Hoa Kỳ áp thuế đối ứng 24% với hàng nhập từ Malaysia
Ngày 2/4/2025, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ban hành Sắc lệnh về thuế đối ứng áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào nước này.
Theo đó, Hoa Kỳ sẽ áp dụng mức thuế 10% đối với tất cả các đối tác thương mại cũng như các mức thuế đối ứng riêng lẻ đối với một loạt các quốc gia đối xử không công bằng với Hoa Kỳ, trong đó có 50 đối tác thương mại của Hoa Kỳ. Trong bảng công bố thuế quan, Hoa Kỳ cũng áp thuế đối ứng với Malaysia ở mức 24%.
Thông tin tới Báo Công Thương, ông Lê Phú Cường - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cho biết, ngay sau khi Sắc lệnh thuế đối ứng của Hoa Kỳ được công bố, ngày 3/4, Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia đã ra văn bản tìm kiếm các biện pháp thích hợp để giảm thiểu tác động thuế quan lên hoạt động xuất khẩu của nước này và khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với phía Hoa Kỳ để thúc đẩy hợp tác thương mại.
Cụ thể, văn bản của bộ này nêu rõ, với mức tăng thuế quan 10% gần đây và mức thuế đối ứng mà Hoa Kỳ vừa công bố đối với hàng xuất khẩu của Malaysia sang Hoa Kỳ, Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI) coi những mức thuế quan này là nghiêm túc và đang tích cực hợp tác với chính quyền Hoa Kỳ để tìm kiếm các giải pháp duy trì tinh thần thương mại tự do và công bằng.
Trên tinh thần đó, Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia không xem xét các mức thuế quan để trả đũa.
![]() |
Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia không xem xét các mức thuế quan để trả đũa Hoa Kỳ. Ảnh: Kỳ Hưng |
Cũng theo bộ này, thuế quan của Hoa Kỳ ảnh hưởng đến nhiều quốc gia với những tác động đáng kể đến thương mại và tăng trưởng toàn cầu.
Trung tâm Chỉ huy Địa kinh tế Quốc gia (NGCC) vừa được Nội các phê duyệt sẽ đánh giá tác động Sắc lệnh thuế đối ứng của Hoa Kỳ và sẽ xem xét một chiến lược toàn diện và đa hướng để giảm thiểu tác động của các mức thuế quan này đối với nền kinh tế và các ngành công nghiệp của Malaysia.
Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp của Malaysia cho biết, Malaysia sẽ sử dụng Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (TIFA) để tìm kiếm lợi ích thương mại có đi có lại và theo đuổi Hiệp định bảo vệ công nghệ với Hoa Kỳ để tạo điều kiện cho hợp tác công nghệ cao trong các lĩnh vực bán dẫn, hàng không vũ trụ và kinh tế kỹ thuật số.
Theo Cục Phân tích kinh tế Hoa Kỳ, Malaysia đứng thứ 15 trong danh sách của Hoa Kỳ với thặng dư thương mại là 24,8 tỷ đô la vào năm 2024. Bất chấp thâm hụt thương mại hàng hóa, Hoa Kỳ vẫn có thặng dư thương mại trong dịch vụ với Malaysia, phản ánh mối quan hệ kinh tế song phương mạnh mẽ hỗ trợ việc làm và tăng trưởng kinh tế cho cả hai quốc gia.
Cần phải nhấn mạnh rằng, thâm hụt thương mại với Hoa Kỳ cũng là do nhiều công ty Hoa Kỳ đã hoạt động tại Malaysia trong nhiều thập kỷ, do hệ sinh thái công nghiệp lâu đời của Malaysia, đặc biệt là trong lĩnh vực E&E.
“Chúng tôi thừa nhận rằng việc tăng thuế của Tổng thống Trump đặt ra thách thức đáng kể đối với động lực thương mại toàn cầu” - Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia thông tin và ghi rõ, trong khi tôn trọng các quyết định có chủ quyền như vậy, Malaysia tin tưởng mạnh mẽ vào sự tham gia mang tính xây dựng cho các mối quan hệ kinh tế cùng có lợi. MITI cam kết bảo vệ lợi ích kinh tế của Malaysia và duy trì mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Hoa Kỳ.
Tận dụng FTA, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu
Để giảm thiểu tác động của thuế quan, Malaysia đang mở rộng thị trường xuất khẩu bằng cách ưu tiên các khu vực tăng trưởng cao và tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện có, bao gồm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Song song đó, Malaysia cũng sẽ thúc đẩy các quan hệ đối tác mới trong ASEAN và tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng của Malaysia bằng cách đẩy nhanh việc thực hiện các chính sách công nghiệp quan trọng như Kế hoạch tổng thể công nghiệp mới 2030 (NIMP 2030) và Lộ trình chuyển đổi năng lượng quốc gia (NETR).
Chính phủ nước này cũng đang hợp tác với các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng, đồng thời tìm hiểu các chương trình hỗ trợ để giúp các doanh nghiệp thích ứng. Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia cam kết đối thoại cởi mở và hợp tác để giải quyết các tranh chấp thương mại và thúc đẩy sự thịnh vượng chung; đồng thời tin tưởng nền kinh tế Malaysia sẽ tiếp tục phục hồi trong bối cảnh những thách thức này.