Nghề ‘ăn cơm đứng’ mang về hàng chục triệu USD cho Lâm Đồng

26/11/2024 - 19:08
(Bankviet.com) Ngành dâu tằm Lâm Đồng mang về hơn 40 triệu USD từ xuất khẩu tơ thô năm 2024, tiếp tục khẳng định vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại hiệu quả cao.

Theo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, dự kiến trong năm 2024, tỉnh sẽ sản xuất khoảng 16.000 tấn kén tằm, đạt 92% kế hoạch và tăng 4,5% so với năm 2023. Số lượng kén này được sử dụng chủ yếu trong các doanh nghiệp xe tơ của tỉnh, sản xuất tơ thô phục vụ xuất khẩu, mang lại giá trị trên 40 triệu USD tính đến giữa tháng 11/2024.

Tơ thô Lâm Đồng hiện là một trong những mặt hàng xuất khẩu nông sản quan trọng của tỉnh. Thị trường xuất khẩu chủ yếu bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc và một số nước châu Âu.

Ngoài ra, tơ thô còn được sử dụng để sản xuất vải tơ tằm phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Toàn tỉnh hiện có khoảng 630 hộ dân tham gia các dự án liên kết sản xuất dâu tằm, giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Ngành dâu tằm Lâm Đồng mang về hơn 40 triệu USD từ xuất khẩu tơ thô năm 2024
Ngành dâu tằm Lâm Đồng mang về hơn 40 triệu USD từ xuất khẩu tơ thô năm 2024

Ngành dâu tằm tại Lâm Đồng phát triển mạnh mẽ nhờ Đề án phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ giai đoạn 2019-2023, được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1371/QĐ-UBND.

Đến nay, Lâm Đồng dẫn đầu cả nước với 70% diện tích trồng dâu và trên 80% sản lượng kén tằm cả nước. Năm 2023, diện tích trồng dâu đạt khoảng 9.800 ha, sản lượng lá dâu ước đạt 247.000 tấn, và sản lượng kén đạt 16.000 tấn. Cả tỉnh có khoảng 16.000 hộ nông dân tham gia trồng dâu nuôi tằm, cùng 45 tổ hợp tác, 12 hợp tác xã và 5 làng nghề.

Cơ sở hạ tầng phục vụ ngành dâu tằm đã được đầu tư bài bản với hàng chục cơ sở ươm tơ hiện đại, công suất cao, đảm bảo chất lượng đáp ứng cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Công nghiệp chế biến tơ lụa tại Lâm Đồng sản xuất hơn 5 triệu mét lụa mộc/năm và khoảng 200.000 sản phẩm may từ lụa tơ tằm, tạo việc làm cho khoảng 2.000 lao động.

Thị trường xuất khẩu của tơ tằm và các sản phẩm từ tơ Lâm Đồng tập trung vào các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Bangladesh, Nhật Bản và Đài Loan. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu tơ, sợi dệt và vải từng đạt mức 180 triệu USD, đứng thứ hai sau ngành cà phê.

Doanh thu từ ngành dâu tằm đạt 350-400 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận đạt khoảng 50% doanh thu, cao gấp nhiều lần một số loại cây trồng công nghiệp khác.

Tại các huyện Lâm Hà, Đức Trọng, nông dân Lâm Đồng với nhiều năm duy trì nghề ‘ăn cơm đứng’ đều đặn có thu nhập cao, trở thành hình mẫu về phát triển bền vững trong nông nghiệp, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế chung của địa phương.

Trên phạm vi cả nước, dữ liệu của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) công bố tại Hội nghị phát triển bền vừng ngành dâu tằm vào cuối năm 2023 cho thấy, Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về ngành dâu tằm, sau Trung Quốc, Ấn Độ, Uzbekistan và Thái Lan.

Khu vực Tây Nguyên, với 'đầu tàu Lâm Đồng' là thủ phủ ngành dâu tằm cả nước.

37.000 tỷ đồng cho dự án cao tốc kết nối Đồng Nai và Lâm Đồng, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027

Hai cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương dự kiến khởi công vào quý IV/2024 với tổng vốn đầu ...

Lâm Đồng điều chỉnh chủ trương đầu tư cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương, giảm gần 1.000 tỷ đồng vốn đầu tư

HĐND tỉnh Lâm Đồng thông qua điều chỉnh đầu tư cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương, giảm tổng mức đầu tư từ 19.521 tỷ ...

Kiều Linh

Kiều Linh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán