Niềm tin là 'đồng tiền' mạnh nhất của ngân hàng Việt

05/05/2025 - 18:07
(Bankviet.com) Thương hiệu ngân hàng Việt không nằm ở logo hay trụ sở sang trọng, mà ở niềm tin, thứ “đồng tiền” mạnh mà khách hàng sẵn sàng gửi gắm.
Trung tâm tài chính: Ngân hàng Việt làm gì để không thua trên sân nhà? Vietcombank tiếp tục dẫn đầu ngành ngân hàng về sức khỏe thương hiệu Giáo sư Đại học Harvard hiến kế xây dựng thương hiệu ngân hàng Việt

“Thay đổi hoặc là chết”

Chia sẻ tại diễn đàn “Đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới và gợi ý với hệ thống ngân hàng” do Thời báo Ngân hàng tổ chức ngày 5/5, Giáo sư John Quelch, người có hơn 40 năm kinh nghiệm giảng dạy, tư vấn và lãnh đạo tại những trường đại học danh tiếng như: Harvard Business School, London Business School, CEIBS và hiện là Phó Hiệu trưởng Đại học Duke Kunshan đã tham gia. Ông là người được giới chuyên môn mệnh danh là “Phù thủy thương hiệu”, từng tham gia tư vấn chiến lược cho nhiều tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới. Ông thẳng thắn: Thương hiệu không phải là thứ để trang trí, mà là vũ khí cạnh tranh "sống còn", đặc biệt với ngành ngân hàng, nơi "niềm tin là đồng tiền mạnh nhất".

“Ngân hàng là một lĩnh vực dịch vụ và do đó, nó không thể đứng ngoài tiến trình phát triển kinh tế quốc gia. Nó phải trở thành bộ phận tăng tốc, không phải là gánh nặng”, ông nhấn mạnh.

Niềm tin là 'đồng tiền' mạnh nhất của ngân hàng Việt
Giáo sư John Quelch, người có hơn 40 năm kinh nghiệm giảng dạy, tư vấn và lãnh đạo tại những trường đại học danh tiếng như: Harvard Business School, London Business School, CEIBS và hiện là Phó Hiệu trưởng Đại học Duke Kunshan. Ảnh: Hoàng Giáp

Trong thời đại công nghệ bùng nổ và thị trường tài chính thế giới biến động không ngừng, các ngân hàng không thể mãi đóng vai trò thụ động, an toàn đến mức tự làm cùn năng lực cạnh tranh của chính mình. Theo giáo sư Quelch, những tổ chức tài chính dù thận trọng đến đâu, cũng phải học cách đảm nhận vai trò kiến tạo, dẫn dắt. Điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng cần chủ động đầu tư vào công nghệ thông tin, chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo… những đột phá không còn là lựa chọn, mà là điều kiện bắt buộc nếu muốn tồn tại và phát triển.

Sự đổi mới ấy không chỉ giúp các ngân hàng nâng cao hiệu suất vận hành, mà còn là đòn bẩy để ngành ngân hàng Việt có thể bước ra thế giới với vị thế ngang hàng các cường quốc tài chính. “Thay đổi hoặc là chết”, khẩu hiệu từng gắn với hệ sinh thái ngân hàng Mỹ, cũng được ông Quelch nhấn mạnh như một chân lý cho tất cả mọi ngành nghề và càng đặc biệt khẩn thiết với các ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh khu vực và toàn cầu ngày một khốc liệt.

Thẳng thắn nhưng không bi quan, “Phù thủy thương hiệu” đánh giá rằng ngành ngân hàng Việt Nam hiện nay đang phát triển khá lành mạnh. Dưới góc nhìn của ông, một hệ thống có tính cạnh tranh, nơi người tiêu dùng có nhiều lựa chọn là dấu hiệu tích cực cho sự vận hành hiệu quả. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, theo ông, đã thực hiện tốt vai trò giám sát và điều tiết, khi nền kinh tế đạt quy mô khoảng 600 tỷ USD, lạm phát kiểm soát ở mức 4% và tỷ giá ổn định. Đây là những chỉ số “đáng khen”, phản ánh sự nỗ lực không nhỏ để giữ cho thị trường tài chính Việt Nam không bị cuốn theo vòng xoáy bất ổn toàn cầu.

Tuy nhiên, không vì thế mà ngủ quên trên vòng nguyệt quế. Một mặt, vẫn còn những ngân hàng gặp khó khăn trong vận hành và kiểm soát rủi ro. Mặt khác, không ít ngân hàng đang “lớn nhanh hơn nền kinh tế” đặt ra thách thức về năng lực quản trị, giám sát. Để tiếp tục duy trì sức khỏe hệ thống, Giáo sư Quelch khuyến nghị cần mở rộng cơ hội cho đầu tư nước ngoài, không chỉ trong các ngân hàng thương mại nhà nước mà cả ở nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân. Ông lấy ví dụ về các nhà đầu tư Nhật Bản, những người sẵn sàng tăng tỷ lệ sở hữu nếu được phép như một minh chứng cho tiềm năng thu hút vốn quốc tế nếu chính sách “mở cửa” được thực thi đồng bộ và nhất quán.

Cũng theo ông, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) nên được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, để tạo ra các ngân hàng có quy mô đủ lớn nhằm cạnh tranh tầm khu vực, đầu tư bài bản vào công nghệ chất lượng cao và từng bước vươn ra thị trường quốc tế. Đây không chỉ là bài toán vốn, mà còn là lời giải cho khát vọng định vị thương hiệu quốc gia thông qua các định chế tài chính dẫn đầu.

Bước sang phần thảo luận về chiến lược xây dựng thương hiệu, ông Quelch đưa ra một định nghĩa sâu sắc nhưng cũng đầy thực tế: “Thương hiệu không nằm ở logo hay khẩu hiệu. Thương hiệu là lời hứa được thực hiện một cách nhất quán, đều đặn, đáng tin cậy”. Ông nhấn mạnh rằng, niềm tin là nền tảng quan trọng nhất để xây dựng thương hiệu, và niềm tin đó chỉ có thể đến từ việc giữ đúng cam kết dù là trong từng giao dịch nhỏ lẻ hay những cam kết vĩ mô như đạo đức nghề nghiệp, minh bạch tài chính hay khả năng xử lý khủng hoảng.

Niềm tin là 'đồng tiền' mạnh nhất của ngân hàng Việt
Diễn đàn “Đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới và gợi ý với hệ thống ngân hàng” do Thời báo Ngân hàng tổ chức ngày 5/5. Ảnh: Hoàng Giáp

Khi đã có niềm tin, người tiêu dùng sẽ gắn bó lâu dài với thương hiệu, từ đó giúp tổ chức gia tăng doanh thu, giảm chi phí tìm kiếm khách hàng mới, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động tổng thể. Trong bối cảnh nền kinh tế số, hành vi người tiêu dùng thay đổi nhanh chóng và các kênh truyền thông đa dạng hóa từng ngày. Những ngân hàng biết giữ lời hứa, tức là kiên định với giá trị cốt lõi mới có thể tạo dựng được mối quan hệ bền vững và sinh lợi với khách hàng.

Giáo sư Quelch cũng không ngần ngại chỉ ra một khác biệt mà các ngân hàng Việt Nam cần lưu tâm: Xây dựng thương hiệu không thể chỉ hướng ra bên ngoài, mà cần bắt đầu từ bên trong, từ năng lực quản trị, chất lượng dịch vụ, văn hóa doanh nghiệp cho đến trách nhiệm xã hội. Một thương hiệu mạnh là kết tinh của nội lực và niềm tin xã hội, không thể vay mượn hay đi tắt. Bởi thương hiệu không phải là thứ hình thành trong một ngày, mà là kết quả của cả một quá trình nỗ lực bền bỉ, nhất quán và đầy sáng tạo.

Muốn thương hiệu vươn tầm quốc tế thì chiến lược phát triển phải có tầm vóc quốc tế

Tại Diễn đàn, ông Peter Verhoeven, thành viên lãnh đạo Anax Invest, người có hơn 40 năm kinh nghiệm quản trị ngân hàng tại Deutsche Bank, Citibank, Standard Chartered, cũng nhận định, niềm tin chính là điều quan trọng của một thương hiệu. Đối với các ngân hàng cũng vậy, các cơ quan quản lý cần kiểm soát hoạt động của ngân hàng đảm bảo niềm tin của người dân. Cơ sở của niềm tin này được xây dựng dựa trên việc ngân hàng làm tốt hoạt động quản trị nội bộ, đáp ứng các yêu cầu an toàn hoạt động. Đồng thời, ngày càng nâng cấp khả năng quản trị của mình theo các tiêu chuẩn mới như Basel III, tiến đến là Basel IV.

Ngoài ra, yếu tố đổi mới sáng tạo cũng vô cùng quan trọng để đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của người dùng. Bối cảnh công nghệ phát triển cao cũng đặt ra yêu cầu trải nghiệm đối với dịch vụ ngân hàng phải nhanh và tiện ích hơn. Đảm bảo mỗi người dùng có một hành trình sử dụng dịch vụ ngân hàng thuận tiện, liền mạch.

Niềm tin là 'đồng tiền' mạnh nhất của ngân hàng Việt
Ông Peter Verhoeven, thành viên lãnh đạo Anax Invest, người có hơn 40 năm kinh nghiệm quản trị ngân hàng tại Deutsche Bank, Citibank, Standard Chartered (ngồi giữa) chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: Hoàng Giáp

Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng - bà Lê Thị Thuý Sen cho biết, về mặt triết học, để xây dựng một thương hiệu tốt cần sự thống nhất giữa hai mặt của cặp phạm trù “nội dung” và “hình thức”. Hay nói cụ thể hơn, “nội dung” tức là bản chất hoạt động của doanh nghiệp, ngân hàng đó phải bài bản, đáp ứng các yêu cầu trong quản trị, vận hành tốt. Còn “hình thức” là cách thể hiện ra bên ngoài. Theo bà Sen, nếu thiếu một trong hai yếu tố trên thì thương hiệu của doanh nghiệp, ngân hàng không thể vươn xa.

“Một ngân hàng hoạt động tốt mà không biết cách làm thương hiệu thì sẽ lãng phí giá trị và ngược lại. Ngân hàng cần nhìn nhận tầm quan trọng của thương hiệu như một giá trị to lớn. Thương hiệu chính là nguồn lực, giá trị của ngân hàng. Muốn thương hiệu vươn tầm quốc tế thì chiến lược phát triển thương hiệu cũng phải có tầm vóc quốc tế”, bà Sen khẳng định.

Từ thực tế hoạt động, chia sẻ về câu slogan gợi ý cho ngân hàng Việt trong giai đoạn này, bà Thái Hương - Anh hùng Lao động, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á trích câu slogan của chính ngân hàng mình là: “Giữ tâm sáng để vươn xa rộng khắp”. Bà lý giải ý nghĩa câu này vẫn còn nguyên giá trị bởi kinh doanh ngân hàng là kinh doanh đồng tiền, cũng là loại hình kinh doanh rất thử thách.

“Tôi luôn nói với lãnh đạo Ngân hàng Bắc Á, một chữ ‘tĩnh’ hoặc 'tâm' bởi trong tĩnh có tâm, cần phải đạt sự “tĩnh tâm” trong kinh doanh đồng tiền, tránh bị sự 'cám dỗ' chi phối tiêu cực bởi chính đồng tiền. Vì sao người kinh doanh tiền cần tĩnh tâm? Tĩnh để dẫn dắt ngân hàng hoạt động lành mạnh, khách quan, không bị chi phối bởi các lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm”, bà Thái Hương chia sẻ.

Niềm tin là 'đồng tiền' mạnh nhất của ngân hàng Việt
Bà Thái Hương - Anh hùng Lao động, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: Hoàng Giáp

Cũng theo bà Thái Hương, kinh doanh chưa bao giờ là con đường dễ dàng, đặc biệt là kinh doanh đồng tiền bởi loại hàng hóa đặc biệt này vừa có giá trị sở hữu lại mang giá trị sử dụng. Nhờ tư duy “Đồng tiền khôn, đồng tiền khéo”, Ngân hàng Bắc Á đã tạo ra lớp khách hàng phát triển bền vững, giàu có và thịnh vượng.

Cũng nhấn mạnh việc xây dựng thương hiệu phải từ giá trị và trách nhiệm với cộng đồng, bà Thái Hương khẳng định ngay từ đầu, Tập đoàn TH chưa bàn đến mục tiêu phát triển thương hiệu mà phát triển mạnh mẽ và tạo dựng giá trị thực từ những điều bình dị và hạnh phúc. Hạnh phúc mà TH true MILK mang lại không chỉ dành cho người bán hàng mà còn vì sức khỏe của cả cộng đồng.

Song song với nỗ lực của cơ quan quản lý, các đại biểu cho rằng, các ngân hàng thương mại cũng cần chủ động nâng cao năng lực để có thể quản lý hiệu quả tín chỉ carbon như một loại tài sản đảm bảo.

Người đứng đầu Tập đoàn TH cũng chia sẻ thông điệp ý nghĩa: “Hãy yêu quý mẹ thiên nhiên, người đã cho mình tất cả”. Thông điệp này cũng được bà và Tập đoàn TH thực hiện ngay từ những ngày đầu nung nấu ý tưởng. Bên cạnh đó, TH cũng phải nắm bắt xu hướng tiêu dùng xanh, hướng đến cộng đồng, đề cao trách nhiệm xã hội và sự an toàn cho người tiêu dùng.

Chia sẻ giá trị cốt lõi trong chiến lược đưa thương hiệu ra toàn cầu, bà Thái Hương khẳng định: “Thương hiệu muốn phát triển bền vững và đi đường dài, đặc biệt trong ngành thực phẩm thì giá trị cốt lõi phải là giá trị cộng đồng, giống như phẩm hạnh của con người - sự thật là yếu tố quan trọng nhất, cùng với công nghệ tiên tiến”.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà: Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, khuyến khích đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh số hóa hoạt động ngân hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, yêu cầu các tổ chức tín dụng xây dựng chiến lược thương hiệu bài bản, gắn với chiến lược phát triển dài hạn và hội nhập quốc tế.

Hoàng Lan

Theo: Báo Công Thương