Nội lực của chủ đầu tư dự án Cảng Phước An 20.000 tỷ đồng lớn nhất Đồng Nai

19/11/2024 - 22:51
(Bankviet.com) Cảng Phước An do Công ty CP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (PAP) đầu tư tọa lạc bên bờ sông Thị Vải, được đánh giá là cảng có tuyến luồng tốt nhất hiện nay tại Việt Nam. Với vị trí nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi chiếm 70% lượng hàng container và 50% hàng tổng hợp thông quan cảng biển cả nước, cảng sở hữu lợi thế vượt trội về địa lý và khả năng tiếp cận thị trường.

Dự án Cảng Phước An có tổng vốn đầu tư gần 20.000 tỷ đồng, diện tích 8 km². Cảng được chia thành hai phân khu chính. Phân khu cảng rộng 1,8 km² với chiều dài bến 3 km, bao gồm 6 bến container và 4 bến tổng hợp, có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng 60.000 DWT, công suất lên đến 6,5 triệu tấn/năm. Phân khu hậu cần rộng 5,5 km², được quy hoạch thành khu công nghiệp dịch vụ logistics hiện đại với hệ thống kho bãi, bến sà lan và ga trung chuyển.

Hiện tại, hai bến cảng đầu tiên đã hoàn thành, bao gồm cầu cảng số 5 và 6 với tổng chiều dài 670 m. Năng lực khai thác đạt 2,2 triệu TEU và 4 triệu tấn hàng hóa tổng hợp mỗi năm, với khả năng tiếp nhận tàu tải trọng 60.000 DWT. Các bến còn lại dự kiến hoàn thiện vào năm 2026, giúp cảng đạt công suất tối đa.

Nội lực của chủ đầu tư dự án Cảng Phước An 20.000 tỷ đồng lớn nhất Đồng Nai
Cảng Phước An

Theo đó, việc đưa cảng Phước An vào vận hành được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những "ông lớn" của ngành hàng hải Việt Nam, thúc đẩy mạnh mẽ ngành logistics và các khu công nghiệp tại huyện Nhơn Trạch, cũng như toàn tỉnh Đồng Nai.

Đây sẽ là đầu mối quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần thu hút các doanh nghiệp lớn, tạo việc làm và tăng thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu. Đồng thời là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, thể hiện tầm nhìn dài hạn của PAP sau nhiều năm đầu tư và phát triển dự án.

Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết cảng Phước An sẽ là một trong những công trình tiêu biểu được giới thiệu tại Hội nghị công bố quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nội lực của chủ đầu tư dự án Cảng Phước An 20.000 tỷ đồng lớn nhất Đồng Nai
Con đường đi vào Cảng Phước An đang dần hình thành

Nội lực của chủ đầu tư Cảng Phước An

Công ty CP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (UPCOM: PAP) được thành lập năm 2008 nhằm thực hiện dự án đầu tư và khai thác cảng Phước An, với vốn điều lệ đăng ký ban đầu là 500 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông tại thời điểm đó bao gồm nhóm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nắm giữ 79,55% vốn điều lệ (35 triệu cổ phiếu), Tổng công ty Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi) sở hữu 17,05%, còn lại 3,4% thuộc về các cổ đông khác.

PAP hiện vẫn là doanh nghiệp dự án, chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nên không có doanh thu từ hoạt động này. Tuy nhiên, trong quý 3/2024, công ty ghi nhận doanh thu từ hoạt động tài chính đạt 10,5 tỷ đồng, nhờ phát sinh các giao dịch ngoại tệ liên quan đến thanh toán mua sắm máy móc, thiết bị nhập khẩu.

Dù vẫn phát sinh chi phí quản lý, PAP đã áp dụng các biện pháp hiệu quả như tái cơ cấu nhân sự, tiết giảm chi phí hoạt động, giúp tổng chi phí quý 3/2024 giảm 62% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, công ty ghi nhận lãi ròng đạt khoảng 6,5 tỷ đồng, trong đó riêng quý 3 đóng góp 9,9 tỷ đồng nhờ các khoản lãi từ hoạt động tài chính.

Nội lực của chủ đầu tư dự án Cảng Phước An 20.000 tỷ đồng lớn nhất Đồng Nai
Báo cáo kết quả kinh doanh của PAP

Tại thời điểm cuối quý 3/2024, PAP ghi nhận 164,4 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, tổng nợ vay lên tới 4.212 tỷ đồng. Phần lớn tài sản của công ty, tương ứng 88% (5.913 tỷ đồng), là chi phí đầu tư xây dựng cảng Phước An.

Xét về hệ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu, PAP đang duy trì tỷ lệ khá cao so với các doanh nghiệp cùng ngành. Cụ thể, tỷ lệ này ở Gemadept (HOSE: GMD) chỉ là 36%, Cảng Đoạn Xá (mã HNX: DXP) là 4%, Container Việt Nam (mã HOSE: VSC) là 59%, và Cảng Cam Ranh (mã HNX: CCR) là 16%. Điều này cho thấy PAP sử dụng đòn bẩy tài chính lớn hơn nhiều so với các doanh nghiệp khai thác cảng khác, đặc biệt khi đầu tư vào một cảng mới hoàn toàn như Phước An.

Ở giai đoạn đầu tư, chi phí lãi vay hiện đang được vốn hóa vào tổng vốn đầu tư dự án. Như vậy, khi cảng Phước An đi vào hoạt động, bên cạnh câu chuyện bắt đầu ghi nhận doanh thu, PAP sẽ phải hạch toán chi phí lãi vay, khấu hao tài sản cố định.

Đồng thời, công ty sẽ thực hiện các chính sách cạnh tranh để thu hút các hãng tàu chọn cảng Phước An làm điểm bốc dỡ hàng hóa, trong bối cảnh cụm cảng lân cận như Cái Mép đã phát triển mạnh, và cảng Gemalink có khả năng đón tàu container trọng tải lên tới 250.000 DWT, vượt trội so với năng lực của cảng Phước An (tối đa 60.000 DWT).

Quảng Nam chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trạm biến áp với số vốn hơn 180 tỷ đồng

Tỉnh Quảng Nam vừa chấp thuận cho Tổng công ty Điện lực Miền Trung (EVNCPC) đầu tư dự án trạm biến áp 110kV Tiên Phước ...

Hoài Nam

Hoài Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán