Hàng ngày, những ống xả thải phun nước thải từ các hồ nuôi thủy sản chảy thẳng ra biển không qua hệ thống lọc khiến mùi hôi “bủa vây” bãi tắm cộng đồng. Chưa kể, tình trạng hút cát, xả thải ngay sát chân đê gây nguy cơ tình trạng xói lở bờ biển gia tăng.
Nước thải từ các hồ nuôi thủy sản xả thẳng ra môi trường, bốc mùi hôi thối và làm biến dạng cả một bãi cát dài. Ảnh: Minh Tân |
Nước thải “bủa vây” bãi tắm
Được xem là một trong những bãi tắm đẹp của huyện Vĩnh Linh cũng như của tỉnh Quảng Trị, thế nhưng, bãi tắm cộng đồng Vĩnh Thái đang bị tác động xấu bởi bàn tay con người. Ngay khu vực các hàng quán sầm uất nhất (tại thôn Thái Lai, xã Vĩnh Thái) phục vụ các dịch vụ tắm biển, nghỉ ngơi, ăn uống đang bị “bủa vây” bởi các nguồn nước thải.
Chỉ cách phía Bắc bãi tắm hơn 100m là hàng loạt ao nuôi tôm, ốc hương đang xả nước thải từ ao nuôi ra biển mà không qua hồ xử lý trước khi thải ra môi trường. Ngay một đường ống chỉ cách chân đê biển chưa đến 10m, nước thải chảy với cường độ lớn có màu xanh đen, bốc mùi hôi thối. Khi thủy triều dâng đẩy nguồn nước bẩn này lên tận khu vực bãi cát trước bãi tắm đọng thành từng vũng lớn. Lâu ngày, những vũng nước này đọng lại thành màu đen, cợn bẩn và bốc mùi hôi nồng nặc.
Nguồn nước từ các ống xả thải nuôi thủy sản không qua xử lý được thải trực tiếp ra môi trường. Ảnh: Minh Tân |
Chỉ vài chục mét dọc theo chân đê biển, là hàng loạt đường ống lớn nhỏ. Số được đưa thẳng ra vùng biển để hút nước, cát, còn lại đa phần là những ống xả thải nằm trên bãi cát đủ loại kích cỡ khác nhau. Nguồn nước thải không chỉ khiến cả một vùng bị ô nhiễm mà còn gây xói lở nghiêm trọng cả bãi cát phía gần đê chắn sóng, có nơi cát bị xói lở độ sâu từ 40-50cm.
“Mấy năm nay, bãi tắm cộng đồng ở thôn Thái Lai, xã Vĩnh Thái chúng tôi đầu tư hàng quán và nhờ bãi biển đẹp, trong lành đã thu hút một lượng lớn khách du lịch về đây. Dịp lễ, ngày hè có hàng nghìn lượt khách đến tắm biển, ăn uống. Tuy nhiên chúng tôi ngày càng lo ngại khi tình hình hút cát nuôi ốc hương, rồi xả thải đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến bãi tắm này”, bà L.T.N (chủ một cơ sở kinh doanh ở bãi tắm Thái Lai, xã Vĩnh Thái) bức xúc.
Không chỉ gây biến dạng bờ biển mà việc xả thải ngay trên bãi cát đã gây biến dạng bờ biển, tạo nên những hố nước đen kịt và bốc mùi hôi thối. Ảnh: Minh Tân |
Cách đó không xa, bãi tắm trên địa bàn thôn Tân Mạch cũng ảnh hưởng tương tự. Với hàng loạt hồ nuôi tôm, ốc hương đã ảnh hưởng đến khu vực bãi tắm này. Có mặt tại một khu vực hồ nuôi, các chủ hồ đang liên tục hút thay một lớp cát mới để nuôi ốc hương. Bên cạnh 2 ống xả thải đang liên tục đổ ra bãi biển là 2 máy hút nước, cát đang chờ hoạt động. Với lượng nước xả thải lớn, ngay phía bãi tắm đọng lại một hồ nước lớn đen kịt mà bốc mùi hôi.
Nỗi lo bờ biển biến dạng
Trong khi đó, nguồn thải từ các hồ nuôi thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm công nghiệp có một lượng chất thải hữu cơ khá lớn từ thức ăn dư thừa, chất kháng sinh, thuốc… không được xử lý lại trực tiếp xả thải ra môi trường. Một số hộ dân thôn Thái Lai cũng khẳng định, chính vì thế nước thải từ các hồ nuôi thủy sản có màu xanh đen và hôi thối loang cả vùng biển. Đặc biệt, nhiều người dân tắm biển ở đây bị lên mẩn, xót nên không dám tắm ở bãi biển này dù đây là vùng quy hoạch phát triển du lịch biển.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái Nguyễn Hữu Trường cho biết, trên địa bàn xã có trên 17 ha nuôi thủy sản, tập trung tại các thôn Thái Lai, Tân Hòa, Tân Thuận, Tân Mạch. Và đa phần là người dân ở ngoài địa bàn đến thuê đất hoặc thuê lại hồ của người dân nơi đây để nuôi trồng thủy sản, trong đó chủ yếu là nuôi tôm công nghiệp.
“Mặc dù theo quy định thì những hồ nuôi thủy sản phải xử lý nước thải trước khi xả thải ra môi trường nhưng thực tế thì một số hồ nuôi họ xả thải trực tiếp ra bờ biển. Bên cạnh đó, đáng lẽ họ phải sử dụng đường ống xả nối thẳng ra biển, không được phép xả thải trên bờ. Tuy nhiên, một số hộ vẫn không chấp hành mà xả gần đê”, ông Trường cho hay.
Tình trạng xả thải, hút cát để nuôi ốc hương đã và đang tác động xấu đến bãi tắm cộng đồng. Ảnh: Minh Tân |
Dù nắm được thông tin tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường không qua xử lý, thế nhưng theo ông Trường, việc kiểm tra chất lượng nguồn nước thải thì xã không đủ khả năng cũng như thẩm quyền. Thế nên, UBND xã cũng chỉ kiểm tra, nhắc nhở các hộ nuôi thủy sản thực hiện việc xử lý nước thải trước khi xả ra biển. Đồng thời, yêu cầu các hộ nuôi thủy sản nối thêm ống, không được xả trên bãi cát, gần đê biển gây nguy cơ xói lở. Tuy vậy, tình trạng trên vẫn diễn ra gây bức xúc cho người dân địa phương cũng như hàng chục hộ kinh doanh dịch vụ, ăn uống tại các khu vực bãi tắm.
Theo ông Trường, những năm gần đây một số hồ nuôi tôm trên địa bàn xã, trong đó có thôn Thái Lai không hiệu quả nên chủ hồ chuyển sang nuôi ốc hương. Để cải tạo lòng hồ, các chủ hồ đã tự ý hút cát từ biển vào, việc này đã tác động xấu đến các khu vực bãi tắm, đặc biệt vào mùa mưa lũ.
Việc xả thải ngay gần chân đê chắn sóng gây xói lở và an toàn đê điều khi mùa mưa bão về. Ảnh: Minh Tân |
“Chúng tôi đã nắm thông tin phản ánh của người dân qua điện thoại. Do vừa rồi có đoàn sở, ngành liên quan tiến hành kiểm tra vấn đề môi trường tại khu vực trên nhưng hiện chưa có văn bản kết luận. Sau khi có văn bản trên, xã sẽ nghiên cứu để kiến nghị bằng văn bản trình cấp trên để xử lý đối với tình trạng đang tác động xấu đến bãi tắm trên địa bàn”, ông Trường cho biết thêm.
Có thể thấy, trong những năm qua, hàng chục tỷ đồng nguồn ngân sách đã được đầu tư vào khu vực bãi tắm cộng đồng Vĩnh Thái, nhằm tạo điểm đến thu hút khách trong và ngoài nước cũng như thúc đẩy ngành du lịch - dịch vụ của địa phương. Tuy nhiên, với những gì đã và đang diễn ra khiến một bãi tắm đẹp của tỉnh Quảng Trị đang dần bị biến dạng bởi tình trạng xả thải, tác động của con người không được kiểm soát, xử lý.
thanhtra.com.vn