Xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ kỳ vọng phục hồi nửa cuối năm 2023 Viet Nam International Sourcing 2023: Cơ hội xúc tiến xuất khẩu thủy sản sang thị trường Bắc Âu |
Tín hiệu tích cực từ thị trường
Số liệu thống kê cho thấy, luỹ kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt gần 4,2 tỷ USD, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, theo Hiệp hội VASEP, sự phục hồi đang xuất hiện khi kim ngạch tháng sau cao hơn tháng trước và trong tháng 6 xuất khẩu thủy sản đạt 800 triệu USD.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, từ đầu năm đến nay, các thị trường xuất khẩu thủy sản chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản... bị chi phối bởi hai yếu tố chính là lạm phát và tồn kho. Song hiện nay, lượng tồn kho đang được giải tỏa dần ở các thị trường. Dự báo, nhu cầu sẽ tăng trở lại trong nửa cuối năm.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, đơn hàng đang dần tăng trở lại. Theo Bà Hồ Hoa Đông – Phó TGĐ Công ty CP thực phẩm Khang An Food, đơn hàng của doanh nghiệp đã có sự cải thiện rõ rệt khi tăng hơn 30% so với 2 quý trước đó. Bên cạnh các thị trường truyền thống như Anh, Mỹ, Nhật Bản, doanh nghiệp đã có thêm đơn hàng từ các thị trường mới, như Canada và Úc, Việt Nam.
Ông Đỗ Ngọc Tài, Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thủy sản Tài Kim Anh nhận định, sau hơn nửa năm giảm nhập khẩu, lượng tồn kho ở hầu hết thị trường như Mỹ, EU đã giải phóng gần hết, trong khi đó mùa du lịch, mùa lễ hội cuối năm và các chương trình kích cầu ở các thị trường có thể sẽ thúc đẩy lượng nhập khẩu tăng dần lên trong những tháng tới.
Xuất khẩu thủy sản dần phục hồi |
Theo ông Đỗ Ngọc Tài, trong bối cảnh lạm phát, người dân nhiều nước thắt chặt chi tiêu còn giá thành tôm của Việt Nam cao hơn các nước khác nên việc cạnh tranh khá căng thẳng. Tuy nhiên, đối với các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và hàng chế biến sâu như EU hay Nhật Bản, tôm Việt vẫn có lợi thế nhất định.
“Dự báo ở các thị trường này, nhu cầu nhập khẩu sẽ nhích dần lên từ tháng 7, tháng 8 và cải thiện nhiều hơn trong quý cuối cùng của năm để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ mùa lễ, tết. Vấn đề các doanh nghiệp thủy sản cần làm hiện nay là phải chuẩn bị sẵn sàng nguồn nguyên liệu và cải thiện khả năng cạnh tranh để chớp lấy cơ hội xuất khẩu ngay khi thị trường hồi phục”, ông Đỗ Ngọc Tài cho biết.
Chuẩn bị nguồn cung nguyên liệu
Nhận định về tình hình tình hình 6 tháng cuối năm, VASEP cho rằng một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... vẫn được coi là điểm đến lạc quan cho sản phẩm thế mạnh của Việt Nam, đó là hàng chế biến sâu có giá trị gia tăng cao. Bởi vì ở những thị trường này, chúng ta chưa bị áp lực cạnh tranh về nguồn cung và giá bán như ở Mỹ, EU hay Trung Quốc.
Bên cạnh đó, một số thị trường Đông Nam Á cũng được đánh giá là tiềm năng vì có nền kinh tế ổn định hơn, lạm phát thấp hơn cộng với lợi thế vị trí địa lý và ưu đãi thuế quan theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Đặc biệt, mới đây Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Israel đã chính thức ký kết và đi vào thực thi, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để mở rộng thị phần.
Tổng Giám đốc Thủy sản Minh Phú Lê Văn Quang nhận định, xuất khẩu thủy sản từ tháng 8 trở đi sẽ tốt lên khi nguồn cung tôm nguyên liệu tại các nước xuất khẩu lớn là Ấn Độ, Ecuador và Việt Nam đều giảm mạnh, trong khi nhu cầu trên thế giới dần phục hồi. Khả năng dịp cuối năm sẽ thiếu tôm nguyên liệu nên các đơn vị sẽ có cơ hội bán và giảm hàng tồn kho khi nhu cầu tiêu thụ tăng cao vào dịp lễ hội cuối năm.
Còn theo TS Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, giá tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống tới tận cùng, xuống tới đáy, khiến cho nhiều người nuôi không còn muốn thả nuôi tôm trong thời gian tới. Giá không thể thấp hơn nữa là nền tảng để các doanh nghiệp có thể chế biến, tiêu thụ tốt hơn.
Tình trạng giá tôm thấp không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Ở Ecuador, khoảng 10% người nuôi tôm đã nghỉ nuôi vì thua lỗ do giá thấp. Ở Ấn Độ, do giá thấp, số người giảm thả giống cũng rất lớn, có thể khiến cho sản lượng tôm nuôi của Ấn Độ trong năm nay giảm 20-30%. Giá tôm thế giới hiện cũng đã không thể thấp hơn được nữa, qua đó dẫn tới việc các hệ thống tiêu thụ sẽ tích cực mua vào.
Trước đây, đầu quý 3 là cao điểm thu hoạch tôm của Việt Nam và Ấn Độ. Riêng Indonesia và Ecuador thu hoạch chính vụ sớm hơn. Nhưng theo tình hình hiện tại, sắp tới đây tôm thương phẩm trên lưu thông các nước đều giảm mạnh, vì giảm thả nuôi trong thời gian vừa hoặc đã vào cuối vụ. Do nguồn cung giảm nên sắp tới giá tôm có thể hồi phục.
Ngoài ra, giá cước vận tải đường thủy vẫn đang duy trì ở vùng thấp so với đợt cao điểm mùa dịch Covid-19, và với nguồn cung dồi dào tàu và container trong thời điểm hiện tại cũng giúp việc xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của Việt Nam sang các thị trường nước ngoài gặp nhiều thuận lợi hơn trong nửa cuối năm.
Hà Linh