Khai thác giá trị di sản Thành nhà Hồ: Không thể nóng vội Từ 10/6, giảm giá vé tham quan di sản Thành Nhà Hồ để kích cầu du lịch |
Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ tại huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Viện khảo cổ học Việt Nam vừa tổ chức hội nghị thông báo kết quả khai quật bước đầu khu vực bên trong và bên ngoài 4 cổng thành (Đông - Tây - Nam - Bắc) ở Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ với nhiều phát hiện mới, trong đó có kỹ thuật ghép đá.
Khai quật khảo cổ học ở cổng phía Nam Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ |
Theo đó, thời gian khai quật diễn ra từ ngày 15/9 đến 31/12/2022 trên diện tích khai quật là 5.000 m2 , trong đó vị trí cổng phía Bắc 2.000 m2, phía Nam 2.000 m2, phía Đông 500 m2, phía Tây 500 m2.
Qua nhiều tháng tiến hành khai quật, các nhà khoa học làm rõ kích thước ban đầu của các cổng thành của Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ. Cụ thể, các cửa cuốn được thi công bằng cách đắp đất thành hình vòm cửa, rồi tiến hành ghép những khối đá tảng hình thang dạng múi bưởi lên trên. Sau khi ghép xong các phiến đá, các thợ xây thành tháo dỡ, giải phóng đất đắp phục vụ thi công.
Các nhà khoa học phát hiện, cấu tạo 3 bức tường thành Đông, Nam, Tây có cấu tạo tương tự về kỹ thuật ghép đá, kích thước đá tảng như tường thành phía Đông, dưới đáy là đá lót móng kích thước lớn; trên là 4 đến 5 hàng đá làm nhẵn mặt, kích thước hòn dưới lớn hơn, lên cao nhỏ dần; phần thành phía thành đá trong gia cố bằng đá, đất sét, sỏi.
Trong khi đó, đá xếp thi công tường thành và cổng Bắc có kích thước nhỏ hơn, mạch ghép lớn hơn, nhiều hàng đá hơn, các lớp đá ngoài không được làm nhẵn, các lớp đá trong không được ghè đẽo vuông vức do quá trình xử lý vật liệu và tu sửa nhiều lần trong giai đoạn sau.
Các nhà khoa học phát hiện phát hiện bãi đá bên trong cổng phía Nam của D sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ |
Kết quả khai quật cho thấy, các vật liệu kiến trúc như gạch chữ nhật, trang trí lá đề thời Trần-Hồ, ngói phẳng, ngói cong lòng máng màu xám thời Lê. Có khá nhiều mảnh gốm men thời Trần-Hồ và thời Lê Sơ; một số cụm bi/đạn đá tại khu vực cổng Nam và cổng Bắc. Tổng thể mặt bằng kiến trúc Thành nhà Hồ được phân bố thành nhiều lớp ngang dọc, tất cả đều được đối xứng qua trục đường Hoàng Gia ở trung tâm.
Từ kết quả đợt khai quật với nhiều phát hiện mới, các nhà nghiên cứu khoa học, các nhà khảo cổ học kiến nghị Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ căn cứ các khuyến nghị của UNESCO, cam kết của UBND tỉnh Thanh Hóa, Luật Di sản văn hóa tiến hành xây dựng các kế hoạch nghiên cứu, bảo tồn nhằm phát huy tốt nhất giá trị của di sản; xây dựng các kế hoạch nghiên cứu bảo tồn trong các năm tiếp theo để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Hoàng Minh