Thông thường, nhu cầu đổi tiền mới sẽ tăng cao nhất vào cuối năm do người dân muốn có tiền mới để mừng tuổi. Ngoài ra, trong năm, hoạt động đổi tiền vẫn diễn ra âm thầm với quy mô nhỏ hơn do nhu cầu sử dụng tiền mới vào các hoạt động để đi lễ chùa. Thậm chí, với sự phát triển của internet, dịch vụ đổi tiền mới, tiền mệnh giá nhỏ nở rộ với quảng cáo mệnh giá nào cũng có, muốn đổi bao nhiều cũng được với dịch vụ trọn gói, đổi tiền, giao tận nhà.
Tuy nhiên, dịch vụ đổi tiền như vậy đem lại nhiều rủi ro mà người dân cần cẩn trọng.
Mới đây nhất, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Ngọc Kiên (SN 1995, ở Hà Nội) vì đã có hành vi lừa đảo đổi hàng tỷ đồng tiền mới.
Theo đó, trong khoảng thời gian từ ngày 30/1/2021 đến ngày 24/3/2021, Cơ quan điều tra Công an quận Ba Đình (Hà Nội) nhận được đơn của nhiều người tố cáo Nguyễn Ngọc Kiên có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc đổi tiền mới có mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng, 100.000 đồng trong dịp Tết Nguyên đán năm 2021.
Qua điều tra, cơ quan công an xác định: Từ tháng 10/2020, Nguyễn Ngọc Kiên mở tài khoản tham gia chơi sàn giao dịch Wefinex (dự đoán giao dịch tiền ảo – sự lên xuống của đồng Bitcoin) trên mạng Internet nhưng bị thua lỗ. Dù biết chủ trương của Ngân hàng Nhà nước cấm đổi tiền mới nhưng do cần tiền để tiếp tục chơi sàn giao dịch Wefinex nên Kiên đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền thông qua việc đổi tiền mới.
Nguyễn Ngọc Kiên nói với các đồng nghiệp bản thân Kiên có thể đổi được tiền mới có mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng, 100.000 đồng vào dịp Tết Nguyên đán năm 2021. Kiên thông báo, ai có nhu cầu thì sẽ chuyển tiền trước vào tài khoản của Kiên để Kiên đổi hộ (không mất phí đổi). Kiên hứa hẹn sau từ 2-7 ngày sẽ đổi được tiền mới cho các đồng nghiệp.
Đến ngày hẹn nếu đồng nghiệp nào hỏi, giục nhiều lần đòi tiền đổi thì Kiên vào mạng Internet tìm người đổi tiền mới (Kiên không biết tên tuổi, địa chỉ) mất phí đổi theo thỏa thuận để Kiên trả lại đồng nghiệp đó một phần tiền đổi. Sau đó, Kiên lại hứa hẹn để các đồng nghiệp khác tin tưởng Kiên có khả năng đổi được tiền mới và tiếp tục chuyển tiền cho Kiên.
Bằng thủ đoạn trên, từ tháng 12/2020 đến cuối tháng 1/2021, Nguyễn Ngọc Kiên đã chiếm đoạt của 17 đồng nghiệp với tổng số tiền hơn 4,3 tỷ đồng.
Trong đó, anh Nguyễn Đình N. (SN 1986) nhờ Kiên đổi hơn 1 tỷ đồng tiền mới. Đến hẹn không thấy Kiên giao tiền mới, anh N. giục nhiều lần thì Kiên vào mạng Internet liên hệ tìm người có tiền mới để đổi và trả lại anh N. được tổng số 55 triệu đồng tiền mới. Số tiền còn lại hơn 1 tỷ đồng, Kiên đã sử dụng để nạp vào tài khoản của mình để chơi sàn giao dịch Wefinex.
Bị Kiên lừa nhiều tiền nhất trong số các bị hại là anh Lê Hồng P. (SN 1977) với số tiền 1,5 tỷ đồng. Số tiền đã nhận của các bị hại đều được Kiên sử dụng để nạp tiền vào tài khoản, chơi sàn giao dịch Wefinex nhưng bị thua lỗ hết. Hiện Kiên không có khả năng trả lại tiền.
Ngoài ra, việc đổi tiền mới mệnh giá nhỏ còn có nhiều rủi ro khác như chuyển khoản trước nhưng không nhận được tiền mới, đổi thiếu tiền, sử dụng tiền bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc hay thậm chí là tiền giả. Tuy nhiên, do số tiền bị mất không lớn, lại tham gia hoạt động bị cấm nên nhiều người chấp nhận thiệt hại, không tố cáo.
Cơ quan công an đã khuyến cáo người dân cảnh giác trước thủ đoạn đổi tiền mới, kẻ gian hoạt động trong lĩnh vực này thường sử dụng các trang mạng xã hội, mạng điện tử để quảng cáo, tiếp cận những người đang có nhu cầu đổi tiền. Sau khi đạt được thỏa thuận đổi tiền, những đối tượng này yêu cầu người muốn đổi tiền phải chuyển khoản ngân hàng trước, sau đó cắt đứt liên lạc và không đổi tiền theo thoả thuận. Đồng thời, cảnh báo việc đánh tráo tiền giả hoặc đưa tiền không đủ cũng được kẻ gian thực hiện trong khi đổi tiền cho khách hàng.
Ngân hàng Nhà nước cũng thường xuyên tuyên truyền cho người dân hiểu đúng về vai trò của tiền mệnh giá nhỏ, hạn chế in thêm tiền mới mệnh giá nhỏ để tiết kiệm ngân sách. Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường phát hiện và xử lý các hành vi đổi tiền lẻ trái quy định của pháp luật.
Được biết, theo Nghị định 88/2019/NÐ-CP xử phạt vi phạm quy định về quản lý tiền tệ và kho quỹ, việc đổi tiền lẻ kiếm lời ăn phí chênh lệch là hành vi trái pháp luật và có thể bị phạt tiền. Cụ thể, tại điểm a Khoản 5 Ðiều 30 Nghị định 88/2019/NÐ-CP quy định phạt tiền từ 20 đến 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Ðây là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân, trong khi mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân (điểm b Khoản 3 Ðiều 3 Nghị định 88).
Bùi Trang
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ