Theo tài liệu điều tra, năm 2017, do có ý định mở doanh nghiệp khắc dấu, qua tìm hiểu thông tin trên mạng internet, Nguyễn Đức Hạnh (SN 1977, ở quận Đống Đa) đã mua 1 máy khắc dấu Polyme, 1 máy ép plastic để làm hình dấu. Tuy nhiên, do những lần làm thử hình dấu không sắc nét. Đồng thời, thủ tục thành lập doanh nghiệp khắc dấu phức tạp nên Nguyễn Đức Hạnh không tiếp tục mở doanh nghiệp nữa. Dù vậy, Hạnh vẫn giữ lại máy khắc dấu, máy ép plastic đã mua.
Năm 2019, Hạnh thấy nhiều cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu cần các văn bản của ngân hàng như cam kết cấp tín dụng, xác nhận số dư tài khoản, sao kê tài khoản… để chứng minh năng lực.
Nguyễn Đức Hạnh đã sử dụng máy khắc dấu này để làm giả con dấu của một số ngân hàng, mua phôi giấy in có logo của các ngân hàng để làm giả các giấy tờ trên.
Bị cáo trao đổi với Đoàn Việt Hà (SN 1989), Nguyễn Việt Anh (SN 1988), Dương Hồng Đính (SN 1965) đều là cựu nhân viên ngân hàng. Theo đó, Hà, Đính và Việt Anh đồng ý sẽ tìm những người có nhu cầu cần tài liệu trên. Các bị cáo sẽ chuyển thông tin để Hạnh in nội dung tài liệu trên các mẫu giấy có sẵn, giả chữ ký của những người có thẩm quyền, đóng hình dấu giả của ngân hàng vào tài liệu để đưa cho khách…
Chẳng hạn trường hợp Công ty cổ phần Khu du lịch BC, Công ty cổ phần CRRR, Công ty cổ phần NCB muốn chứng minh năng lực tài chính kêu gọi đối tác đầu tư nên đã giao nhân viên tìm quan hệ vay tiền nộp vào tài khoản của các công ty trên để ngân hàng xác nhận số dư, sao kê tài khoản. Nhân viên công ty đã liên hệ với Việt Anh để làm các tài liệu này. Sau đó, nhóm của Nguyễn Đức Hạnh đã làm giả 8 tài liệu, xác nhận số dư tài khoản, sao kê tài khoản của Công ty cổ phần Khu du lịch BC với số tiền 180,1 tỷ đồng, Công ty cổ phần CRRR có 360,2 tỷ đồng, Công ty cổ phần NCB có số tiền 970,2 tỷ đồng…
Hay như trường hợp Công ty cổ phần Phát triển Khu Công nghiệp BP, Nguyễn Đức Hạnh và các bị cáo làm giả xác nhận số dư, sao kê tài khoản với số tiền 40 tỷ đồng cho công ty này. Nhóm các bị cáo còn làm giả xác nhận số dư, sao kê tài khoản cho Công ty cổ phần DVKV Việt Nam với số dư 192 tỷ đồng, Công ty cổ phần PTKTĐT Việt Nam với số dư 200 tỷ đồng…
Được biết, đối với các trường hợp cần xác nhận số dư, sao kê tài khoản, một số trường hợp thấy không có tin nhắn báo biến động số dư về tài khoản nên không sử dụng tài liệu, một số trường hợp không cần nữa nên không sử dụng.
Cơ quan tố tụng xác định các bị cáo làm giả 47 tài liệu ngân hàng. Trong đó, bị cáo Hạnh là người chủ mưu, cầm đầu, thu lời 225,5 triệu đồng, Hà 176 triệu đồng, Việt Anh 830 triệu đồng, Đính 2,5 triệu đồng. Quá trình điều tra, cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an còn phát hiện trong máy của Hạnh, Hà và Việt Anh có lưu hình ảnh 16 tài liệu xác nhận số dư, sao kê tài khoản, cam kết tín dụng, sổ phụ khách hàng, giấy xác nhận tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, công văn thu xếp tài chính nghi là làm giả.
Tại tòa, các bị cáo thành khẩn khai báo, tự nguyện nộp lại một phần tiền thu lợi bất chính. Tòa án tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Hạnh mức án 6 năm, Đoàn Việt Hà mức án 5 năm tù; Nguyễn Việt Anh mức án 5 năm tù và Dương Hồng Đính mức án 18 tháng tù về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.