PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng: Tăng trưởng GDP cả năm dự kiến sẽ đạt 6,5 – 6,8%

04/07/2024 - 16:38
(Bankviet.com) 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất siêu 11,63 tỷ USD, thu hút FDI khởi sắc,… Tăng trưởng GDP cả năm 2024 dự kiến sẽ đạt 6,5 – 6,8%.
Tăng trưởng GDP quý II/2024 bứt phá với 6,93% Ba kịch bản lạm phát năm 2024

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng - Giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

Ông đánh giá như thế nào về bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm và nhận định 6 tháng cuối năm?

Bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm với tăng trưởng GDP, xuất nhập khẩu và đầu tư nước ngoài đều rất khả quan. Nền kinh tế đang có bước khởi sắc tốt, đây là một trong những nỗ lực với các chính sách mà chúng ta đang áp dụng, trong đó, chính sách tiền tệ - tài khóa là rất phù hợp. Bên cạnh đó là chính sách tìm kiếm chuỗi cung ứng sau dịch bệnh Covid-19 và chính sách cải thiện môi trường đầu tư.

Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2024 tăng 6% hoàn toàn khả thi
Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2024 tăng 6% hoàn toàn khả thi

Với đầu tư công, nếu trước kia chúng ta làm ồ ạt thì nay được thực hiện một cách thận trọng, minh bạch và chắc chắn hiện quả sẽ cao hơn.

Nhiều yếu tố mới có thể làm cho nền kinh tế Việt Nam có đà phát triển tốt hơn, ví dụ, chính sách tiền tệ nới lỏng của Việt Nam tạo dư địa lớn để tăng tăng trưởng cao. Mặt khác, việc cải cách tiền lương có thể làm tăng năng suất lao động, tăng khả năng sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn. Cùng với Luật Đất đai có hiệu lực, sẽ tạo cú hích cho thị trường bất động sản Việt Nam.

Năm 2022, GDP đã tăng lên con số 8,12%. 6 tháng đầu năm đã có khởi sắc với mức tăng trưởng trên 6%. Với đơn hàng xuất khẩu đang có những tín hiệu tích cực, cùng với các động lực mới cho sự tăng trưởng, do dó, dự báo, 6 tháng cuối năm GDP sẽ tiếp tục giữ ở mức cao và GDP cả năm dự kiến sẽ đạt 6,5 – 6,8%, cao hơn so với mức Quốc hội đã đề ra. Nền kinh tế Việt Nam được nhận định sẽ có những bước đi dài hơn và cao hơn trong 6 tháng cuối năm và thậm chí cả những giai đoạn sau.

Chính phủ đã có các chủ trương và động thái chính sách giảm thuế, phí cho các doanh nghiệp, ông đánh giá như thế nào về việc này?

Giảm thuế phí là một trong những động thái rất quan trọng để hỗ trợ cho doanh nghiệp một cách trực tiếp, làm cho doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí. Đây cũng là cách để giúp doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, đầu tư vào nhưng cái mới hơn, tốt hơn.

Điều này sẽ tạo sức bật mới cho nền kinh tế. Việc này nếu được triển khai sớm và thực thi hiệu quả sẽ tạo động lực mới cho doanh nghiệp mở rộng quy mô, giúp doanh nghiệp có thể vươn ra nước ngoài về cả xuất khẩu và đầu tư, cũng như thúc đẩy việc thành lập doanh nghiệp mới.

Hiện giá vàng vẫn đang chưa ổn định trên thị trường, đâu sẽ là giải pháp thưa ông?

Hiện trong giỏ hàng hóa CPI chủ yếu là lương thực, thực phẩm, xăng dầu, điện,…Vàng không phải là mặt hàng thiết yếu. Do đó, việc can thiệp của nhà nước cũng sẽ tùy tình hình.

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng
PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng

Tuy nhiên, cần nhìn nhận giá vàng tăng hiện nay là phù hợp với quy luật thị trường bởi lãi suất ngân hàng giảm rất sâu, điều này khiến lượng tiền nhàn rỗi trong lưu thông dư ra rất lớn, trong khi các thị trường khác như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp,… không đủ hấp dẫn để hấp thụ hết lượng tiền nhàn rỗi này. Ngoài ra, tác động của yếu tố rủi ro chiến tranh, do đó, vàng là kênh chú ẩn an toàn.

Một vấn đề khác được nhắc đến đó là yếu tố tâm lý. Nhiều người đoán định vàng đang có xu hướng biến động, có thể họ khai thác yếu tố đầu cơ trong ngắn hạn trên cơ sở đó sẽ sử dụng tiền này cho những việc đầu tư lớn hơn.

Giải pháp vừa qua của Chính phủ tôi cho rằng là rất thận trọng, phù hợp. Nền kinh tế Việt Nam không lớn nhưng nhu cầu vàng lại lớn. Với giải pháp hiện nay sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới.

Tháng 7 này, nếu Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) giảm lãi suất, chắc chắn lượng USD chạy ra ngoài lưu thông nhiều hơn, giá vàng thế giới có nguy cơ tăng lên. Việt Nam là nền kinh tế nhỏ, chủ yếu là vàng nhập khẩu. Nếu chính sách nhà nước điều chỉnh được, ví dụ như tăng nhập khẩu vàng, thì sẽ góp phần ổn định thị trường vàng trong nước.

Lương cơ sở bắt đầu tăng từ 1/7, thị trường cũng rục rịch tăng giá, đâu là giải pháp để kiểm soát giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu, thưa ông?

Theo cách nhìn của tôi, cứ mỗi lần tăng lương là một lần giá tăng, thậm chí giá còn tăng trước khi tăng lương. Đây là phản ứng của thị trường lao động tác động đến thị trường giá cả. Khi lương tăng, chi phí tiền lương trong giá thành hàng hóa tăng, đẩy giá cả hàng hóa tăng theo. Việc tăng lương áp dụng cho khu vực công, trong khi khu vực tư và những người lao động tự do không được quan tâm nhiều, do đó, họ sẽ không còn cách nào khác phải tăng giá để tự lấy lại điểm cân bằng.

Việc tăng lương đợt này cùng với điều chỉnh Luật Đất đai sẽ dẫn đến thị trường đất đai, thị trường bất động sản, thị trường lao động tạo một mặt bằng giá mới. Điều này là không tránh khỏi.

Trong điều kiện như vậy, Nhà nước với vai trò quản lý, muốn giữ được mức giá ổn định như trước hoặc chỉ tăng nhẹ thì giải pháp dễ làm nhất đó là triển khai chương trình khuyến mại quốc gia và thực hiện luôn trong tháng 7 này là tốt nhất.

Bên cạnh đó, để giảm bớt áp lực tăng giá, cần phải chuẩn bị nguồn hàng dự trữ lớn, thậm chí, với những mặt hàng có nguy cơ tăng giá, có thể sử dụng nguồn hàng nhập khẩu từ nước ngoài vào.

Thứ ba, tăng lương đồng nghĩa với việc tăng lượng cung tiền của nền kinh tế lên khoảng 1 triệu tỷ đồng, nên nghĩ đến việc điều chỉnh lãi suất ngân hàng để hút bớt lượng tiền nhàn rỗi trong lưu thông.

Ngoài ra, còn nhiều các chương trình khác liên quan đến quản lý thị trường, niêm yết giá, chủ động ổn định các mặt hàng hóa thiết yếu. Công tác thông tin tuyên truyền, chống đầu cơ, thổi giá cần được triển khai đồng bộ.

Về phía doanh nghiệp cần giảm giá để thu hút kích cầu, đồng thời tìm giải pháp để tiết kiệm chi phí năng lượng, chi phí quản lý, áp dụng mô hình kinh doanh tinh gọn,… Đây là cơ hội để doanh nghiệp mở rộng thị trường một cách nhanh chóng cũng như chiếm lĩnh thị trường mới.

Người tiêu dùng có quyền lựa chọn các mặt hàng, theo đó, những mặt hàng tăng giá chúng ta có thể giảm bớt lượng mua, không nên đi theo tâm lý đám đông, khiến cơn sốt giá không có lại thành ra có.

Người tiêu dùng cần bảo vệ quyền lợi của mình, nhất là khi từ 1/7, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được kích hoạt . Theo đó, nếu giá tăng cao quá, không minh bạch, không rõ ràng thì người tiêu dùng có quyền phản ánh.

Nếu tất cả các giải pháp này được triển khai một cách đồng bộ sẽ giúp giá cả chỉ nhích nhẹ và cơn sốt giá sẽ không có sau khi tăng lương.

Xin cám ơn ông!

Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2024 sơ bộ đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,5%; nhập khẩu tăng 17%. Cán cân thương mại hàng hóa sáu tháng đầu năm 2024 ước tính xuất siêu 11,63 tỷ USD.

Tính đến ngày 20/6/2024, cả nước có 1.538 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nước ngoài với số vốn đạt 9.536,8 triệu USD, tăng 18,9% về số dự án và tăng 46,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023. Vốn FDI đăng ký mới tăng cao so với cùng kỳ năm trước, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dần phục hồi sau nhiều tháng gặp khó khăn, số doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Kinh tế tăng trưởng khởi sắc đã tác động tích cực đến thu ngân sách Nhà nước. Thu ngân sách Nhà nước sáu tháng đầu năm 2024 ước đạt 1.020,6 nghìn tỷ đồng, bằng 60% dự toán năm và tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó thu nội địa đạt gần 857 nghìn tỷ đồng, bằng 59,3% và tăng 18,1%.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương