Những thiên kiến vô hình khiến nhà đầu tư dễ mắc sai lầm như “tay mơ”

15/04/2025 - 05:21
(Bankviet.com) Tâm lý giao dịch và những thiên kiến hành vi tiềm ẩn đang âm thầm chi phối quyết định đầu tư của bạn. Hiểu rõ những yếu tố này sẽ giúp cải thiện hiệu suất đầu tư và tránh những sai lầm không đáng có.
Chiến lược - Kỹ năng

Những thiên kiến vô hình khiến nhà đầu tư dễ mắc sai lầm như “tay mơ”

Đăng Khiêm 09/04/2025 11:37

Tâm lý giao dịch và những thiên kiến hành vi tiềm ẩn đang âm thầm chi phối quyết định đầu tư của bạn. Hiểu rõ những yếu tố này sẽ giúp cải thiện hiệu suất đầu tư và tránh những sai lầm không đáng có.

Tâm lý giao dịch: “người lái tàu” vô hình trong mọi quyết định đầu tư

Tâm lý giao dịch phản ánh trạng thái cảm xúc và hành vi cá nhân, ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định và hiệu quả đầu tư. Bên cạnh kiến thức và kỹ năng phân tích, khả năng kiểm soát cảm xúc – đặc biệt là tính kỷ luật và khả năng chấp nhận rủi ro – là yếu tố then chốt để duy trì hiệu suất đầu tư bền vững.

tâm lý giao dịch
Kinh nghiệm không giúp bạn nếu bạn không hiểu tâm lý của chính mình

Những cảm xúc phổ biến như tham lam, sợ hãi, tiếc nuối hay hy vọng có thể khiến nhà đầu tư đưa ra quyết định thiếu lý trí. Khi tham lam chiếm ưu thế, nhà đầu tư dễ lao vào cổ phiếu “hot” mà thiếu phân tích; ngược lại, sợ hãi quá mức có thể khiến họ bán tháo hoặc đứng ngoài thị trường, bỏ lỡ cơ hội sinh lời.

Tâm lý tiếc nuối cũng nguy hiểm không kém, thường dẫn đến hành động vội vàng – mua đuổi ở vùng giá cao, hoặc đầu tư theo tin đồn để "gỡ gạc". Những hành vi này, nếu lặp lại thường xuyên, sẽ ảnh hưởng lớn đến hiệu quả danh mục đầu tư.

Thiên kiến hành vi: kẻ thù thầm lặng của nhà đầu tư

Tài chính hành vi – một nhánh của kinh tế học hành vi – chỉ ra rằng nhà đầu tư thường không hành xử hợp lý như lý thuyết tài chính truyền thống giả định. Thay vào đó, họ dễ rơi vào những thiên kiến hành vi khiến các quyết định tài chính trở nên sai lệch.

Một số thiên kiến phổ biến có thể kể đến:

  • Tự tin thái quá: Tin rằng mình “nắm bắt thị trường” giỏi hơn số đông, dẫn đến giao dịch quá mức.
  • Hiệu ứng bầy đàn: Đầu tư theo số đông mà thiếu đánh giá rủi ro riêng.
  • Ám ảnh thua lỗ: Nỗi sợ mất tiền khiến nhà đầu tư bỏ lỡ cơ hội sinh lời.
  • Neo tư duy: Bám víu vào một mức giá cụ thể, từ chối cắt lỗ dù điều kiện thị trường đã thay đổi.
  • Tự quy công trạng: Khi lời thì cho là nhờ tài năng cá nhân, khi lỗ lại đổ lỗi cho thị trường.

Những thiên kiến này được chia thành hai nhóm chính:

  • Thiên kiến nhận thức (cognitive biases): Xuất phát từ lỗi xử lý thông tin, ví dụ như quá tự tin hoặc bám vào thông tin đầu tiên.
  • Thiên kiến cảm xúc (emotional biases): Bắt nguồn từ cảm xúc, chẳng hạn như sợ hãi, lo lắng, phấn khích hoặc tâm lý đám đông.

Làm gì để không đầu tư theo cảm tính?

Để đầu tư hiệu quả và tránh bị chi phối bởi cảm xúc, nhà đầu tư cần:

  • Nhận diện thiên kiến của bản thân: Bằng cách trang bị kiến thức về tài chính hành vi và tự đánh giá lại các quyết định đã qua.
  • Lập kế hoạch giao dịch rõ ràng: Kèm theo nguyên tắc dừng lỗ, chốt lời, quản trị rủi ro cụ thể.
  • Rèn luyện tính kỷ luật: Tuân thủ chiến lược đầu tư đã định, không bị dao động bởi thị trường hoặc tin tức nhất thời.
  • Tiếp cận thông tin đa chiều: Bao gồm cả những quan điểm trái chiều để có cái nhìn toàn diện, tránh hiệu ứng “buồng dội âm” trong đầu tư.

Hiểu được tâm lý giao dịch và nhận diện các thiên kiến hành vi sẽ giúp nhà đầu tư nâng cao khả năng ra quyết định đúng đắn hơn, tránh trở thành "tay mơ" dù đã có nhiều năm kinh nghiệm.

Đăng Khiêm

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán