Tuần qua, nhiều công ty chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính quý III/2023, với những con số kinh doanh tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Điểm chung của các công ty này là các mảng kinh doanh đều có sự cải thiện (nhờ thị trường chung tốt lên về thanh khoản và điểm số), trong đó, mảng hồi phục mạnh nhất là tự doanh (lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ - FVTPL); doanh thu môi giới và cho vay ký quỹ (margin) đều chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu.
Ảnh minh họa |
Cũng như các mùa báo cáo trước, doanh số môi giới lớn nhất không đồng nghĩa với việc mang lại lợi nhuận lớn nhất cho các công ty chứng khoán, bởi chi phí môi giới lớn không kém doanh thu. Song thị phần môi giới lại là bàn đạp để các công ty chứng khoán cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính khác, điển hình là cho vay margin. Xu hướng mới hơn là dịch vụ quản lý tài sản… cũng cần đến tệp khách hàng rộng lớn.
Sự vươn lên về thị phần môi giới của VPS, duy trì vị trí số 1 liên tục 11 quý (từ quý II/2021) phần nào cho thấy chiến lược của đơn vị này vẫn đang gặt hái thành quả. Chí ít kết quả đáng ghi nhận tại VPS chính là thị phần 19,97%, vượt trội so với mức trung bình 12 - 14% mà Top 3 công ty chứng khoán hàng đầu thường duy trì ở giai đoạn phát triển trước. Đặc biệt hơn, sự gia tăng thị phần này đặt trong bối cảnh "miếng bánh" doanh thu lớn hơn rất nhiều, nhờ số lượng nhà đầu tư mới tham gia tăng vọt từ năm 2020 tới nay.
Trong khi đó, Top 5 thị phần môi giới vốn được xem là "thành đồng vách sắt", kiên cố trong nhiều năm đã gặp xáo trộn trong thời gian gần đây. Thay vì những gương mặt quen thuộc là SSI, HSC, VCI, VND, MBS/hoặc SHS như trước kia, Top 5 thị phần chỉ có 3 công ty thường xuyên vào nhóm này là VPS, SSI, VND. Quý III năm nay, MBS lần đầu tiên sau 4 năm đã vào lại Top 5 trên cả sàn HOSE và HNX.
Dĩ nhiên, câu chuyện thị phần còn tuỳ thuộc vào chiến lược cũng như khẩu vị riêng của mỗi công ty chứng khoán cho mảng môi giới, nhưng việc VPS và các công ty chứng khoán khác đang nỗ lực thăng hạng thị phần đã tạo nên làn gió cạnh tranh mới, chuyển tiếp từ cuộc cạnh tranh “vốn khủng, vốn rẻ” với các công ty chứng khoán vốn ngoại vài năm trước. Ghi nhận của người viết, các công ty chứng khoán đều đang nỗ lực củng cố thị phần môi giới phân khúc khách hàng cá nhân (retail).
Dù mảng môi giới thường chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu, nhưng đóng góp vào lợi nhuận không tương xứng, nhất là cuộc đua phí về 0 lại càng khiến biên lợi nhuận mảng này co hẹp. Song mảng môi giới retail lại là điều kiện cần để các công ty chứng khoán có thể triển khai nhiều hoạt động khác, như cho vay margin, cung cấp các dịch vụ quản lý tài sản, cung cấp nhiều sản phẩm tài chính…
VPS cũng như các công ty chứng khoán thiên về thị phần retail đã tranh thủ tận dụng cơ hội khá tốt từ năm 2020 (dịch bệnh Covid nổ ra) tới nay, cụ thể là thanh khoản tăng mạnh với sự đóng góp chủ yếu hơn 85% là các nhà đầu tư cá nhân, giúp tăng thị phần trở lại.
Các công ty chứng khoán có thể mạnh về khách hàng tổ chức (Top đầu thị trường như VCI, SSI, HSC) lại đang chịu ảnh hưởng một phần vì tỷ trọng giao dịch của các tổ chức nước ngoài ngày càng giảm. Những thay đổi, chiến lược phát triển khách hàng cá nhân vì nhiều yếu tố vẫn cho thấy sự loay hoay, chưa thể bứt tốc trở lại.
Những yếu tố cản trở việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam Theo phản ánh của các tổ chức nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài không biết "room" ngoại cụ thể của doanh nghiệp là bao ... |
Nhìn vào dài hạn, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư đầy hấp dẫn Nói về thị trường chứng khoán, trong 4 năm qua, có 3 năm thị trường đi lên, chỉ có năm 2022 là thị trường đi ... |
Phe bán tiếp tục chiếm ưu thế, cổ phiếu VHM liệu có thủng đáy dài hạn? Sau đà giảm sốc của ngày hôm qua, dòng tiền có xu hướng thận trọng trong phiên giao dịch sáng nay. Đáng chú ý, cổ ... |
Nguyên Nam