Thách thức tăng trưởng 6,5%
Tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội ngày 25/5, nhiều đại biểu đã nhắc tới những khó khăn lớn mà nền kinh tế đang phải đối mặt, sau khi đã có được những nỗ lực để có được mức tăng trưởng quý I/2023 là 3,82%. Kết quả này dù trên nền thấp của cùng kỳ năm ngoái, nhưng trong bối cảnh khó khăn rất lớn của kinh tế thế giới thì là kết quả khá tốt.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp |
Tuy vậy, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh hiện tại, thách thức phía trước rất lớn, nhất là việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% của năm 2023.
“Để đạt được tăng trưởng 7% hoặc trên 7% trong các quý tới là rất khó” - Bộ trưởng nói, đồng thời cho biết, chưa điều chỉnh chỉ tiêu này, vì phải nỗ lực phấn đấu, tìm giải pháp, tìm cơ hội để bù đắp, chứ điều chỉnh ngay sẽ mất động lực phấn đấu.
Trong báo cáo của Chính phủ đã nêu, suốt năm 2022 và đầu năm nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực, ban hành nhiều nghị quyết, công điện, chỉ thị để tháo gỡ ách tắc, khó khăn, để có cơ sở pháp lý giải quyết được tồn tại, hạn chế, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng.
Quốc hội cũng rất ủng hộ, Chính phủ quyết liệt, chủ động, các địa phương cũng rất nỗ lực, doanh nghiệp, người dân cũng cố gắng, nhưng tình hình vẫn chậm.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhắc lại, trước đây, các đại biểu hay chất vấn Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư về chậm giải ngân đầu tư công, nhưng giờ phân cấp hết cho các địa phương, từ chọn dự án, lập thủ tục, đề xuất, phân bổ chi tiết đến thực hiện giải ngân, giải phóng mặt bằng... Bộ chỉ còn làm công tác tổng hợp.
“Mong các đại biểu giám sát ngay địa phương mình, để làm rõ vì sao cùng thể chế như nhau sao có địa phương làm tốt, có nơi không tốt. Nghĩa là nhiều vấn đề ở tổ chức thực hiện chứ không nằm ở pháp luật” - Bộ trưởng bày tỏ quan điểm.
Liên quan đến những chồng chéo, không rõ ràng của hệ thống pháp luật, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ, các bộ ngành đang tập trung rà soát, có nhiều đề xuất và được Quốc hội ủng hộ, như các cơ chế đặc thù, đặc biệt để tháo gỡ nhanh vướng mắc. Nhưng vấn đề thực thi là địa phương, nhất là người đứng đầu.
"Rất cần sự tham gia giám sát, đôn đốc của các vị đại biểu Quốc hội tại địa phương, để cùng với Chính phủ thúc đẩy tốc độ tháo gỡ khó khăn. Nếu chỉ một Bộ Kế hoạch và Đầu tư hay Chính phủ thôi sẽ rất khó” - Bộ trưởng chia sẻ.
Doanh nghiệp khó đủ đường
Nói về những thách thức lớn nhất của doanh nghiệp hiện tại, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, doanh nghiệp đang gặp khó về dòng tiền, thị trường, đơn hàng và khả năng hấp thụ vốn. Những khó khăn từ thị trường thế giới, từ năng lực cạnh tranh nội tại, như năng suất lao động, khả năng chống chịu chưa thể cải thiện nhanh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh đến khó khăn rất lớn hiện tại là ách tắc thủ tục hành chính, nhiều doanh nghiệp đang kêu ca, lo ngại về tình hình thực hiện các thủ tục rất chậm ở nhiều địa phương, nhất là trong bối cảnh có tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy, làm chậm tiến độ giải quyết công việc.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nếu không giải quyết nhanh vấn đề này thì hoạt động của doanh nghiệp bị cản trở, doanh nghiệp sẽ khó khăn. Mà doanh nghiệp khó thì sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế.
“Mong các đại biểu ở các đoàn giám sát ngay các công việc ở địa phương, để qua giám sát, ý kiến của các đại biểu quốc hội, các địa phương cải thiện thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ lo ngại về môi trường kinh doanh vừa qua làm tốt, cắt giảm hàng ngàn điều kiện kinh doanh, cắt giảm nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng bây giờ, ở đâu đó, các chính sách mới ban hành lại xuất hiện rào cản mới, thủ tục mới.
“Ở địa phương phối hợp không chặt chẽ, lấy ý kiến các ngành nhiều quá, nhiều cái không cần thiết, không đúng. Cần chấn chỉnh ngay thì mới hỗ trợ được doanh nghiệp” - Bộ trưởng kiến nghị.
Quỳnh Nga - Thu Hường