Mới đây, Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Mã: PVS - HNX) vừa thông báo về giao dịch của nhóm cổ đông nước ngoài. Cụ thể, nhóm quỹ có liên quan đến Dragon Capital vừa thông báo mua vào 1,4 triệu cổ phiếu PVS nhằm nâng sở hữu từ 23,58 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,93% vốn) lên 24,98 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5,22%) qua đó chính thức ngồi ghế cổ đông lớn tại PVS.
Động thái gom hàng của nhóm quỹ này diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu PVS đang liên tục giảm về các vùng giá thấp khi ghi nhận tại phiên nhóm quỹ này thực hiện giao dịch (ngày 24/11), cổ phiếu PVS đã giảm liên tục 6 phiên từ mức 19.200 đồng.
Kết phiên 24/11, cổ phiếu PVS giảm về 18.900 đồng thị giá. Tạm tính tại mức giá này, nhóm Dragon Capital đã chi khoảng 26,46 tỷ đồng để ngồi ghế cổ đông lớn tại công ty này.
Diễn biến giá cổ phiếu PVS thời gian gần đây (Nguồn: TradingView) |
Sau giao dịch của cổ đông ngoại quốc, cổ phiếu PVS tăng liên tiếp 4 phiên sau đó và hiện đang giao dịch tại mức 20.800 đồng/cổ phiếu (lúc 2h phiên 1/12/2022).
Động thái của Dragon Capital diễn ra cùng với xu hướng gom ròng loạt cổ phiếu của tổ chức này trong thời gian gần đây.
Cụ thể, ngày 15/11, nhóm quỹ Dragon Capital đã mua vào 12,8 triệu cổ phiếu KBC của Tổng Công ty CP Phát triển Đô thị Kinh Bắc với số tiền dự chi là khoảng 192 tỷ đồng. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của nhóm Dragon Capital tại KBC tăng từ 4,06% lên gần 5,73% và trở lại ghế cổ đông lớn tại KBC sau hơn 1 tuần.
Cùng ngày, Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL), quỹ tỷ đô nhà Dragon Capital đã mua thêm 1,5 triệu cổ phiếu KDH của CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền. Sau mua, tỷ lệ sở hữu của cả nhóm Dragon Capital tại KDH tăng từ 7,94% lên 8,15% vốn điều lệ.
Trước đó, ngày 11/11, Dragon Capital cũng đã mua vào 19 triệu cổ phiếu KDH. Như vậy, chỉ trong chưa đầy 1 tuần, nhóm Dragon Capital đã chi gần 413 tỷ đồng để gom 20,5 triệu cổ phiếu KDH.
Ngày 11/11, các quỹ thành viên của Dragon Capital đã mua vào tổng cộng 1,18 triệu cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau qua đó nâng sở hữu từ 4,9% lên 5,2% vốn điều lệ - tương ứng 27,5 triệu cổ phần đồng thời trở thành cổ đông lớn tại DCM.
Cũng trong ngày 11/11, sau khi nâng tỷ tọng tiền mặt lên mức kỷ lục, quỹ ngoại này đã tích cực giải ngân bắt đáy nhiều mã cổ phiếu các ngành như VHC, FRT,... Ngược lại, nhóm này đã bán hạ tỷ trọng tại các cổ phiếu NLG, PVD, DGC,...
Lãi sau thuế 9 tháng giảm 21% so với cùng kỳ
Về kết quả kinh doanh, PVS công bố BCTC hợp nhất quý III/2022 với doanh thu thuần đạt 3.502 tỷ đồng giảm 12% so với cùng kỳ. Trừ hết các chi phí, lợi nhuận sau thuế là 193 tỷ đồng, giảm 20% so với quý III/2021. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 192 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp tăng từ 5% lên 6% quý III năm nay.
Doanh nghiệp cho biết, lãi ròng giảm là do lợi nhuận từ các công ty liên doanh giảm. Đồng thời, PVS đã hoàn nhập dự phòng bảo hành của một số dự án trong quý III.
Luỹ kế 9 tháng, PVS ghi nhận 11.082 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 15%, lợi nhuận sau thuế là 454 giảm 21% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2022, PVS đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất là 10.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 488 tỷ đồng. Như vậy, sau ba quý, doanh nghiệp vượt 11% kế hoạch doanh thu, đạt 95% kế hoạch lợi nhuận.
Về tình hình tài chính, cuối quý III, tổng tài sản của PVS là 25.177 tỷ đồng, tăng 333 tỷ đồng so với đầu năm.
Khoản tiền, tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn là 9.998 tỷ đồng, chiếm 40% tổng tài sản. Trong đó, 3.485 tỷ tiền gửi ở ngân hàng có lãi suất từ 2,8 đến 6,7%/năm gồm đồng VND, USD, GBP, EUR, RUB. 4.711 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn bằng VND với lãi suất từ 3,5 - 6,7%/năm. Công ty thu về 171 tỷ đồng lãi tiền gửi 9 tháng.
Tại ngày 30/9, tổng nợ vay của doanh nghiệp là 1.359 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 12.894 tỷ đồng, chiếm 51% tổng nguồn vốn, trong đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 3.708 tỷ đồng.
Anh Khôi