Những kỷ niệm khó quên

08/04/2021 - 16:40
(Bankviet.com) Vào ngành năm 1974, đến nay đã hơn 46 năm trôi qua, những kỷ niệm một thời chiến tranh ác liệt cũng như công tác trong ngành ngân hàng đầu tư và phát triển tôi không sao quên được.

Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Nguyễn Thị Hoa Lý, nguyên Phó Giám đốc BIDV Quảng Bình.

Tháng 7/1974, tốt nghiệp Trường Trung cấp Ngân hàng I Trung ương, tôi về quê chờ nhận công tác. Ở nhà khoảng 10 ngày thì có giấy báo của nhà trường ra nhận công tác. Niềm vui mừng nhân lên gấp bội vì sắp được làm cán bộ ngân hàng thực thụ. 

Nhận nhiệm vụ vào chiến trường miền Nam công tác

Đến trường tập trung, nhà trường thông báo: Toàn khóa được điều động vào miền Nam công tác. Giai đoạn này, chiến tranh miền Nam rất ác liệt.

Tôi điện về xin ý kiến bố mẹ. Ông bà quyết định không cho đi vì sợ con gái vào chiến trường lúc này vô cùng nguy hiểm. Cũng có các bạn cùng khoá xin ở lại miền Bắc công tác, càng làm tôi hoang mang.

Sau một ngày một đêm trằn trọc, tôi thầm nghĩ: gia đình mình, bố tham gia bộ đội chống Pháp tháng 8/1945, hai em trai là bộ đội chống Mỹ (nay một em là liệt sỹ), chị gái là thanh niên xung phong hỏa tuyến, cả gia đình tham gia cách mạng, tại sao mình lại không xung phong lên đường chống Mỹ để bảo vệ Tổ quốc khi Đảng đang cần?. Tôi quyết định nhận nhiệm vụ vào chiến trường miền Nam công tác.

Tháng 8/1974, đoàn xe của Ủy ban Thống nhất đón chúng tôi lên Trường B, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình để học tập chính trị, huấn luyện leo núi làm quen với chiến trường. Những ngày học tập, vai mang ba lô tư trang, chân đi dép cao su bị phồng rộp đau rát. Chúng tôi, tuổi đôi mươi, đa số là sinh viên trẻ mới ra trường động viên nhau phải “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Huấn luyện xong, trường thành lập đoàn cán bộ dân chính gồm: ngân hàng, tài chính, kế hoạch, công an, y, dược… nhận nhiệm vụ vào chiến trường B2 ở Tây Ninh. Lần đầu tiên “đi chiến trường”, chúng tôi vừa mừng, vừa lo.

Ngày 2/9/1974, từ Trường B chúng tôi được xe của Ủy ban Thống nhất đưa về trạm dừng chân ở Ngọc Hà (Hà Nội) rồi chuyển đến ga Thường Tín để lên tàu vào Miền Nam. Chúng tôi được nhận trang phục “quân giải phóng miền Nam” với chiếc khăn rằn, đôi dép cao su, mũ tai bèo, áo quần, tăng, võng, lương khô, ghi gô, thuốc phòng bệnh…. Chị em nữ được trang bị tăng, võng bằng dù để nhẹ hơn nam giới. 

Ở ga Thường Tín, đoàn cán bộ cao cấp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam do đồng chí Tổng Giám đốc Tạ Hoàng Cơ dẫn đầu đến thăm và tặng quà chúng tôi. Những cô gái trẻ như tôi không sao cầm được nước mắt vì xúc động khi được sự động viên, quan tâm, chăm sóc ân cần của lãnh đạo ngành trước lúc vào chiến trường làm nhiệm vụ. Tôi thấy mình lớn lên nhiều và chuyến công tác đặc biệt này thật quan trọng.

Đường hành quân không yên ả

Đoàn tàu chở chúng tôi về trạm dừng chân đầu tiên là thành phố Vinh, Nghệ An. Nghỉ lại Vinh một đêm, sáng hôm sau, những chiếc xe tải của Liên Xô bịt kín bạt chở chúng tôi đi. Cứ một xe chở 15 người - gọi là những chuyến xe chở “hàng đặc biệt”.

Chúng tôi đi qua đường Tây Trường Sơn sang đất bạn Lào - Campuchia. Xe cứ lắc lư nghiêng ngả, khi xốc tới, có lúc xe nhảy chồm, hất tung lên. Ngồi trên xe, không ai được lên tiếng vì sợ lộ mục tiêu. Chúng tôi hành quân cứ một xe dân chính đi kèm một xe quân đội để yểm hộ.

Đường hành quân tưởng yên ả, nào ngờ đến ngã ba Đông Dương thì máy bay địch phát hiện. Đoàn bị máy bay thả bom vào đội hình, xe quân đội phía trước bốc cháy, các chiến sỹ hy sinh. Xe chúng tôi cách xe quân đội vài chục mét, không ai bị thương vong. Sau loạt bom xé toạc, không gian đất bị cày xới, tai chúng tôi điếc đặc. Những xe còn lại được lệnh chạy theo lối xe tăng mở đường để ẩn náu. 

Chúng tôi bị lạc trong rừng 2 ngày 1 đêm. Hai ngày giữa Trường Sơn mịt mùng, thức ăn chỉ có lương khô nhưng không sao nuốt nổi, vừa mệt, vừa đói, vừa  khát. Một số chưa hoàn hồn vì lần đầu tiên gặp trận bom ác liệt. Chúng tôi cố động viên nhau bám đoàn, bám đường quyết đi tới đích.

Đúng 10h đêm 30 tết Ất Mão (đầu năm 1975) chúng tôi hành quân đến điểm dừng chân tại Bãi Khách, Thiện Ngôn, Xa Mát thuộc tỉnh Tây Ninh giáp biên giới Campuchia. Đó là căn cứ Trung ương cục Miền Nam – Ban Kinh tài của Mặt trận giải phóng (gọi là R). 

Ở Bãi Khách lớp con gái chúng tôi sống nơi đất lạ, rừng thiêng, nước độc, nhiều khi nhớ nhà đến quặn lòng. Nhân dịp đầu xuân, đồng chí Trần Dương thay mặt cho lãnh đạo ngành Ngân hàng Trung ương cục đến thăm tặng quà chúc tết và thăm sức khỏe anh chị em trong đoàn. Như đứa con đi xa được gặp gia đình, chúng tôi lại rơi nước mắt. Đồng chí căn dặn “Anh chị em phải giữ gìn sức khỏe tốt, ngày tập trung hỏa lực triển khai chiến dịch lớn đang đến gần...”.

Tiến về Sài Gòn…

Sáng ngày 28/4/1975, chúng tôi nhận được lệnh xuất phát theo sự chỉ đạo của cấp trên. Trong Bãi Khách có hơn 500 người nhưng trước mắt chỉ chọn khoảng 50 người trong đó có 4 nữ lên đường đi trước. 

Từ Xa Mát, Tây Ninh về Sài Gòn quân ta đang chiến đấu ác liệt ở những điểm trọng yếu. Chúng tôi không đi theo đường chính mà đi vòng, qua nhiều đoạn ngổn ngang quân trang, xe cộ của địch tháo chạy bỏ lại.

Càng tiến gần Sài Gòn, càng nghe rõ tiếng súng. Tin phía trước truyền ra, vùng cửa ngõ Xuân Lộc vào Sài Gòn nhiều trận đánh giữa ta và địch diễn ra quyết liệt. Chúng tôi tiến về Gia Định đúng 9 giờ sáng ngày 30/4/1975. Lúc này địch đã kéo nhau vào Sài Gòn, hai bên quốc lộ chúng rải nhiều mìn lá nhằm cài bẫy. Khi xe dừng tại Gia Định chờ lệnh, các má miền Nam cầm cờ giải phóng ra vẫy chào nữ giải phóng, các má dặn chúng tôi không được xuống đường vì địch mới rút quân vài phút, cẩn thận hai bên đường bom mìn nhiều…

Tối ngày 30/4 chúng tôi dừng chân nghỉ lại Trường Đại học Y khoa Sài Gòn. Đêm ấy không ai ngủ,chỉ trông trời mau sáng…

Sáng ngày 1/5/1975, đoàn ngân hàng mang ký hiệu K3 chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng vào nơi tiếp quản. Đầu tiên là Ngân hàng Quốc gia - 17 Bến Chương Dương. Vào tới cổng thấy đồ đạc, tư trang, xe cộ của địch vứt ngổn ngang.

Vòng đầu công an võ trang vào rà phá bom mìn trong trụ sở, vòng hai công an cảnh sát vào kiểm tra lại an toàn. Sau đó, cán bộ ngân hàng mới vào. Lúc này, Trưởng ban quân quản K3 là chú Ba Châu - cán bộ Cách mạng được bố trí hoạt động trong lòng thành phố - ra lệnh mắc loa kêu gọi nhân viên ngân hàng cũ về trình diện.

Tôi và 3 đồng chí (Tường Vân, Thanh Điền, Minh Sen) được giữ lại làm việc tại Văn phòng ban quân quản K3. Nhiệm vụ của chúng tôi là tiếp xúc với nhân viên cũ, hướng dẫn họ làm thủ tục trình diện, cấp giấy phép cho cán bộ của ta đi tiếp quản các ngân hàng khác, cất giữ chìa khóa kho tiền của các ngân hàng đưa về và một số tài sản quan trọng khác.

Ngày đầu tiên tiếp xúc với nhân viên cũ có những người lớn tuổi bậc cha, bậc chú nhưng họ xưng hô “Thưa quý bà, thưa quý ông...” làm chúng tôi, những cán bộ trẻ, cảm thấy thật khó xử. Nhưng qua làm việc, thái độ thân thiện của cán bộ miền Bắc tạo cho họ gần gũi hơn. 

Có người tâm sự “Trước đây ngụy quân Sài Gòn tuyên truyền Việt cộng 3 người đeo một cành đu đủ không gãy, họ ác lắm, nếu đàn bà để móng tay dài là Việt cộng dùng kìm rút hết móng tay …”. Các nữ nhân viên ngân hàng cũ nghe vậy cắt hết móng tay và suy nghĩ xấu về Việt cộng. Nhưng qua thời gian tiếp xúc họ chỉ cảm thấy sự thân thiện.

Những tháng ngày không thể quên

Tháng 7/1975, hoàn thành nhiệm vụ Ban quân quản, tôi được phân công về làm việc tại Vụ Tiền tệ Ngân hàng Quốc gia do chú Ba Dũng làm Vụ trưởng. Chú là cán bộ miền Nam ở R về. Công việc được thử thách trong môi trường mới với bao vướng mắc nghiệp vụ ở thành phố mới giải phóng. Có lúc cần giải quyết công việc, chúng tôi phải liên hệ ra Hà Nội xin ý kiến mới xử lý được. Nhiều công việc bề bộn nhưng gấp rút nhất là chuẩn bị cho nhiệm vụ đổi tiền vào tháng 9/1975.

Tháng 4/1976, tôi chuyển về làm việc tại Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, số 79 Hàm Nghi, quận I. Tháng 9/1976, tôi chuyển về làm việc tại Ngân hàng TP. Huế. Ngày 3/5/1978, tôi tham gia đổi tiền lần thứ 2 “thu 2 loại tiền miền Bắc và tiền cách mạng đổi tiền mới”. Lúc này, tôi được điều động ở vùng cấm cách cơ quan khá xa để bí mật tập huấn nghiệp vụ thu đổi tiền theo lệnh của nhà nước. 

Hoàn thành công tác đổi tiền, tôi trở về ngân hàng Huế nhận nhiệm vụ cũ. Tháng 8/1978, tôi ra Học viện Ngân hàng Hà Nội thi và đậu Đại học vào học khoa tín dụng, khóa 5 (1978-1982). Thời gian học ở trường, tháng 2/1979, tôi được Trường chọn đi tham gia cùng đoàn thanh niên xung kích của Thủ đô lên tuyến lửa biên giới Lạng Sơn đi phục vụ chiến đấu.

Tốt nghiệp đại học, tôi trở về xây dựng quê hương, làm việc tại Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Quảng Bình. 

Vào ngành năm 1974, đến nay đã hơn 46 năm trôi qua, những kỷ niệm một thời chiến tranh ác liệt cũng như công tác trong ngành ngân hàng đầu tư và phát triển tôi không sao quên được. Với tôi đó là những kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời!

NGUYỄN THỊ HOA LÝ 

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ