Nhiều đối tác Shopee nguy cơ vỡ nợ (bài 3): Cần thanh tra toàn diện Shopee

01/05/2024 - 23:24
(Bankviet.com) Một số luật sư cho rằng, cần thanh tra toàn diện hoạt động của Shopee để xác định các vấn đề cụ thể, đánh giá mức độ tuân thủ và tìm ra các giải pháp cần thiết.
Nhiều đối tác Shopee nguy cơ vỡ nợ (bài 1): Lãi không đủ nộp thuế Nhiều đối tác Shopee nguy cơ vỡ nợ (bài 2): ‘‘Quả bóng’’ tới chân ngành Thuế

Thiếu rạch ròi trong hợp tác tiếp thị

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh những lùm xùm liên quan tới hoạt động kê khai thuế của Công ty TNHH Shopee (sàn Shopee) vừa qua, Luật sư Võ Đình Đức, Phó giám đốc SeaLaw Group cho biết, tiếp thị liên kết là thuật ngữ hoàn toàn mới theo pháp luật Việt Nam dưới góc độ luật chuyên ngành thương mại, quảng cáo... và cả dưới góc độ Bộ luật Dân sự nói chung.

Theo Luật sư Võ Đình Đức, bản chất tiếp thị liên kết là một hình thức hợp tác giữa cá nhân tổ chức cần quảng cáo và các cá nhân tổ chức liên quan. Những người làm tiếp thị liên kết bản chất họ làm dịch vụ dẫn tới nguồn quảng cáo mà không phải họ làm quảng cáo. Do đó, góc độ pháp lý ở đây vẫn là sự thỏa thuận rõ ràng bằng văn bản hoặc các hình thức tương tự với nhau.

Nhiều đối tác Shopee nguy cơ vỡ nợ (bài 3): Cần thanh tra toàn diện Shopee
Luật sư Võ Đình Đức đánh giá, nếu Shopee không kê khai là lao động sẽ không có hình thức hợp thức hóa chi phí doanh nghiệp.

“Về bản chất như đã phân tích ở trên, quan hệ pháp luật trong trường hợp này xuất phát từ sự thỏa thuận giữa nhà quảng cáo và cá nhân tổ chức làm tiếp thị liên kết. Về pháp lý Shopee đang đúng khi có thể họ áp dụng quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 2 Thông tư số 40/2021 của Bộ Tài chính và những quy định khác tại thông tư này. Tuy nhiên, chủ thể này đang có quan hệ hợp tác kinh doanh với cơ quan tổ chức là Shopee. Có chăng Shopee và các nhà tiếp thị liên kết không rạch ròi quan hệ và phạm vi trách nhiệm kê khai khi phát sinh mức thuế suất vượt quá lợi nhuận mang về”, Luật sư Võ Đình Đức phân tích.

Luật sư Võ Đình Đức cho rằng, bản thân Shopee cũng bị thiệt khi các cá nhân làm tiếp thị liên kết không đăng ký kinh doanh dẫn tới thiếu các căn cứ về chi phí, hóa đơn đầu vào trong hoạt động quảng cáo.“Nếu không kê khai là lao động sẽ không có hình thức hợp thức hóa chi phí doanh nghiệp”, Luật sư Võ Đình Đức nhận định.

Luật sư Võ Đình Đức cho biết thêm, các doanh nghiệp làm tiếp thị liên kết với Shopee hay các sàn thương mại điện tử, họ sẽ có hóa đơn và khi đó họ xuất hóa đơn VAT cho Shopee khi nhận được tiền từ hoạt động liên kết. Doanh nghiệp hợp tác và doanh nghiệp trả tiền tiếp thị đều chứng minh được các chi phí hợp lệ mà pháp luật thuế quy định. Ngược lại với một tư cách cá nhân hoàn toàn khác, không có khả năng xuất hóa đơn cho công ty tiếp thị liên kết, họ không chứng minh được chi phí hợp lệ.

Những cá nhân cho rằng họ chỉ có 10% đến 15% lợi nhuận do phải chạy quảng cáo hay chia s các chi phí liên quan nhưng họ không chứng minh được các chi phí đó cho hoạt động kinh doanh mang lại lợi nhuận, mà vì mục đích hình ảnh cá nhân thì đương nhiên sẽ không được xem là chi phí”, Luật sư Võ Đình Đức chỉ ra bất cập.

Shopee cần minh bạch và tuân thủ pháp luật về thuế

Đồng quan điểm, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho biết, loại hình tiếp thị liên kết được điều chỉnh bởi nhiều luật bao gồm: Luật Doanh nghiệp, Luật Quảng cáo, Luật Cạnh tranh và các quy định về bảo vệ người tiêu dùng và quy định về thuế.

Theo luật sư Bình, đối với hình thức kinh doanh tiếp thị liên kết, pháp luật Việt Nam chưa có biểu mẫu cụ thể quy định cho việc này. Tuy nhiên, thông thường các hợp đồng hoặc thỏa thuận giữa Shopee và các đối tác cá nhân tham gia chương trình liên kết sẽ là căn cứ để xác định các thông tin cần kê khai khi nộp thuế.

Nhiều đối tác Shopee nguy cơ vỡ nợ (bài 3): Cần thanh tra toàn diện Shopee
Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, cần thanh tra toàn diện hoạt động của Shopee để xác định các vấn đề cụ thể, đánh giá mức độ tuân thủ và tìm ra các giải pháp cần thiết.

Cụ thể, trong bảng kê khai nộp thuế, Shopee cần ghi rõ thông tin về các khoản thu nhập từ hoạt động tiếp thị liên kết và phân loại chúng theo quy định của luật quản lý thuế.

Cũng theo luật sư Diệp Năng Bình, trong trường hợp Shopee hợp tác với các đối tác cá nhân trong chương trình tiếp thị liên kết, việc bảng kê khai nộp thuế cần phản ánh đúng tổng doanh thu từ các hoạt động liên kết này bao gồm toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Trong đó, còn bao gồm cả các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền; các khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội, phí thu thêm được hưởng theo quy định; các khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, bồi thường khác (chỉ tính vào doanh thu tính thuế TNCN).

Doanh thu khác mà hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Tuy nhiên, việc phân loại doanh thu thành tiền công, tiền lương, tiền hoa hồng hoặc các khoản khác có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm hợp đồng và sự thỏa thuận giữa Shopee và các đối tác cá nhân.

Luật sư Diệp Năng Bình cho hay, việc sử dụng cách kê khai thuế khác nhau giữa cá nhân và doanh nghiệp có thể tạo điều kiện cho việc lách thuế hoặc né thuế nếu không tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Do đó, sàn thương mại điện tử Shopee cần chú ý đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ đúng các quy định về thuế để tránh xảy ra việc này.

Qua sự việc trên, Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, cần có một cuộc tổng thanh tra, hoặc kiểm toán đối với vấn đề này để làm sáng tỏ tình hình và đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

“Cuộc thanh tra hoặc kiểm toán này có thể giúp xác định các vấn đề cụ thể, đánh giá mức độ tuân thủ và tìm ra các giải pháp cần thiết để khắc phục những vấn đề đó”, Luật sư Diệp Năng Bình nói.

Luật sư Võ Đình Đức cũng đồng quan điểm cần có một cuộc kiểm tra toàn diện đối với hoạt động này của Shopee. Tuy nhiên, để làm được việc này, Luật sư Võ Đình Đức cho biết đòi hỏi rất nhiều nhân lực, kinh phí, thời gian và cả công nghệ. Chưa kể sự hợp tác của các cá nhân, tổ chức liên quan.

Thực tế hiện nay nghề bán hàng online, kinh doanh trên các nền tảng xã hội, thương mại điện tử đang rầm rộ và dẫn tới tình trạng thất thoát nguồn thu thuế hoặc mất cân bằng giữa các cá nhân, tổ chức. Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế cùng các đơn vị về chính sách thuế sẽ cần lưu tâm vấn đề này”, Luật sư Võ Đình Đức đánh giá.

Hoàng Hải - Đoàn Tuấn - Hoàng Phương

Theo: Báo Công Thương