Tham gia phần tham luận tại Phiên 2 của Hội thảo về “Thách thức và tác động của việc lãi suất tăng cao và kéo dài” theo hình thức trực tuyến cùng Thống đốc NHTW Hàn Quốc Chang Yong Rhee dưới sự điều phối thảo luận của Giáo sư Đại học California Kenneth Kletzer, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã trình bày kinh nghiệm về điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và kiểm soát lạm phát tại Việt Nam trong năm 2023, đồng thời phân tích vấn đề lãi suất tăng cao từ góc độ quốc gia tới toàn cầu và đề xuất một số giải pháp chung.
Thống đốc chia sẻ Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển, có độ mở lớn, ngày càng tham gia sâu hơn vào quá trình hội nhập kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu nên dễ chịu tác động từ những biến động trên thị trường thế giới, đặc biệt là các tác động từ việc các NHTW lớn trên thế giới đồng loạt thắt chặt CSTT. Trong bối cảnh đó, NHNN đã điều hành các công cụ CSTT đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để hướng đến mục tiêu cao nhất là kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế phù hợp, đồng thời đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, qua đó duy trì niềm tin của nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp, người dân đối với môi trường kinh doanh. Về điều hành lãi suất, NHNN thời gian qua đã điều hành lãi suất linh hoạt, tạo dư địa chính sách để tăng khả năng hấp thụ các cú sốc từ bên ngoài. Về điều hành tỷ giá, NHNN điều hành nhất quán chính sách tiền tệ, tỷ giá theo hướng tạo sự hấp dẫn cho VND, kiên trì kiểm soát lạm phát để tạo niềm tin vào VND. Tỷ giá được cho phép diễn biến linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường, để hấp thụ các cú sốc.
Những kết quả điều hành CSTT của NHNN như nêu trên đã góp phần kiểm soát lạm phát của Việt Nam ở mức 3,25% và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt mức 5,05% trong năm 2023. Năm vừa qua cũng ghi nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây, khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với tiềm năng và sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Bên cạnh đó, từ góc nhìn là một nhà quản lý trong lĩnh vực ngân hàng, Thống đốc NHNN cho rằng trong năm 2024 NHTW các nước sẽ đứng trước những lựa chọn chính sách phức tạp. Thực trạng này đặt ra yêu cầu chung đối với các NHTW trong việc duy trì các chính sách an toàn thận trọng trong thời gian tới. Song song với đó là việc đảm bảo các chỉ số an toàn vĩ mô và triển khai công tác thanh tra giám sát hệ thống ngân hàng một cách an toàn, hiệu quả. Trong quá trình triển khai các nhiệm vụ này, Thống đốc NHNN nhấn mạnh việc duy trì thường xuyên các kênh đối thoại, trao đổi chính sách giữa các NHTW và các tổ chức tài chính, tiền tệ khu vực và thế giới là rất cần thiết, góp phần hạn chế các rủi ro lan truyền và chung tay vượt qua những khó khăn, thách thức mang tính toàn cầu.
Phát biểu tại Hội thảo, các diễn giả đánh giá cao phần trình bày của Thống đốc NHNN và đồng quan điểm về việc trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn và chịu nhiều áp lực từ lạm phát, Việt Nam được coi là điểm sáng kinh tế; điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của NHNN đã thực hiện được một cách phù hợp và hiệu quả; góp phần quan trọng vào việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định khu vực tài chính.
Tiếp đó, vào ngày 16/2/2023, tại Hội nghị Hội đồng Thống đốc SEACEN lần thứ 43, các Thống đốc NHTW thành viên đã thảo luận về các định hướng hoạt động của SEACEN trong thời gian tới bao gồm tăng cường các chương trình nghiên cứu và đào tạo, chia sẻ kiến thức phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tiễn của các thành viên, đồng thời thường xuyên mở rộng hợp tác chuyên môn với các chuyên gia và tổ chức quốc tế có uy tín. Các Thống đốc chia sẻ những nỗ lực này sẽ giúp xây dựng và phát triển SEACEN trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu uy tín trong khu vực. Đồng thời, trong khuôn khổ Hội nghị, các Thống đốc NHTW thành viên SEACEN đã phê duyệt các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và ngân sách dự kiến của SEACEN trong năm 2024.