Trụ cột của GDP Việt Nam
Đóng góp khoảng 12% vào GDP của Việt Nam, nông nghiệp từ lâu đã là xương sống của nền kinh tế Việt Nam với một số lợi thế so sánh như đất canh tác, độ che phủ rừng, lãnh thổ biển, khí hậu nhiệt đới, lao động sẵn có và chi phí hiệu quả.
Năm 2023, ngành nông nghiệp Việt Nam có mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua, đạt 3,83%. Sản lượng lúa tăng 1,7%, sản lượng thịt tăng 3,5% trong khi thủy sản tăng 2,9%. Sản lượng cao thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt trên 53 tỷ USD, thặng dư thương mại hơn 12 tỷ USD, chiếm 42,5% tổng thặng dư thương mại của Việt Nam.
Việt Nam hiện đang xuất khẩu một loạt các sản phẩm nông nghiệp đi khắp thế giới. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam là gạo, cà phê, hạt điều và rau quả, chiếm hơn 16 tỷ USD xuất khẩu nông sản. Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đã được tiếp cận với các thị trường mới. Từ đầu năm đến nay, giá sầu riêng, cà phê và gạo lần lượt tăng 20%, khoảng 5-9%, và 6%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, ngư nghiệp ước đạt 54 - 55 tỷ USD vào năm 2024.
Nhờ tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, Việt Nam đang trở thành một nhân tố quan trọng trong nông nghiệp toàn cầu. Năm ngoái, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã chọn Việt Nam là một trong 3 quốc gia đầu tiên thí điểm Trung tâm Đổi mới sáng tạo lương thực thực phẩm, một sáng kiến hàng đầu của Liên minh Hành động Lương thực được thiết kế để cải thiện tính bền vững trong sản xuất lương thực.
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng đạt nhiều nỗ lực trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp, đưa Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý trên toàn cầu. Một trong những nỗ lực này chính là việc, tháng 12/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã có quyết định phê duyệt thành lập Đề án về Trung tâm đổi mới sáng tạo lương thực thực phẩm Việt Nam (FIHV), với mục tiêu thúc đẩy sự đổi mới nhiều hơn.
16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, với một số hiệp định khác đang được đàm phán đã tạo nhiều lợi thế cho xuất khẩu nông nghiệp. Nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Việt Nam đã xóa bỏ tới 94% dòng thuế đối với rau quả, tạo lợi thế cạnh tranh so với Thái Lan và Trung Quốc. Cụ thể đối với gạo, thuế quan ưu đãi từ EVFTA đã mang lại lợi ích cho Việt Nam so với các nước như Campuchia, Thái Lan và Ấn Độ. Việt Nam đã trở thành một trong những nguồn cung cấp hạt điều và cà phê lớn nhất cho EU.
Năm 2018, Bộ NN&PTNT đã ban hành danh mục sản phẩm chủ lực quốc gia, gồm gạo, cà phê, cao su, điều, tiêu, chè... Những sản phẩm này được hưởng các biện pháp hỗ trợ ưu đãi bao gồm miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước, tín dụng ưu đãi, đào tạo nguồn nhân lực...
Hướng đến nông nghiệp xanh
Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu là một trong những trọng tâm của Chính phủ để giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững. Do vị trí địa lý của mình, Việt Nam đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp.
Từ sau cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 đầy mạnh mẽ của Việt Nam tại COP26, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đây là văn kiện chính sách quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của đất nước, với các mục tiêu cụ thể liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính. Tỷ trọng các sản phẩm phân bón hữu cơ, việc sử dụng thuốc trừ sâu sinh học cũng như áp dụng các phương pháp tưới tiết kiệm nước tiên tiến dự kiến sẽ tăng đáng kể trong những năm tới.
Năm ngoái, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Được biết đến nhiều hơn với tên gọi Quy hoạch điện VIII (PDP8), sau gần 3 năm hoàn thiện, quy hoạch tổng thể này nhấn mạnh khoản đầu tư đáng kể cần thiết để phát triển ngành năng lượng của Việt Nam và mang đến cơ hội tiềm năng cho các công ty năng lượng nước ngoài.
Một khi được thực hiện, Quy hoạch này sẽ khuyến khích thêm nhiều các dự án năng lượng sạch trong sản xuất nông nghiệp, hướng đến bảo vệ môi trường cũng như tiết kiệm chi phí năng lượng. Điều này sẽ mở đường cho việc thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp đến Việt Nam, từ đó đem lại hiệu quả tích cực cho sự tăng trưởng chung của toàn ngành.
Từ các công ty nông nghiệp đến các tổ chức tài chính, tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp luôn là đề tài được quan tâm. Các công ty nông nghiệp đã trở nên chủ động và nghiêm túc hơn trong việc phát triển và thực hiện chiến lược bền vững của họ - từ kinh tế tuần hoàn, đến chuỗi cung ứng bền vững, cũng như các chương trình hỗ trợ môi trường và cộng đồng khác. Đặt trọng tâm vào nông nghiệp xanh không chỉ giúp Việt Nam giảm lượng khí thải carbon trong sản xuất nông nghiệp, mà còn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ các thị trường xuất khẩu như Mỹ hoặc châu Âu.
Cùng với sự phát triển của ngành nông nghiệp, các công ty này đã trở nên nhanh nhẹn và phát triển hơn nhiều trong cách họ quản lý các dòng tiền của mình, chuyển từ giao dịch tiền mặt sang các nền tảng trực tuyến. Họ cũng đang tìm cách số hóa các hoạt động nội bộ của mình, đồng thời cải thiện và tối ưu hóa hơn nữa vốn lưu động của họ.
Trong nỗ lực hỗ trợ phân khúc doanh nghiệp này, Chính phủ đã đưa ra nhiều sáng kiến, nổi bật trong số đó là việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giới hạn lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền Đồng ở mức 4%. Các tổ chức tài chính cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 của ngành nông nghiệp với các hoạt động chuyển hướng sang tài chính xanh, định hướng thị trường và giúp các công ty nông nghiệp xây dựng tư duy bền vững.
Sự hỗ trợ của các ngân hàng không chỉ giới hạn ở các khoản tài trợ thương mại xanh, hoặc tài trợ chi phí cho việc đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, máy móc, nhà xưởng để hỗ trợ sản xuất bền vững, mà còn cung cấp các hướng dẫn, vốn hay chia sẻ các insight trong ngành.
Có thể nhận thấy, là trụ cột chính của kinh tế Việt Nam, ngành nông nghiệp đã có nhiều chuyển đổi quan trọng trong những năm qua. Tuy nhiên, để tối ưu hóa các cơ hội này, cần phải có những thay đổi chính sách nhất định để thúc đẩy đổi mới và đầu tư vào công nghệ cao. Cần có kế hoạch thực hiện rõ ràng hơn đối với PDP8 cũng như chương trình Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) để hiện thực hóa lợi ích và thu hút đầu tư nước ngoài.
Chính phủ cũng cần đưa ra những ưu đãi nhất định liên quan đến tài chính xanh nhằm đảm bảo các doanh nghiệp có thể đẩy nhanh kế hoạch chuyển đổi của mình. Với cam kết mạnh mẽ của Chính phủ và nhiều FTA đã được ký kết, cơ hội cho ngành nông nghiệp là rất lớn. Chúng tôi hy vọng đây tiếp tục là chỉ dấu cho sự tăng trưởng GDP của Việt Nam.
Surajit Rakshit (*)