Theo Nghị định vừa được ban hành, nhiều điều khoản quan trọng liên quan đến điều kiện cho vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước đã được Chính phủ điều chỉnh. Trong đó, đáng lưu ý nhất là việc Chính phủ cho phép cơ quan thực thi chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước (Ngân hàng Phát triển Việt Nam - VDB) được quyết định mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước đảm bảo nguyên tắc đủ bù đắp chi phí huy động vốn, chi hoạt động bộ máy và chi phí trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ vay, nhưng không thấp hơn 85% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước trong cùng thời kỳ.
Quy định về lãi suất cho vay tại Nghị định số 78/2023/NĐ-CP đã làm thay đổi một cách căn bản phương pháp xác định lãi suất cho vay được quy định trước đó tại Nghị định số 32/2017/NĐ-CP mà theo đó, lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước được Ngân hàng Phát triển Việt Nam xác định và công bố mức bằng mức lãi suất bình quân gia quyền của các mức lãi suất trúng thầu trái phiếu Ngân hàng Phát triển Việt Nam được Chính phủ bảo lãnh kỳ hạn 5 năm trong thời gian 1 năm trước thời điểm công bố lãi suất cộng (+) tỷ lệ chi phí quản lý hoạt động và dự phòng rủi ro của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Với phương pháp xác định lãi suất được quy định tại Nghị định số 32/2017/NĐ-CP, Ngân hàng Phát triển Việt Nam không thể tiến hành cho vay đối với các dự án thuộc danh mục dự án vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định này do các cơ quan có thẩm quyền chưa quyết định tỷ lệ chi phí quản lý hoạt động và dự phòng rủi ro làm cơ sở để Ngân hàng Phát triển Việt Nam xác định lãi suất cho vay.
Hệ quả là, từ khi Nghị định số 32/2017/NĐ-CP có hiệu lực (ngày 15/5/2017) đến nay, Ngân hàng Phát triển Việt Nam chỉ tiếp tục giải ngân vốn vay đối với các dự án đã được ký hợp đồng tín dụng từ trước mà không ký thêm hợp đồng tín dụng để cho vay đối với các dự án khác. Điều này giải thích vì sao quy mô cho vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước liên tục sụt giảm trong thời gian qua. Tính đến hết tháng 10/2023, dư nợ cho vay nguồn vốn này tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam chỉ còn lại bằng 41,23% so với dư nợ tại thời điểm cuối năm 2016 (Hình 1).
Hình 1. Quy mô cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước giai đoạn 2016-2023
Để khắc phục tình trạng này, tại Nghị định số 78/2023/NĐ-CP vừa được ban hành, Chính phủ cho phép Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước trên nguyên tắc bù đắp được chi phí nhưng không thấp hơn 85% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp trước ngày 25/01 hằng năm. Trường hợp trong năm có biến động lớn về lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại trong nước, Ngân hàng Phát triển Việt Nam báo cáo Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước tại thời điểm đề nghị để quyết định điều chỉnh mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước.
Với sự thay đổi phương pháp xác định lãi suất cho vay, cùng với những quy định cởi mở hơn về một số điều kiện tín dụng liên quan (về thời hạn cho vay, bảo đảm tiền vay, giới hạn tín dụng…) cũng như thẩm quyền của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (trong việc quyết định cho vay, xử lý rủi ro, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi tiền vay hoặc quyết định việc giải ngân vốn vay đối với khách hàng có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng…) theo quy định tại Nghị định số 78/2023/NĐ-CP, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước được kỳ vọng sẽ trở nên thuận tiện hơn đối với các khách hàng có dự án đầu tư thuộc danh mục được Chính phủ quy định. Đây cũng là một tiền đề quan trọng nhằm mở rộng quy mô cho vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước nhằm hỗ trợ tốt hơn nhu cầu đầu tư phát triển của nền kinh tế phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đã được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định.
TS. Nguyễn Cảnh Hiệp