Những tác động đến nền kinh tế Việt Nam nếu nới trần nợ công của Mỹ không được thông qua

26/05/2023 - 23:33
(Bankviet.com) Dư luận trong thời gian gần đây giấy lên vấn đề liên quan đến trần nợ công của Mỹ. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng đặc biệt quan tâm đến khả năng vỡ nợ của Chính phủ Mỹ. Đây là những chủ đề có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thế giới nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Để làm rõ thêm thông tin, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Tiến Duy, Chuyên gia Phân tích thuộc phòng Đầu tư và Phân tích Công ty CP Chứng khoán Đầu tư Tài chính Việt Nam (VISC) về những vấn đề nêu trên.

PV: Thời gian qua, báo chí liên tục đưa tin về việc nới trần nợ công chính phủ Mỹ, vậy ông có thể chia sẻ trần nợ công chính phủ Mỹ là gì? Và chính phủ Mỹ đang có hành động như thế nào để kịp nới trần nợ công trước ngày 1/6?

Ông Đỗ Tiến Duy: Trần nợ công chính phủ Mỹ là giới hạn số tiền mà chính phủ Mỹ có thể vay để chi trả cho các dịch vụ công của nước này. Trần nợ công hiện tại của nước Mỹ là 31.400 tỷ USD, và để tăng mức trần nợ công, chính phủ Mỹ phải nhận được sự chấp thuận từ cả Thượng viện và Hạ viện. Việc tăng mức trần nợ công cũng không đồng nghĩa với việc chính phủ Mỹ có thêm ngân sách để chi trả cho các hạng mục mới, mà chỉ giúp cho chính phủ nước này có thể vay thêm để thanh toán các hạng mục được Quốc hội thông qua.

Ông Đỗ Tiến Duy, Chuyên gia Phân tích thuộc phòng Đầu tư và Phân tích Công ty CP Chứng khoán Đầu tư Tài chính Việt Nam (VISC)
Ông Đỗ Tiến Duy, Chuyên gia Phân tích thuộc phòng Đầu tư và Phân tích Công ty CP Chứng khoán Đầu tư Tài chính Việt Nam (VISC)

Việc Mỹ nới trần nợ công là một vấn đề nghiêm trọng đối với nền kinh tế của Mỹ và thế giới. Nếu trần nợ không được nâng lên, chính phủ Mỹ sẽ không thể vay tiền để trả các khoản chi phí và nợ đang tăng nhanh chóng. Điều này có thể gây ra những hậu quả tiêu cực, bao gồm làm giảm niềm tin của thị trường tài chính, làm tăng lãi suất và làm giảm sức mua của người tiêu dùng.

Hiện tại, Tổng thống Mỹ và các lãnh đạo Quốc hội đang tiến hành đàm phán để tìm ra một thỏa thuận nhằm tăng trần nợ công, đồng thời tìm cách hạn chế chi tiêu của chính phủ. Tuy nhiên, việc đạt được một thỏa thuận có thể gặp nhiều khó khăn do sự chênh lệch giữa các đảng chính trị và sự phân hóa trong quan điểm về cách giải quyết vấn đề.

Nếu không có một thỏa thuận đạt được, có thể sẽ xảy ra tình huống vỡ nợ Mỹ vào đầu tháng 6, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế của Mỹ và thế giới. Do đó, cần có sự hợp tác và đồng thuận giữa các bên để đạt được một thỏa thuận về tăng trần nợ công và hạn chế chi tiêu của Chính phủ.

Những tác động đến nền kinh tế Việt Nam nếu nới trần nợ công của Mỹ không được thông qua
Nguồn: nld

PV: Ông đánh giá thế nào về khả năng vỡ nợ của Chính phủ Mỹ? Trong trường hợp nới trần nợ công của Mỹ không được thông qua sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam theo những hướng nào?

Ông Đỗ Tiến Duy: Tôi cho rằng khả năng xảy ra chính phủ Mỹ để vỡ nợ là không cao, bởi vì nhìn qua các sự kiện lịch sử thì các lần trước đó các đảng phái chỉ lấy đó làm cái cớ để đạt được 1 thỏa thuận nào đó có lợi cho đảng của họ, họ ko có lý do gì khiến chính phủ mà họ muốn nắm quyền lại bị suy yếu vì vỡ nợ cả.

Nếu nới trần nợ công của Mỹ không được thông qua và chính phủ Mỹ đối mặt với nguy cơ vỡ nợ hoặc giới hạn về việc vay mượn, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam theo 4 hướng sau:

• Tăng lãi suất toàn cầu: Sự không ổn định trong nền kinh tế Mỹ có thể dẫn đến tăng lãi suất toàn cầu. Việc tăng lãi suất có thể ảnh hưởng đến Việt Nam thông qua tăng chi phí vay mượn và giảm đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Thị trường tài chính: Mỹ là một trong những thị trường tài chính lớn nhất thế giới, và các biến động trong nền kinh tế Mỹ có thể gây ra dao động trên thị trường tài chính quốc tế. Nếu sự không ổn định xảy ra, thị trường chứng khoán và thị trường tiền tệ của Việt Nam cũng có thể bị ảnh hưởng.

• Xuất khẩu và đầu tư: Mỹ là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Nếu nền kinh tế Mỹ gặp khó khăn, nhu cầu nhập khẩu của Mỹ có thể giảm, ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, các dự án đầu tư từ Mỹ có thể bị trì hoãn hoặc hủy bỏ, tác động tiêu cực đến việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam.

• Tăng cạnh tranh: Nếu Mỹ đối mặt với sự suy yếu kinh tế, họ có thể tăng cường biện pháp bảo hộ thương mại hoặc áp đặt các biện pháp thương mại không công bằng. Điều này có thể làm gia tăng cạnh tranh và gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trên thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tác động thực tế của việc không nới trần nợ công Mỹ đối với nền kinh tế Việt Nam sẽ phụ thuộc vào quy mô và thời gian của vấn đề này. Việc quản lý kinh tế và thực hiện chính sách phù hợp là rất quan trọng để giảm thiểu tác động tiêu cực và tận dụng cơ hội trong bối cảnh biến động quốc tế.

PV: Về thị trường chứng khoán trong nước, theo ông, nhà đầu tư có thể quan tâm đến nhóm cổ phiếu nào trong giai đoạn này?

Ông Đỗ Tiến Duy: Nhà đầu tư giai đoạn này có thể quan tâm nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ Quy hoạch điện 8 vừa được Chính Phủ thông qua ngày 15/5 với mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây được xem là chính sách quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng của ngành điện nói chung và nền kinh tế nói riêng.

Điểm chính trong Quy hoạch điện 8 là gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện, ưu tiên phát triển nguồn điện gió, đồng thời giảm thiểu nguồn nhiệt điện theo lộ trình chuyển đổi nhiên liệu các nhà máy để đạt mục tiêu phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

• Điện khí: Tỷ trọng trong cơ cấu nguồn điện tăng từ mức 11% năm 2022 lên 25% năm 2030, tuy nhiên về lâu dài, đến năm 2050 chính phủ định hướng các nhà máy sử dụng LNG chuyển dần sang sử dụng khí Hydro do đó điện khí LNG sẽ giảm tỷ trọng xuống còn 15%. Ba cổ phiếu được quan tâm thuộc nhóm điện khí là NT2, POW và PGV.

• Đối với nhóm điện than: Trong dài hạn, với mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, tỷ trọng nguồn điện than trong cơ cấu điện có xu hướng giảm dần và đến năm 2050 không còn sử dụng điện than để phát điện nên không đưa ra khuyến nghị đối với nhóm này.

• Thủy điện trong ngắn hạn được dự báo kém khả quan trong ngắn hạn do thời tiết bước vào giai đoạn El Nino đồng thời tỷ trọng trong cơ cấu nguồn điện, giảm dần từ về 7% năm 2050 nên cũng không đưa ra khuyến nghị.

• Đối với điện mặt trời: Mục tiêu đến năm 2050, điện mặt trời sẽ chiếm tỷ trọng cao nhất với 34% trong cơ cấu nguồn phát song triển vọng còn phụ thuộc vào phát triển hạ tầng có thể theo kịp công suất phát điện. Nhà đầu tư có thể quan tâm cổ phiếu BCG tuy nhiên cũng cần lưu ý tỷ lệ D/E (Nợ/Vốn chủ sở hữu) của BCG đang ở mức khá cao.

• Với nhóm điện gió, nhà đầu tư có thể quan tâm các mã PC1, GEG, REE, HDG do tỷ trọng trong cơ cấu nguồn điện tăng từ 5% năm 2022 lên 19% 2030 và 29% năm 2050.

Công ty CP Chứng khoán Đầu tư Tài chính Việt Nam (VISC) tiền thân là Công ty CP Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam được thành lập ngày 15/10/2007 theo giấy phép thành lập và hoạt động số 88/UBCK-GP do UBCK Nhà Nước cấp ngày 11/01/2008 với các cổ đông sáng lập có nền tảng tài chỉnh vững mạnh. Lĩnh vực kinh doanh: Môi giới chứng khoán; Tự doanh chứng khoán; Tư vấn đầu tư chứng khoán; Lưu ký chứng khoán; Bảo lãnh phát hành chứng khoán…

Ngày 01/12/2009, VICS chính thức niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với mã chứng khoán VIG.

Những tác động đến nền kinh tế Việt Nam nếu nới trần nợ công của Mỹ không được thông qua
Mới đây, Công ty CP Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã chính thức đổi tên thành Công ty CP Chứng khoán Đầu tư Tài chính Việt Nam (viết tắt là VISC, MCK: VIG)

Ngày 04/5/2023, Công ty CP Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã nhận được Giấy phép điều chỉnh của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận về việc thay đổi tên Công ty với tên mới là Công ty CP Chứng khoán Đầu tư Tài chính Việt Nam (viết tắt là VISC, MCK: VIG). Đồng thời, Công ty cũng thay đổi địa chỉ website mới: visc.com.vn (địa chỉ website cũ: vics.com.vn).

Địa chỉ trụ sở chính: Tầng 1 và Tầng 8, khối B tòa nhà Sông Đà, đường Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.

Trải qua 15 năm hình thành và phát triển, đến nay Công ty CP Chứng khoán Đầu tư Tài chính Việt Nam đã được Tập đoàn Đầu tư Thăng Long đầu tư chiến lược, tái cấu trúc thành công và ra mắt thương hiệu mới VISC, với định hướng trở thành một định chế tài chính trung gian hàng đầu tại Việt Nam, tham gia vào lĩnh vực kinh doanh dịch vụ chứng khoán, dịch vụ tài chính và ngân hàng đầu tư.

PV

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán