Nguyên nhân nào khiến giá gạo Thái Lan tăng liên tục?

30/11/2023 - 23:05
(Bankviet.com) Trong vòng chưa đầy 3 tuần, giá gạo của Thái Lan đã liên tục tăng đến 100 USD/tấn, trong khi giá gạo Việt Nam vẫn đứng yên ở mốc 658 USD/tấn.
Giá gạo Việt “nóng” trở lại, tiếp tục tăng 10 USD/tấn Lý do giá gạo thế giới “đột ngột” tăng trở lại Cú sốc giá gạo toàn cầu và an ninh lương thực ở ASEAN

Giá gạo Thái Lan đang có sự biến động mạnh trong những ngày gần đây khi liên tục được điều chỉnh tăng.

Theo thông tin của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) trong ngày 29/11, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của nước này đã được điều chỉnh tăng lên mức 640 USD/tấn, tăng 27 USD so với ngày 28/11 và tăng đến 38 USD so với ngày 22/11. Và nếu tính từ đầu tháng 11 tới nay, giá gạo của Thái Lan đã tăng gần 100 USD.

Ngoài gạo 5% tấm thì gạo ở hai phân khúc khác của nước này là 25% tấm và 100% tấm cũng được điều chỉnh tăng tương ứng khoảng 30 - 40 USD/tấn trong vòng 2 tuần trở lại đây.

1026-lua-gao
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện giữ nguyên giá ở mốc 658 USD/tấn

Trong khi giá gạo Thái Lan tăng thì gạo Việt Nam vẫn giữ nguyên mức giá 658 USD/tấn trong khoảng 1 tháng trở lại đây- theo cập nhật của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (thời điểm 21/11 giá gạo Việt Nam tăng 10 USD, lên 663 USD/tấn nhưng ngay sau đó đã giảm lại mức 658 USD/tấn).

Với mức giá hiện tại, gạo 5% tấm của Thái Lan đang áp sát gạo cùng phẩm cấp của Việt Nam khi rút ngắn khoảng cách xuống còn 18 USD/ tấn (gạo Việt Nam hiện ở mức 658 USD/tấn).

Lý giải nguyên nhân giá gạo Thái Lan tăng vọt, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho rằng, do nhu cầu của thị trường lớn. Cụ thể là Philippines gần đây ra yêu cầu các thương nhân phải mua thêm 1 triệu tấn gạo trong những ngày còn lại của năm 2023, doanh nghiệp nào không thực hiện sẽ bị đưa vào “danh sách đen”.

Ngoài ra, nhiều nước khác như Indonesia, Bờ Biển Ngà… cũng tăng nhu cầu nhập khẩu gạo dự trữ.

Một yếu tố khác, theo các chuyên gia là do Chính phủ Thái Lan triển khai chính sách hỗ trợ vốn và lãi suất cho người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp tạm trữ lúa gạo. Điều này làm cho nguồn cung hạn chế vì người dân và doanh nghiệp không có nhu cầu bán gạo ngay sau khi thu hoạch.

Cuối cùng, thị trường xuất khẩu gạo Thái Lan bị tác động mạnh bởi đồng baht đang suy yếu so với USD. Hiện 1 USD đổi được khoảng 37 baht trong khi tuần trước mới chỉ 35 baht; đồng tiền suy yếu cũng góp phần làm gạo Thái Lan tăng giá đáng kể.

Với gạo Việt Nam, gần như suốt 1 tháng nay không có biến động nhưng vẫn giữ ở mức cao do nguồn cung hạn chế và các doanh nghiệp hầu như không dám ký kết hợp đồng mới. Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại TP. Hồ Chí Minh cho hay, suốt thời gian gạo Việt ở mức cao và tăng vượt Thái Lan đã dẫn tới tình trạng nhà nhập khẩu đã tìm đến các thị trường có giá tốt, chất lượng bảo đảm.

“Giá gạo 5% tấm của Thái Lan dù đã lên mức 640 USD/tấn nhưng cơ bản vẫn rẻ hơn Việt Nam nên khách hàng chọn mua từ Thái Lan nhiều. Riêng với Việt Nam, ngoài giá cao thì nguồn cung hiện cũng hạn chế khiến doanh nghiệp dè dặt hơn trong ký kết hợp đồng mới. Từ đó khiến giá không biến động”- đại diện doanh nghiệp này chia sẻ.

Mai Ca

Theo: Báo Công Thương