Sau năm 'bội thu', doanh nghiệp phân bón cẩn trọng 'cài số lùi' kế hoạch kinh doanh |
Theo công bố tại báo cáo thường niên năm 2022, BFC đặt mục tiêu doanh thu đạt hơn 7.476 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 220 tỷ đồng; lần lượt giảm 14,3% và 6% so với thực hiện năm trước.
Ngoài ra, Công ty đặt mục tiêu sản lượng sản xuất và sản lượng tiêu thụ đều đạt 585.570 tỷ đồng, tăng 12,5% và 14,8% so với năm trước.
Sau khi lập đỉnh về doanh thu năm 2022, năm nay, BFC đặt mục tiêu doanh thu giảm 14,3%, còn 7.476 tỷ đồng. Ảnh minh hoạ |
Kế hoạch trên dựa trên dự báo tình hình quốc tế và trong nước còn nhiều yếu tố bất lợi, giá cả nông sản, phân bón không ổn định, thời tiết diễn biến phức tạp; bảo hộ mậu dịch, chiến tranh thương mại giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, đặc biệt là ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga – Ukraine. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mở cửa thị trường đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón trong nước.
Năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất của BFC đạt mức 8.706 tỷ đồng, tăng 10,4% so với năm 2021 - là mức doanh thu kỷ lục của công ty. Tuy nhiên, với giá nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức cao, chi phí lãi vay và chi phí bán hàng tăng, làm cho lợi nhuận trước thuế giảm 37% so với năm 2021, đạt 234 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 185 tỷ đồng; riêng công ty mẹ đạt 141 tỷ đồng.
Kế hoạch kinh doanh thận trọng của BFC được đưa ra trong bối cảnh ngành phân bón được dự báo gặp nhiều khó khăn trong năm 2023. Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) dự báo các doanh nghiệp phân bón sẽ đối mặt với áp lực tăng trưởng âm do nền so sánh cao trong năm 2022. BSC cho rằng giá urê năm 2023 sẽ chịu áp lực giảm do nguồn cung tăng đến từ việc Trung Quốc nới lỏng xuất khẩu và nhu cầu nhập khẩu urê từ Ấn Độ giảm do quốc gia này tăng cường sản xuất urê nội địa. Sau cùng, biên lợi nhuận các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước có thể sẽ thu hẹp so với mức nền cao của 2022.
Trung tâm Phân tích chứng khoán SSI - SSI Research cũng có góc nhìn không khả quan đối với ngành phân bón trong năm nay. Đơn vị phân tích nhận định giá dầu có xu hướng giảm và sản lượng xuất khẩu ure toàn cầu có thể tăng khi Nga, Trung Quốc nới lỏng xuất khẩu, gây áp lực giảm giá ure và lợi nhuận trong năm 2023.
Không riêng BFC, nhiều doanh nghiệp ngành phân bón cũng dè dặt khi đề ra kế hoạch kinh doanh năm nay. Chẳng hạn Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí (HoSE: DPM) công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 với các chỉ tiêu giảm đáng kể so với thực hiện 2022. Cụ thể, doanh thu năm nay dự kiến đạt trên 13.458 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế mục tiêu 1.383 tỷ đồng, lần lượt giảm 18% và 68%.
Thảo Nguyên