điện Lai Châu có 3 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1.200MW, với sản lượng phát điện trung bình hàng năm là 4,67 tỷ kWh.
Thủy điện Lai Châu là một trong số 6 Nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2012/QĐ-TTg ngày 24/10/2016. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 16/4/2019, đưa công trình Nhà máy Thuỷ điện Lai Châu vào Danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh Quốc gia.
Ngày 20/12/2020: Thành lập giải thưởng VinFuture.
Lễ trao giải lần thứ nhất VinFuture |
Giải thưởng do Quỹ VinFuture quản lý, chính thức tiếp cận đề cử và trao giải lần đầu đầu tiên vào năm 2021. Đây là một hoạt động của Tập đoàn Vingroup, tập đoàn tư nhân lớn nhất tại Việt Nam.
Ngày 20/12/2021: Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 25/2021/TT-BCT nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 33/2019/TT-BCT ngày 22/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc Quy định hệ thống tiêu chí của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Sự kiện quốc tế
Ngày 20/12/1917: Ủy ban Đặc biệt toàn Nga (Cheka), cơ quan mật vụ của nước Nga Xô Viết, được thành lập.
Ngày 20/12/1991: Hội nghị Alma Ata tuyên bố thành lập Cộng đồng các quốc gia có chủ quyền (SNG).
Ngày 20/12/1999: Bồ Đào Nha chuyển giao chủ quyền Ma Cao cho Trung Quốc.
Ngày 20/12/2005: Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tuyên bố lấy ngày 20/12 hằng năm để kỷ niệm Ngày quốc tế đoàn kết nhân loại.
Ảnh minh họa |
Việc lựa chọn Ngày quốc tế đoàn kết nhân loại nằm trong chuỗi hoạt động về tuyên bố thiên niên kỷ. Trong 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, có 1 mục tiêu nhấn mạnh vào tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu.
Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 20/12/1956: Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 283-SL, tặng thưởng Huân chương Độc lập cho 6 cá nhân, Huân chương Kháng chiến cho 22 cá nhân và đơn vị đã lập nhiều thành tích trong thời kỳ hoạt động bí mật và trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
Ngày 20/12/1959: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ khai mạc Đại hội thể dục, thể thao toàn quân lần thứ nhất tại Sân vận động Hàng Đẫy (Hà Nội).
Ngày 20/12/1961: Bác đến thăm và nói chuyện với Đại hội lần thứ hai của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam - Ảnh: tuoitrehuongthuy.thuathienhue.gov.vn |
Bài nói tập trung vào chủ đề “Bác rất yêu quý thanh niên... Bác rất yêu mến thanh niên. Vì thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai - tức là các cháu nhi đồng. Vì thanh niên là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hoá... Vì thanh niên là lực lượng cơ bản trong quân đội, công an và dân quân tự vệ, đang hăng hái giữ gìn trật tự, trị an, bảo vệ Tổ quốc. Vì trong mọi công việc, thanh niên thi đua thực hiện khẩu hiệu: “Đâu cần, thanh niên có; việc gì khó, thanh niên làm”... Thanh niên ta có vinh dự to thì cũng có trách nhiệm lớn..”.
Ngày 20/12/1962: Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài viết “Tổng Ken rúc vào hầm tối” ký bút danh T.L, đăng Báo Nhân Dân, số 3191. Dẫn lời thú nhận của các quan chức và báo chí Mỹ về những thất bại liên tiếp và tình trạng bế tắc của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam, tác giả cảnh cáo: “Nếu Tổng Ken muốn chui ra khỏi cái đường hầm đầy tội ác, y chỉ có một cách là ra lệnh cho quân đội Mỹ cút khỏi miền Nam Việt Nam”.
Ngày 20/12/1963: Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của các nhà báo Liên Xô nhân dịp kỷ niệm ba năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Người nêu rõ: “Do sự đoàn kết chặt chẽ và chiến đấu anh dũng của mình và sự nhiệt tình ủng hộ của nhân dân yêu chuộng chính nghĩa và hòa bình trên thế giới, nhân dân miền Nam Việt Nam nhất định sẽ thắng lợi, đế quốc Mỹ và bọn tay sai nhất định sẽ thất bại.
Để giải quyết vấn đề miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ phải rút khỏi xứ đó và để nhân dân Việt Nam tự giải quyết lấy công việc nội bộ của mình theo Hiệp định Geneve năm 1954”.
Nguyễn Ngọc