Ông lớn Hàn Quốc Hana Micron dự rót tỷ USD vào lĩnh vực sản xuất chip tại Việt Nam

03/10/2023 - 23:25
(Bankviet.com) Hana Micron - tập đoàn chuyên cung cấp bộ nhớ và bao bì chip cho Samsung đang tiến hành chuyển thiết bị tới nhà máy mới của họ tại Bắc Giang và dự định sẽ rót 1 tỷ USD vào lĩnh vực sản xuất chip tại Việt Nam.
Ông lớn Hàn Quốc Hana Micron dự rót tỷ USD vào lĩnh vực sản xuất chip tại Việt Nam
Ông lớn Hàn Quốc Hana Micron dự rót tỷ USD vào lĩnh vực sản xuất chip tại Việt Nam

Trong làn sóng bán dẫn với nguồn tiền khủng đổ về Việt Nam, “đại gia” Hàn Quốc Hana Micron cho biết kế hoạch dự rót 1 tỷ USD cho hoạt động sản xuất chip vào năm 2025 tại nước ta, theo Nikkei Asia đưa tin.

Nhà sản xuất bộ nhớ và bao bì chip của Hàn Quốc tiết lộ với Nikkei Asia rằng họ đang chuyển thiết bị đến nhà máy thứ hai mới ở tỉnh Bắc Giang để “chuẩn bị sản xuất” và “đang bận rộn với việc kiểm tra sổ sách với khách hàng”.

Hiện tại, Bắc Giang đang là nơi đặt trụ sở của ba nhà cung cấp linh kiện cho Apple và được biết đến là nơi sản xuất phần lớn điện thoại Samsung trên thế giới, cùng với “người hàng xóm” Bắc Ninh.

Theo Nikkei Asia, công nghiệp chip đã trở thành chủ đề trọng tâm trong chuyến công du Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 9 vừa qua, khi hàng loạt các doanh nghiệp Mỹ như Amkor và Marvell sẽ mở rộng hoạt động tại quốc gia Đông Nam Á này.

Vài ngày sau đó, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cũng đã có các chuyến thăm tới các cơ sở của Nvidia và Synopsys ở Mỹ để tìm kiếm thêm đầu tư.

Chia sẻ với Nikkei Asia, Giám đốc nhân sự của Hana Micron Hwang Chul Min nhận xét: “Dự án Bắc Giang của Hana Micron đóng vai trò then chốt trong sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương và đi theo định hướng phát triển của chính phủ. Nó sẽ tạo cơ hội thu hút thêm nhiều dự án công nghệ cao khác và đặt nền móng cho sự phát triển của hệ sinh thái sản xuất chất bán dẫn”.

Một loạt các thông báo xoay quanh hoạt động đầu tư gần đây đã tạo động lực cho các nhà sản xuất chip toàn cầu, vốn đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng trước các thách thức địa chính trị cũng như Việt Nam, quốc gia đang nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, thách thức vẫn còn đó. Theo một nguồn tin của Nikkei Asisa, Samsung - một trong những khách hàng quan trọng của Hana Micron, đã từ chối lời đề nghị của Chính phủ về việc xây dựng một nhà máy sản xuất chip tại đây, với lý do “đã đầu tư quá nhiều vào Việt Nam”. Cùng với đó, Việt Nam cũng đang phải chứng kiến việc nhà đầu tư chip lớn nhất của mình, Intel, chọn đối thủ Malaysia để mở rộng quy mô sản xuất.

Hiện tại, Việt Nam cũng đang nỗ lực để đáp ứng các yêu cầu về kỹ năng và cơ sở hạ tầng. Theo Cổng TTĐT tỉnh Bắc Giang, Hana Micron sẽ tuyển dụng khoảng 4.000 người và hợp tác với Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc để tìm kiếm nhân sự. Nhà sản xuất này cũng có một nhà máy ở Bắc Ninh và đang tìm kiếm nhân viên công nghệ thông tin, tìm nguồn cung ứng và lập kế hoạch sản xuất cũng như công nhân làm việc trong các dây chuyền sản xuất.

Cổng TTĐT tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh: “Hana Micron nhận được sự quan tâm đặc biệt của tỉnh Bắc Giang trong việc cung cấp các điều kiện đảm bảo sản xuất liên tục như điện, nước”. Hồi đầu tháng 6, tình trạng thiếu điện đã khiến không chỉ Bắc Giang mà cả các địa phương khác phải lên kế hoạch cắt điện kéo dài hàng giờ, một sự gián đoạn khiến các nhà đầu tư trên cả nước và các ngành lo ngại.

Cũng theo thông tin từ tỉnh Bắc Giang, nhà máy của Hana Micron có diện tích 6 ha và sẽ hợp tác với một nhà máy bán dẫn khác do Đài Loan đầu tư, dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2024.

Nikkei Asia cũng thông tin thêm, một số nhà đầu tư khác, trong đó có nhà sản xuất chip Synopsys đã để mắt đến rủi ro của Trung Quốc khi chuyển sang Việt Nam. Doanh nghiệp Hoa Kỳ này đã tham gia lễ ra mắt trung tâm thiết kế chip tại Hà Nội vào tháng 9, lĩnh vực mà các “ông lớn” của Việt Nam như FPT và Viettel đang theo đuổi.

Đến Nay, Việt Nam vẫn chưa thể huy động được nguồn vốn lên tới hàng tỷ USD để xây dựng một nhà máy tiên tiến chế tạo chất bán dẫn.

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cho hay: “Việt Nam vẫn cần một cách tiếp cận thống nhất mang tính quốc gia để giải quyết vấn đề chất bán dẫn”.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng khẳng định: “Việt Nam đã sẵn sàng cho sự mở rộng đột phá của ngành công nghiệp bán dẫn và sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư vào ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao”.

Cơ chế ưu đãi cao này, theo NIC, bao gồm các đặc quyền như miễn thuế trong 4 năm.

Xây dựng Hòa Bình (HBC) bắt tay đối tác Hàn Quốc “tiến công” thị trường Trung Đông

Con đường chinh phục thị trường Trung Đông của Xây dựng Hòa Bình (HBC) sẽ được bắt đầu từ Arab Saudi, với sự đồng hành ...

Hàn Quốc cho rằng không xảy ra khủng hoảng thiếu hụt urê

Trong tuyên bố đưa ra hôm nay, Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết các kênh nhập khẩu urê từ Trung Quốc đã được đa ...

Chaebol Hàn Quốc “rót” 500 triệu USD để xây dựng nhà máy vật liệu phân hủy sinh học lớn nhất thế giới tại Việt Nam

Chaebol lớn thứ ba Hàn Quốc SK tiết lộ với truyền thông nước này, công ty con SKC của họ sẽ xây dựng nhà máy ...

Thái Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán